Nên sử dụng lốp dự phòng trong bao lâu?
Khi lốp xe bị hư hỏng, lốp dự phòng được sử dụng như một sự thay thế ngắn hạn. Điều đó có nghĩa là chúng không thể sử dụng để đi quá xa và quá nhanh được.
1. Lốp dự phòng nên sử dụng bao lâu?
Lốp dự phòng thường được đặt ở khoang hành lý phía sau hoặc vị trí bên ngoài xe với mục đích dự trữ, đề phòng các tình huống khẩn cấp. Trong trường hợp lốp chính gặp vấn đề trục trặc, xẹp, nổ không thể di chuyển, người điều khiển phương tiện có thể thay thế các lốp dự phòng để tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, đây chỉ là một chiếc “phao cứu sinh” tạm thời, phát huy tác dụng hiệu quả trong ngắn hạn. Do đó việc thay thế hoàn toàn và sử dụng lốp dự phòng hàng ngày, trong thời gian dài là không khả quan.
Phần lớn các hãng xe đều đưa ra khuyến cáo cho người dùng ô tô không nên chạy xe quá 50 dặm (tương đương khoảng hơn 80km) với lốp dự phòng. Khả năng chịu tải, độ bền, độ ma sát của các sản phẩm lốp dự phòng đều kém hơn lốp chính. Đặc biệt việc sử dụng lốp dự phòng quá lâu gây ảnh hưởng trực tiếp đến bộ vi sai điều khiển. Do kích thước của lốp dự phòng thường nhỏ hơn bánh xe đối lập trên một trục, phải quay nhanh hơn để theo kịp tốc độ di chuyển của xe. Khi đó bộ vi sai phải hoạt động liên tục để điều khiển lực tới bánh dự phòng, nhanh xuống cấp hơn.
Theo các chuyên gia và nhà sản xuất, lốp dự phòng thường có cấu tạo mỏng với các thiết kế tiết kiệm tối đa không gian diện tích. Do đó loại lốp này không những sở hữu một lượng nhỏ cao su bơm phồng mà còn có quá ít gai so với lốp chính. Điều này khiến lốp xe bị giảm độ bám đường, tăng khoảng cách phanh gây nguy hiểm. Ngoài các trường hợp khẩn cấp, tình huống phải thay thế ngay lập tức, người dùng ô tô rất hạn chế sử dụng lốp dự phòng. Nếu bắt buộc phải sử dụng lốp dự phòng, người dùng cần thay lại lốp chính càng sớm càng tốt để đảm bảo di chuyển an toàn.
2. Tại sao không nên dùng lốp dự phòng quá lâu?
Đảm nhận chức năng riêng trong quá trình vận hành phương tiện, lốp dự phòng có những đặc điểm và chất lượng khác biệt với lốp chính. Thói quen sử dụng lốp dự phòng thay thế hoàn toàn cho lốp chính trên hành trình dài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người tham gia giao thông.
2.1. Khả năng chịu tải kém
Thiết kế của lốp dự phòng có tiết diện, đường kính nhỏ hơn lốp chính và bánh xe. Do đó khi vận hành bộ vi sai phải chịu áp lực nặng nề hơn. So với lốp chính khả năng chịu tải của lốp dự phòng tương đối kém, dễ gây ra một số vấn đề cơ khí nghiêm trọng khi phải hoạt động liên tục, trong thời gian dài.
2.2. Độ bền kém
Lốp dự phòng là sản phẩm mang tính chất tạm thời, do vậy chất lượng cũng được hoàn hảo khi đặt trong tương quan so sánh với lốp chính. Thông thường sức mạnh và hiệu quả sử dụng của lốp xe đến từ lớp thép và polyester bến dưới lớp cao su. Tuy nhiên cấu tạo của các sản phẩm lốp dự phòng lại có các chất liệu kể trên ít hơn hẳn so với lốp tiêu chuẩn. Điều này làm giảm khả năng chống thủng và vào cua mượt mà của lốp. Người dùng không thể tận dụng lốp dự phòng trong khoảng thời gian lâu với quãng đường di chuyển dài có thể dẫn đến sự cố nguy hiểm.
2.3. Độ ma sát kém
Thiết kế của lốp dự phòng hẹp hơn, phần tiết diện tiếp xúc mặt đường cũng vì thế nhỏ hơn lốp chính. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm giảm độ bám đường của bánh xe, tăng khoảng cách phanh, thậm chí làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống cảnh báo nguy hiểm trong tình trạng khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống phanh ABS và bộ điều khiển chống trượt hoạt động không hiệu quả, hạn chế khả năng giúp xe thoát khỏi trạng thái nguy hiểm.
2.4. Ảnh hưởng đến bộ vi sai điều khiển
Các chức năng hoạt động của bộ vi sai tương đối phức tạp. Ở các tốc độ khác nhau, bộ phận này thực hiện truyền động cơ tới các bánh từ hộp số và điều khiển lần lượt điều khiển các bánh chuyển động. Đặc biệt khi xe di chuyển vào khúc cua, đoạn rẽ, phần bánh xe bên ngoài và bên trong quay ở các tốc độ khác nhau, bộ vi sai phát huy tối đa tác dụng.
Ở những cung đường thẳng, xe di chuyển liền mạch với bộ lốp thường bộ vi sai đa phần không cần hoạt động, ít gây hao mòn bánh răng và vòng bi. Tuy nhiên với bánh xe dự phòng, kích thước nhỏ, lốp buộc phải quay nhanh để phù hợp với tốc độ xe. Khi đó bộ vi sai phải hoạt động liên tục với tần suất cao truyền động lực đến bánh dự phòng, khả năng hao mòn và hư hại cũng vì thế tăng lên đáng kể.
2.5. Mất tính đàn hồi
Lốp dự phòng có cấu tạo chất liệu cao su nên cách sử dụng tương tự như các loại lốp thường hoặc sản phẩm có chất liệu tương tự. Trường hợp lốp xe để lâu, không sử dụng trong thời gian dài khiến cao su có khả năng bị lão hóa nhanh chóng, giảm dần và mất hẳn tính đàn hồi. Khi đó xe di chuyển thường xảy ra tình trạng trơn trượt, dễ xảy ra tai nạn.