Nền tảng công dân số ở một số quốc gia Đông Nam Á
Phát triển năng lực quốc gia trong kỷ nguyên số là xu hướng chung toàn cầu, không chỉ riêng các quốc gia Đông Nam Á. Vậy trong quá trình chuyển đổi số này, một số nền tảng công dân số điển hình trong khu vực đã được phát triển và hoàn thiện như thế nào?
MyDigital ID của Malaysia
Hệ thống quản lý danh tính và đăng nhập dịch vụ công quốc gia của Malaysia, MyDigital ID, đã bắt đầu hoạt động trên điện thoại thông minh từ tháng 7-2024. Phiên bản di động của My Digital ID cho phép người dùng truy cập các dịch vụ chính phủ trực tuyến khác nhau mà không cần sử dụng các mật khẩu và cổng đăng nhập khác nhau.
Được biết, ứng dụng trực tuyến này đã tích hợp quyền truy cập vào một số dịch vụ công quan trọng như ứng dụng của Bộ Giao thông Vận tải Đường bộ Malaysia, Hệ thống Thông tin quản lý nguồn nhân lực, Cổng thông tin dịch vụ công MyGov… Ông Mohd Mirza Mohamed Noor, Giám đốc điều hành MyDigital ID cho biết, quá trình đăng ký trực tuyến có thể được thực hiện thông qua nhận dạng khuôn mặt với việc đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Cục Đăng ký Quốc gia (NRD) để xác minh.
Theo MIMOS - cơ quan chiến lược trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Malaysia, MyDigital ID là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế - xã hội toàn diện, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ của chính phủ, dịch vụ tài chính, phúc lợi an sinh xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhiều dịch vụ quan trọng khác. Được Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim công bố lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái, MyDigital ID hướng đến mục tiêu hoạt động như một hình thức quản lý nhận dạng kỹ thuật số đáng tin cậy, cung cấp giao thức xác thực chuẩn hóa và an toàn cho các giao dịch trực tuyến. Chính phủ có thể sử dụng ID kỹ thuật số để phân phối viện trợ hiệu quả hơn trong các thảm họa thiên nhiên và các cuộc khủng hoảng khác, hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama đưa tin.
Ngoài ra, hệ thống cho phép người dùng xác thực danh tính của họ trực tuyến và có các điều khoản cho phép các ứng dụng của bên thứ ba sử dụng nguồn tài nguyên thông tin. Đơn cử, theo các nguồn tin của Chính phủ Malaysia, một số tổ chức tài chính và dịch vụ ví điện tử quan tâm đến việc sử dụng MyDigital ID để xác thực khách hàng của họ.
Malaysia phát triển hệ thống ID kỹ thuật số này hoàn toàn bằng chuyên môn và nguồn lực tại địa phương, tránh phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài. Về tính năng bảo mật, ông Azman Hussin - đại diện Văn phòng Bộ trưởng Nội vụ đã lên truyền hình để đảm bảo với công chúng rằng ngay cả máy tính tiên tiến nhất cũng không thể phá vỡ được mật mã của MyDigital ID, tờ The Sun Malaysia đưa tin. “Điều đáng tự hào hơn là công nghệ chúng tôi sử dụng rất an toàn. Trong tương lai dự kiến sẽ ra đời máy tính lượng tử có thể phá vỡ mọi mật mã hiện có, nhưng với thuật toán của chúng tôi dành cho ID kỹ thuật số này, máy tính lượng tử sẽ không thể phá vỡ được”, ông Azman khẳng định.
INA Pass của Indonesia
INA Digital, cơ quan phụ trách phát triển công nghệ mới của Chính phủ Indonesia đang xây dựng hệ thống INA Pass (viết tắt của Indonesia Personal Access, nghĩa là Cổng truy cập cá nhân Indonasia) dưới dạng phương thức đăng nhập một lần để công chúng truy cập vào nhiều dịch vụ chính phủ khác nhau trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia sẽ ra mắt vào tháng 9-2024. Như vậy, INA Pass sẽ tích hợp định danh kỹ thuật số của mọi công dân để giúp họ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của chính phủ hơn.
Đến nay, người dân Indonesia vẫn nộp đăng ký dịch vụ của chính phủ thông qua các đơn riêng biệt. Ví dụ, để làm thẻ căn cước và giấy khai sinh, người dân phải điền vào đơn xin Nhận dạng dân số kỹ thuật số (IKD); để xin hộ chiếu, người dân phải điền vào đơn xin hộ chiếu riêng; để xin giấy phép lái xe, người dân phải điền vào đơn xin Dịch vụ cảnh sát v.v. Điều này không hiệu quả và bất tiện vì mọi người phải nhập dữ liệu, thông tin cá nhân và mật khẩu nhiều lần để truy cập các dịch vụ. Với INA Pass, người dùng chỉ cần một lần đăng nhập để truy cập tất cả các dịch vụ.
INA Pass là sản phẩm được INA Digital hợp tác với Tổng cục Dân số và Đăng ký Hộ tịch (Dukcapil) của Bộ Nội vụ với tư cách là đơn vị quản lý dữ liệu dân số. Trong tương lai, INA Pass sẽ được tích hợp với các dịch vụ công quan trọng khác như giao thông, giao dịch tài chính, hỗ trợ tiền mặt, học bổng v.v., tương tự như các nước láng giềng Đông Nam Á khác.
Singpass của Singapore
Ngay từ năm 2003, Singapore đã triển khai việc sử dụng định danh kỹ thuật số cấp quốc gia hay còn được gọi là Singpass được cấp cho các công dân Singapore từ 15 tuổi trở lên. Nhờ vậy, người dân đảo quốc sư tử có thể truy cập một cách thuận tiện, nhanh chóng và an toàn vào hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật số.
Chỉ cần mở ứng dụng Singpass trên điện thoại thông minh, người dân đã có thể tiếp cận với rất nhiều dịch vụ, từ ngân hàng, bảo hiểm cho đến chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công khác.
Không cần phải ghi nhớ mật khẩu phức tạp, chỉ cần sử dụng khuôn mặt định danh để truy cập các dịch vụ cần thiết, ứng dụng Singpass giúp hàng triệu người dân Singapore truy cập một cách thuận tiện và an toàn tới hơn 2.000 dịch vụ số của hơn 700 cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trong tầm tay.
Ban đầu, Singpass được sử dụng nhằm giải quyết vấn đề chính là việc mỗi cơ quan chính phủ cần phải có bộ công cụ xác thực thông tin cá nhân của riêng cơ quan đó để xác minh danh tính người dùng. Hiện tại, Singpass đã phát triển thành một cổng điện tử và mỗi năm xử lý khoảng 300 triệu giao dịch giúp nó trở thành một trong những hệ thống định danh kỹ thuật số quốc gia được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Được Cơ quan Công nghệ Chính phủ quản lý, Singpass là 1 trong 8 dự án quốc gia chiến lược giúp định hướng tầm nhìn Quốc gia thông minh của Singapore và là nền tảng của nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore.
Theo Theo GovInsider/Biometricupdate
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nen-tang-cong-dan-so-o-mot-so-quoc-gia-dong-nam-a-post585752.antd