Nền tảng để phát triển bền vững

Huyện Yên Sơn có 44.864 hộ, 182.368 khẩu, trong đó, phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi có hơn 47.372 người. Ông Hà Huyết Đường, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện cho biết, đơn vị luôn đẩy mạnh triển khai các mô hình, dự án nâng cao nhận thức cho người dân về chất lượng dân số; tăng cường chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao. Hàng năm, Trung tâm tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề dân số thu hút hàng nghìn lượt người nghe; tư vấn cho 5.829 người sử dụng gói dịch vụ KHHGĐ gồm: Đặt vòng tránh thai, sử dụng bao cao su, thuốc tiêm...

Với đối tượng vị thành niên chuẩn bị kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trung tâm đã triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn kiến thức sức khỏe sinh sản; thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết theo mô hình “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, trong đó tập trung chủ yếu tại 2 xã Hùng Lợi và Kiến Thiết. Nhờ vậy, tình trạng này đã giảm rõ rệt, đến nay, huyện có khoảng 30 cặp tảo hôn/800 cặp kết hôn, giảm 8 cặp so với năm 2018, không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.

Cán bộ chuyên trách dân số các xã trên địa bàn huyện Yên Sơn tham gia tập huấn cung cấp, giới thiệu các sản phẩm thuộc Đề án Xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

Cán bộ chuyên trách dân số các xã trên địa bàn huyện Yên Sơn tham gia tập huấn cung cấp, giới thiệu các sản phẩm thuộc Đề án Xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

Xuân Vân là xã thực hiện hiệu quả mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Cấp ủy, chính quyền xã đã phát huy vai trò của trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng; phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, những hệ lụy từ hôn nhân cận huyết thống. Ông Tô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã nói, xã đã thành lập Câu lạc bộ tiền hôn nhân với 50 thành viên sinh hoạt mỗi quý 1 lần. Các thành viên được cung cấp kiến thức, khám sức khỏe và tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân. Hàng năm, xã thực hiện khoảng 85 buổi truyền thanh trên loa, 120 lượt truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, tư vấn cho hàng nghìn lượt người ngay tại trạm y tế về công tác dân số. Đề án xã hội hóa các biện pháp tránh thai được triển khai tới từng hộ gia đình. Nhờ đó, 3 năm trở lại đây, xã đã có những chuyển biến tích cực trong công tác dân số - KHHGĐ. Hiện số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai là 1.451 cặp, xã không có trường hợp nào tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, hoạt động “Tầm soát dị tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” đã được tập trung triển khai. Từ đầu năm đến nay, Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh triển khai trên toàn huyện đã thực hiện 145 ca sàng lọc (bằng siêu âm). Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cũng mang lại hiệu quả, đến nay, trên địa bàn huyện có 2.431 trẻ được sinh ra; trong đó, 1.290 trẻ là nam, 1.141 trẻ là nữ. Chị Lương Thị Tuyến, cán bộ chuyên trách dân số, Trạm Y tế xã Hùng Lợi chia sẻ, chị thường xuyên tuyên truyền tới người dân về kiến thức sàng lọc sơ sinh và sau sinh, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chị cũng vận động phụ nữ mang thai tới Trạm kiểm tra sức khỏe định kỳ, tiêm phòng đầy đủ. Do đó, 100% phụ nữ mang thai trên địa bàn được tư vấn, chăm sóc, theo dõi sức khỏe ngay từ khi mang thai.

Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tích cực triển khai các biện pháp quan tâm đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển theo Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nen-tang-de-phat-trien-ben-vung-126011.html