Nền tảng để thoát nghèo bền vững
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, niềm vui đoàn tụ và sự sum vầy bên mái ấm luôn là khát vọng của mọi gia đình. Thế nhưng, giữa những bản làng vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhiều gia đình vẫn sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát, mong mỏi một cuộc sống an yên dưới mái nhà kiên cố. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (NT, NDN) ra đời với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn là món quà tinh thần, mang đến hơi ấm của sự quan tâm, sẻ chia.
Chương trình xóa NT, NDN là minh chứng cho tinh thần “lá lành đùm lá rách” và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mục tiêu của chương trình không chỉ đơn thuần là xây dựng những căn nhà mới mà còn giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất và xây dựng tương lai. Đối với các gia đình miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện sinh hoạt khó khăn, việc có được căn nhà mới vào dịp năm mới càng trở thành niềm vui và nguồn động lực lớn lao. Thực tế, một mái ấm kiên cố không chỉ đảm bảo an toàn cho người nghèo trước thiên tai, thời tiết khắc nghiệt mà còn là nền tảng để họ thoát nghèo bền vững.
Năm 2024 đã chứng kiến sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự chung tay của cộng đồng. Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và triển khai các kế hoạch hành động cụ thể. Có 84.888 căn nhà kiên cố đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình xây dựng. Đây là thành quả của sự kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và nguồn quỹ “Vì người nghèo” với số tiền hơn 72,4 tỷ đồng. Các địa phương cũng vận động được hơn 2,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Những bản làng như ở Lai Châu, Hà Giang hay Quảng Trị - nơi từng quen thuộc với hình ảnh những căn nhà tạm bợ xiêu vẹo trong nắng gió, nay dần thay đổi diện mạo. Nhiều hộ gia đình nghèo đã được đón Tết trong căn nhà mới, khang trang và vững chãi. Một số địa phương còn đặt mục tiêu hoàn thành chương trình sớm hơn kế hoạch đề ra, cho thấy tinh thần quyết liệt và sự chủ động của các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, hành trình xóa NT, NDN vẫn đầy gian nan khi cả nước còn khoảng 230.000 căn nhà tạm bợ cần được thay thế. Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2025, cần xây dựng khoảng 700 căn nhà mỗi ngày, tương đương trung bình 12 căn mỗi địa phương. Đây là con số không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều địa phương miền núi gặp khó khăn về giao thông, vận chuyển vật liệu xây dựng và thiếu nguồn nhân lực. Một số Bộ, ngành và địa phương vẫn chưa thể hiện sự quyết liệt cần thiết trong việc triển khai chương trình. Việc ban hành văn bản hướng dẫn và thống kê số liệu còn chậm trễ. Bên cạnh đó, không ít nơi vẫn tồn tại tình trạng thờ ơ, thiếu trách nhiệm, khiến tiến độ triển khai bị ảnh hưởng.
Chương trình xóa NT, NDN không chỉ đơn thuần là một mục tiêu vật chất mà còn là biểu tượng của niềm tin và hy vọng. Mỗi ngôi nhà mới hoàn thành là một minh chứng cho sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự sẻ chia của cộng đồng. Ở những vùng biên giới xa xôi, nơi những người lính biên phòng ngày đêm canh giữ sự bình yên của Tổ quốc, những mái nhà kiên cố còn là biểu tượng của sự vững chãi và lòng tin yêu dành cho đồng bào nơi địa đầu đất nước. Dẫu chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao độ và sự vào cuộc đồng bộ, mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn NT, NDN vào năm 2025 sẽ trở thành hiện thực. Bằng cả trái tim và khối óc, hành trình mang lại mùa Xuân ấm áp cho mọi gia đình Việt Nam sẽ được hoàn thành, khẳng định thêm một lần nữa giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nen-tang-de-thoat-ngheo-ben-vung-post486232.html