Nền tảng mua chung khí đốt không như EU kỳ vọng
Cơ quan điều hành EU lập luận rằng nền tảng này đã giúp khai thác sức mạnh thị trường chung của châu Âu để đạt được mức giá cạnh tranh hơn.
Nền tảng mua chung khí đốt AggregateEU, được khởi động cách đây 2 năm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng theo sau xung đột Nga-Ukraine lên đến đỉnh điểm ở châu Âu, thực tế chỉ xử lý được một phần nhỏ nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU).
AggregateEU lấy cảm hứng từ sự phối hợp thành công của khối 27 quốc gia trong việc mua vắc-xin phòng Covid-19 bằng cách tận dụng quy mô của khối để có được mức giá thấp hơn.
Tổng cộng, nền tảng này đã kết nối người mua và người bán khí đốt với nhu cầu là 43 tỷ m3, nhưng 3 nguồn thạo tin nói với tờ Financial Times của Anh hôm 30/9 rằng, dữ liệu chỉ ra cuối cùng chỉ có khoảng 1 tỷ m3 khí đốt được ký hợp đồng và báo cáo với Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU.
Mặc dù các công ty tham gia nền tảng AggregateEU không có nghĩa vụ phải báo cáo dữ liệu nhạy cảm về mặt thương mại để có thể ký kết nhiều hợp đồng hơn. Nhưng dữ liệu bí mật tiết lộ những con số thấp "thảm hại" như vậy đã làm dấy lên cuộc tranh luận về tính hữu ích của công cụ mua sắm chung trong bối cảnh Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tính nhân rộng mô hình sang nhiều mặt hàng khác vào cuối năm nay.
"Chúng ta phải tận dụng sức mạnh và quy mô của thị trường để đảm bảo nguồn cung. Đây là lý do tại sao tôi sẽ đề xuất kích hoạt và mở rộng cơ chế tổng cầu của chúng ta để vượt ra ngoài khí đốt và bao gồm cả hydrogen và các nguyên liệu thô quan trọng", bà Von der Leyen cho biết trong Hướng dẫn Chính trị của mình cho nhiệm kỳ 5 năm tới được công bố hồi tháng 7.
Tuy nhiên, các công ty năng lượng tham gia cho biết, nền tảng này hoạt động như một công cụ trung gian hơn là tập hợp nhu cầu để đạt được mức giá thấp hơn.
Tập đoàn dầu khí Na Uy Equinor cho biết, cơ chế này "không phải là cách tiếp cận thị trường" cho công ty và rằng "trong thị trường khí đốt đang hoạt động tốt của châu Âu… thật khó để thấy điều này thay đổi".
Một công ty năng lượng khác, yêu cầu giấu tên, nói với Financial Times rằng nền tảng này "không mang lại thêm khối lượng cho thị trường… vì vậy, nó không đạt được mục tiêu đề ra".
Công ty này cho biết thêm rằng, "trong cuộc khủng hoảng, thị trường hoạt động khá tốt, với tín hiệu giá cho phép khí đốt di chuyển đến nơi cần thiết, vì vậy không cần có thêm nền tảng AggregateEU".
Cả hai công ty đều cho biết sự tham gia của họ không dẫn đến bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.
Ông Andreas Guth, Tổng thư ký của tổ chức công nghiệp Eurogas, cho biết khái niệm ban đầu về "gộp nhu cầu thành một tập đoàn lớn hơn rồi cùng nhau mua khí đốt" đã đặt ra 2 vấn đề: Dự báo về nhu cầu khí đốt dài hạn ở châu Âu vẫn chưa chắc chắn do khối này đang nỗ lực hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và Luật cạnh tranh của EU.
"Chúng tôi không thể thực sự tham gia vào các tập đoàn trừ khi chúng tôi được miễn trừ khỏi các quy tắc cạnh tranh của EU", ông Guth cho biết. "Ưu điểm duy nhất của AggregateEU là nó cung cấp quyền truy cập cho nhu cầu nhỏ mà nếu không thì khó có thể tiếp cận thị trường", ông nói thêm.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết ban đầu các chính phủ gặp vấn đề trong việc thuyết phục các công ty đăng ký tham gia dự án mua sắm chung để đáp ứng hạn ngạch do EC đặt ra.
Trong đánh giá về công cụ được công bố hồi tháng 6, Tòa án Kiểm toán châu Âu cho biết họ "không thể xác định giá trị gia tăng của nền tảng này liên quan đến các nền tảng giao dịch khí đốt, chúng tôi cũng không xác định được một thất bại thị trường mà AggregateEU có thể giúp giải quyết".
EC lập luận rằng các công cụ mà họ đã giới thiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt – bao gồm cả nền tảng này và mức giá trần khí đốt, mục tiêu lưu trữ bắt buộc và luật pháp thúc đẩy việc chia sẻ khí đốt giữa các quốc gia thành viên – "hoạt động cùng nhau, chứ không phải riêng lẻ".
Một phát ngôn viên của EC cho biết, AggregateEU "đã tăng cường tính minh bạch của thị trường và tổng hợp nhu cầu từ những người mua châu Âu để phối hợp tốt hơn việc mua khí đốt, đồng thời khai thác sức mạnh thị trường chung của châu Âu để đạt được mức giá cạnh tranh hơn".
Ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cũng ủng hộ công cụ này, nói rằng nó sẽ "giúp người châu Âu sử dụng sức mạnh của mình một cách phù hợp trên thị trường năng lượng toàn cầu".
Minh Đức (Theo FT)