Nền tảng tạo đồng thuận xã hội

Khi quy định mới về quản lý bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội được HĐND thành phố thông qua, anh Nguyễn Văn Chính, cư dân khu nhà ở xã hội CT19A (phường Việt Hưng, quận Long Biên) tỏ rõ sự đồng thuận. Anh Chính chia sẻ: 'Trước khi tiến hành phản biện quy định này, các hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố đã về tòa nhà chúng tôi ở để khảo sát, lắng nghe ý kiến người dân.

Vì thế, tại hội nghị phản biện, thành viên các hội đồng tư vấn đã phản ánh đúng thực tế và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Quy định mới được ban hành đã khắc phục được nhiều bất cập của các quy định liên quan trước đó”. Đây cũng là một trong những cách làm hiệu quả để MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian qua.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội thăm hỏi, động viên hộ nghèo tại xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: THỦY TIÊN

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội thăm hỏi, động viên hộ nghèo tại xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: THỦY TIÊN

Tương tự như trên, để chuẩn bị cho hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn, Hội đồng tư vấn văn hóa-xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức đi thực tế tại các xã, phường, thị trấn, lắng nghe tâm tư, ý kiến của người dân, từ đó kiến nghị với các cơ quan chức năng để việc sáp nhập đáp ứng được yêu cầu đề ra và nguyện vọng của đa số người dân. Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố duy trì 5 hội đồng tư vấn với các thành viên là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ, kinh nghiệm. Các hội đồng tư vấn chủ động tiếp thu, phản ánh kịp thời nguyện vọng của nhân dân và tham gia giám sát, phản biện vào nhiều chủ trương quan trọng của Trung ương, thành phố.

Bà Lê Thị Hạnh, thị trấn Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Thông qua hoạt động giám sát, phản biện, nhiều ý kiến, kiến nghị của MTTQ các cấp đã được các cơ quan, đơn vị tiếp thu. Điển hình là nhờ giám sát tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở các xã, thị trấn nên chính quyền cơ sở đều công khai các danh mục thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”; công tác tiếp dân tại trụ sở được thực hiện nghiêm túc; đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết nhanh, không để tồn đọng kéo dài hoặc vượt cấp”.

Trước yêu cầu đổi mới, MTTQ các cấp của TP Hà Nội đã chú trọng lựa chọn lĩnh vực, đổi mới quy trình, phương thức giám sát, phản biện xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ thành phố đến cơ sở đã chủ trì tổ chức hơn 6.300 đoàn giám sát, tổ chức gần 2.600 hội nghị phản biện xã hội các tờ trình, dự thảo nghị quyết của HĐND, quyết định, quy định của UBND các cấp trình tại kỳ họp. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát hơn 39.200 cuộc, hơn 21.200 công trình và dự án. Qua giám sát, đã kiến nghị thu hồi gần 252.000m2 đất và hơn 15 tỷ đồng. MTTQ các cấp còn phối hợp hòa giải thành công gần 23.000 (đạt hơn 81%) vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trên địa bàn dân cư...

Từ hiệu quả đạt được, trong thời gian tới, để tiếp tục tạo niềm tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân, MTTQ Việt Nam thành phố xác định “Tăng cường công tác giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2019-2024.

PHƯƠNG VY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nen-tang-tao-dong-thuan-xa-hoi-644114