Nền tảng tin cậy, chân thành, tạo đột phá hướng tới tương lai
New Zealand là quốc đảo nằm ở tận cùng của tây nam Thái Bình Dương, còn được gọi là “Aotearoa”, trong tiếng bản địa Maori có nghĩa là “miền đất của dải mây trắng dài”.
Việt Nam cách rất xa New Zealand, nhưng hai nước có mối quan hệ chặt chẽ gần nửa thế kỷ qua; đặc biệt những năm gần đây, quan hệ hai nước đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Năm 2025, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo sự đột phá, góp phần đưa quan hệ hai nước sang chương mới phát triển thịnh vượng và bền vững.
NEW ZEALAND - Xứ sở Kiwi, là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực và là một trong số ít Đối tác chiến lược của Việt Nam trên toàn cầu. Tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường; lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
New Zealand cũng có thế mạnh về khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó biến đổi khí hậu..., là những lĩnh vực mà Việt Nam rất cần hợp tác hiện nay. Tới thủ đô Wellington thanh bình những ngày này, chúng tôi cảm nhận được tiết trời đang vào thu, hơi se lạnh buổi tối và trời gió mạnh đúng như biệt hiệu “Wellington lộng gió” vì nằm ở eo biển Cook giữa hai đảo lớn của New Zealand.
Đoàn chúng tôi đặc biệt ấn tượng với lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính được tiến hành tại Tòa nhà Quốc hội New Zealand theo nghi thức truyền thống.
Đoàn chúng tôi đặc biệt ấn tượng với lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính được tiến hành tại Tòa nhà Quốc hội New Zealand theo nghi thức truyền thống: chiến binh thổ dân Maori múa điệu haka chào đón khách. Sau lễ đón truyền thống là lễ đón chính thức với 19 loạt đại bác chào mừng, Quốc thiều Việt Nam được Đội quân nhạc cử hành hai lần. Điều đó cho thấy phía bạn New Zealand đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo và chân tình, thực hiện nghi thức cao nhất cho người đứng đầu Chính phủ.
Tại buổi họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Christopher Luxon, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát sự nhất trí của hai nhà lãnh đạo Chính phủ bằng ba cặp từ khóa là “ổn định và củng cố”, “tăng cường và mở rộng”, và “tăng tốc và bứt phá”.
Thứ nhất, ổn định và củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương.
Thứ hai, tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng gồm: tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư; mở rộng hợp tác quốc phòng-an ninh; tăng cường hợp tác nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu, hợp tác, ứng phó biến đổi khí hậu; mở rộng hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, thúc đẩy giao lưu nhân dân dưới các hình thức phù hợp.
Thứ ba, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ba lĩnh vực cần tăng tốc và bứt phá, gồm: tăng tốc trong hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển nông nghiệp, các ngành công nghệ mới nổi; bứt phá trong hợp tác kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển; tăng tốc trong hợp tác lao động, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand.
Về phần mình, với tình cảm ấm áp, chân thành, Thủ tướng Christopher Luxon khẳng định mạnh mẽ Việt Nam và các quốc gia châu Á là các đối tác cực kỳ quan trọng đối với New Zealand. Việt Nam là một trong những quốc gia tạo đà phát triển rất mạnh mẽ. Khi hợp tác với Việt Nam, New Zealand sẽ tăng được cơ hội giao lưu kinh tế, thương mại…
Trong các cuộc làm việc với các lãnh đạo New Zealand, Thủ tướng thường nhắc tới việc hai nước có điểm tương đồng bản sắc văn hóa. Người Maori có câu ngạn ngữ: “Để nuôi dạy một đứa trẻ thành người cần đến công sức của cả buôn làng. Để một người thành công, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng”.
Còn ở Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Phải chăng vì lẽ đó, hai đất nước hiện nay tuy xa mà gần, khoảng cách địa lý không làm nản lòng quyết tâm hợp tác. Đất nước và con người New Zealand an bình, hiền hòa và thân thiện.
Tại New Zealand hiện nay có gần 15.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm ăn, trong đó có khoảng 6.000 học sinh, sinh viên và lưu học sinh ngắn hạn và dài hạn. Cộng đồng người Việt tại New Zealand ngày càng có sự hiện diện trong đời sống kinh tế-xã hội sở tại; một lòng hướng về Tổ quốc, có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước.
Tại tất cả các thành phố lớn của New Zealand đều đã thành lập Hội người Việt, Hội sinh viên, trong đó có bốn hội đã đăng ký hoạt động theo luật pháp New Zealand. Tại cuộc gặp gỡ, nói chuyện với bà con cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand ở thủ đô Wellington, Thủ tướng cũng khuyến khích nhiều bà con đóng góp ý kiến cho Chính phủ, nhất là về công tác bảo hộ công dân. Thủ tướng cho biết đã đề nghị lãnh đạo New Zealand công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số.
Tại buổi tiếp Nhóm khoa học công nghệ người Việt tại New Zealand (VietTech NZ), Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam đang làm việc tại New Zealand, cho rằng những ý kiến này đã giúp các lãnh đạo có thêm tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề mới. Thủ tướng đã chăm chú ghi chép nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực, sôi nổi khiến thời gian cuộc gặp bị kéo dài nhiều so dự kiến.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, “đã cất công bay hàng chục nghìn cây số sang đây thì phải tranh thủ tìm hiểu, lắng nghe ý kiến từ thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học thì mới đóng góp hữu ích cho việc hoạch định chính sách, cũng như đề ra định hướng cho quan hệ song phương”.
Theo các chuyên gia, phần lớn công ty của New Zealand là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng hết sức năng động, luôn có ý chí tiến ra thị trường quốc tế làm ăn chứ không bó hẹp ở thị trường trong nước. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi.
Nông nghiệp cũng là lĩnh vực thế mạnh của New Zealand, vì vậy, Thủ tướng đã dành thời gian đi thăm Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR) ở thành phố Auckland.
Trung tâm đã hợp tác với Việt Nam từ những năm 1980; hiện nay đang hỗ trợ Việt Nam thông qua nhiều dự án hợp tác nghiên cứu, trong đó điển hình là phát triển cây chanh leo, bơ và thanh long, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng xuất khẩu.
Thủ tướng thực sự ấn tượng bởi đường đến PFR có cảnh quan rất đẹp; cán bộ, nhân viên trung tâm đón tiếp đoàn hết sức trọng thị, nhiệt tình bằng việc đàn và hát một bài dân ca của người Maori rất hay. Điều làm Thủ tướng và đoàn đặc biệt ấn tượng khi được trung tâm mời thưởng thức quả kiwiberry, loại quả giống hệt kiwi, tuy nhỏ như quả nhót nhưng hương vị rất thơm, có loại ruột hồng, lớp ngoài xanh. Trung tâm cũng giới thiệu một máy phát hiện bệnh trên cây trồng rất nhỏ gọn, dự kiến sẽ mang sang Việt Nam thời gian tới.
Trao đổi với lãnh đạo trung tâm, Thủ tướng khẳng định, lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp, thực phẩm là trụ cột trong hợp tác kinh tế hai nước; dư địa hợp tác còn rất lớn. New Zealand đất rộng người thưa, Việt Nam đất hẹp người đông, do đó hai nước có thể bổ sung cho nhau; mong muốn hai bên nỗ lực hợp tác, phát triển mạnh hơn, cùng nghiên cứu để tăng tốc các sản phẩm có tiềm năng đột phá trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.
Chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rực rỡ, góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, để lại tình cảm hết sức tốt đẹp đối với Chính phủ và nhân dân New Zealand, như lời đáp từ của một lãnh đạo New Zealand cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi kết thúc phát biểu chính sách quan trọng ở Đại học Victoria trước khi lên đường về nước: “Chúng tôi thực sự xúc động vì Ngài Thủ tướng đã cho thấy một năng lượng dồi dào, làm cho New Zealand càng hiểu Việt Nam hơn, chúng ta càng thêm gắn bó hiểu biết nhau hơn, thực sự đi từ trái tim đến trái tim”.