Nền tảng vững chắc để chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng và cải tạo mạng lưới giao thông. Đây là nền tảng vững chắc để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý

Từ một địa phương có hạ tầng kinh tế hạn chế với một số tỉnh, thành phố khác, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài nguyên than và đất…, đến nay, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương kiểu mẫu trên cả nước, có tốc độ đô thị hóa cao với tỷ lệ 67% (đứng sau các thành phố trực thuộc trung ương); tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2016-2020) đạt 10,7%, cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn. Ngày 2/9/2022, tỉnh Quảng Ninh chính thức đưa tuyến cao tốc thứ 3, Vân Đồn - Móng Cái vào khai thác, sử dụng. Đây là "mảnh ghép" cuối cùng hoàn chỉnh chuỗi cao tốc của khu vực phía Bắc từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái.

Việc hình thành, đưa vào khai thác các tuyến đường cao tốc đã góp phần tích cực trong thu hút nhà đầu tư vào các dự án liên quan đến khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ cảng biển, logistics,… tạo động lực để phát triển ngành dịch vụ. Cùng với đó, các ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai hoạt động thu hút đầu tư, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Cơ sở hạ tầng Quảng Ninh ngày càng hiện đại

Cơ sở hạ tầng Quảng Ninh ngày càng hiện đại

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang gấp rút xây dựng Cảng tổng hợp Vạn Ninh thuộc cụm Cảng quốc tế Vạn Gia mở rộng để đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cùng với đó đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống kho bãi, công nghệ bãi, công nghệ xếp dỡ hàng hóa hiện đại.

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ tỉnh công nghiệp - dịch vụ sang dịch vụ - công nghiệp, tức là dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất.

Trong chuyến thăm Quảng Ninh đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những nỗ lực của Quảng Ninh và đánh giá cao công tác thực hiện quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, quy hoạch “một tâm, hai tuyến, đa chiều” đã hình thành và chứng minh sự đúng đắn, góp phần kết nối hành lang kinh tế Đông- Tây, tạo kết nối vùng, phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước, cùng với Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng mới. Quảng Ninh cũng xác định ba đột phá chiến lược, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước và đã làm rất tốt việc này, mang lại hiệu quả tích cực.

Công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh mẽ

Cơ cấu công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo vào GRDP và thu ngân sách; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành than; phát triển các khu kinh tế (Quảng Yên, Móng Cái, Vân Đồn), khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực sự là động lực tăng trưởng; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển cụm ngành công nghiệp, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Duy trì ổn định hoạt động sản xuất điện, xi măng, vật liệu xây dựng. Mở rông tối đa lĩnh vực xây dựng nhà ở khu vực dân doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Tính riêng trong tháng 8/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh Quảng Ninh đã tăng 14,83% cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,38%, ngành khai khoáng tăng 13,32%, sản xuất và phân phối điện tăng 6,71%. Lũy kế 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,71%; ngành khai khoáng tăng 8,75%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 35,8% cùng kỳ 2021; lũy kế 8 tháng tăng 22%. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 12,1 triệu tấn, lũy kế 8 tháng đạt 84,3 triệu tấn.

Kim ngạnh xuất khẩu của doanh nghiệp trong tháng 8 cũng đạt 217 triệu USD, lũy kế 8 tháng đạt 1.742 triệu USD, tăng 8,47% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu đạt 255 triệu USD; lũy kế 8 tháng đạt 1.965 triệu USD.

Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến của nhiều du khách trong mùa cao điểm du lịch năm 2022. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 1,2 triệu lượt trong tháng 8, lũy kế 8 tháng đạt 8,2 triệu lượt, tăng 218% cùng kỳ năm trước.Tổng doanh thu du lịch lũy kế 8 tháng đạt 17.599 tỷ đồng.

Có thể khẳng định việc khơi thông huyết mạch giao thông, tạo liên kết vùng không chỉ giúp Quảng Ninh khai thác triệt để lợi thế về địa kinh tế, mà còn góp phần phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh khác của hơn 500 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tạo cơ hội để phát triển dịch vụ du lịch, nhất là công nghiệp giải trí.

Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao.

Tiến Dũng - Thùy Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nen-tang-vung-chac-de-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-225911.html