Nền tảng xây chính quyền điện tử

Hiện nay, Công an thành phố Hà Nội cùng các địa phương trên địa bàn Thủ đô đang khẩn trương thu thập thông tin của người dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này không chỉ góp phần cập nhật lại tình hình nhân khẩu mà còn tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, lực lượng công an cơ sở cùng cán bộ thôn, tổ dân phố đã tích cực bám địa bàn để thu thập dữ liệu một cách chính xác, đầy đủ nhất. Tuy nhiên, để công việc hoàn thành đúng thời hạn - trong năm 2020 - theo chỉ đạo của Trung ương thì cần đẩy mạnh thực hiện một số công việc trong giai đoạn “nước rút” hiện nay.

Trước hết, để người dân hiểu rõ lợi ích của việc thu thập cơ sở dữ liệu dân cư, Công an thành phố và chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, cập nhật và khai thác các thông tin về dân cư. Qua đó, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân trong quá trình thu thập dữ liệu. Đối với những địa phương đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu cần sớm cấp mã số định danh cá nhân cho công dân.

Tiếp đến, chính quyền các xã, phường, thị trấn cùng cán bộ thôn, tổ dân phố cần tích cực phối hợp với lực lượng công an cơ sở khẩn trương rà soát, đối chiếu và nắm bắt đầy đủ di, biến động của tình hình dân cư trên địa bàn để lập hồ sơ đầy đủ, tránh sai sót, bỏ lọt thông tin. Đặc biệt, việc thu thập, cập nhật, chia sẻ và khai thác thông tin dân cư phải bảo đảm “bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của công dân” theo quy định tại Điều 5, Luật Căn cước công dân và Điều 11, Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Ngoài ra, chính quyền cơ sở cũng phải coi thông tin dữ liệu dân cư là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn cũng như hằng năm của địa phương; kịp thời đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở với cấp trên để có giải pháp tháo gỡ.

Đối với người dân, việc cần làm là khai báo thông tin trung thực, đúng các biểu mẫu và phối hợp với cảnh sát khu vực, công an viên, cán bộ thôn, tổ dân phố khi có yêu cầu chỉnh sửa, cập nhật dữ liệu.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dân cư - cụ thể là việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, tạo điều kiện cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, thuận tiện. Đồng thời, dữ liệu này còn được đánh giá là “tài nguyên quốc gia đắt giá” nên việc thu thập dữ liệu đòi hỏi sự cẩn trọng, trách nhiệm của từng khâu, từng cơ quan, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ, nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh ở Thủ đô Hà Nội.

Đỗ Quỳnh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/972011/nen-tang-xay-chinh-quyen-dien-tu