Nên thành lập 'tổ công tác đặc biệt' để tháo gỡ vướng mắc cổ phần hóa? (Bài 4)
Các doanh nghiệp kiến nghị, nên thành lập 'tổ công tác đặc biệt' có chức năng, quyền hạn có thể trực tiếp xuống các Bộ, Ban Ngành, địa phương và doanh nghiệp để xử lý, tháo gỡ từng vướng mắc trong quá trình CPH.
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương tạo cho doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu hỗn hợp; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; tăng tính công khai, minh bạch và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, góp phần thức đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Theo số liệu công bố mới đây của Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết từ đầu năm đến nay chỉ có 7 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Vậy còn tới 91 doanh nghiệp nằm trong danh sách cổ phần hóa trong năm 2020.
Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2020 là chậm, do đó việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 3 tháng còn lại của năm 2020 là khó khả thi. Trước tình hình trên, hãy cùng lắng nghe các doanh nghiệp nói gì về sự chậm trễ này?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo - Truyền thông Tổng công ty HUD nhận định vai trò của cổ phần hóa trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Quan điểm của Tổng công ty HUD là hoàn toàn ủng hộ và nghiêm túc triển khai công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tại Tổng công ty, trong đó có việc cổ phần hóa Tổng công ty.
Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại những vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa không chỉ tại Tổng công ty HUD mà đối với mọi doanh nghiệp nhà nước khác khi thực hiện cổ phần hóa, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng nhiều cơ sở nhà, đất cũng như có ngành nghề chính về đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đối với Tổng công ty HUD, các vướng mắc, khó khăn hiện nay chủ yếu là liên quan đến quá trình lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và phương án sử dụng đất theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.
Nhận định về những thất thoát có thể có khi chậm CPH, ông Thắng cũng cho rằng, để đánh giá quá trình CPH chậm dẫn đến thất thoát cho Nhà nước hay không là điều rất khó xác định. Nghị quyết số 12-NQ/TW đã nêu “Thực hiện lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đảm vốn và tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được xác định đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch; tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước theo cơ chế thị trường. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn Nhà nước”. Như vậy, việc đảm bảo thực hiện tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải gắn với việc xác định đúng, đủ vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp, không vì tiến độ cổ phần hóa mà gây thất thoát cho nhà nước.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay các quy định, chính sách của Nhà nước trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng hoàn thiện theo hướng vừa đảm bảo về tiến độ cổ phần hóa, vừa đảm bảo không bị thất thoát cho Nhà nước.
“Trong quá trình Tổng công ty HUD triển khai công tác cổ phần hóa, chúng tôi vẫn thường xuyên có các kiến nghị, đề xuất với cấp trên để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về cổ phần hóa cho phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc. Từ thực tiễn triển khai và những vướng mắc gặp phải, chúng tôi đã thực hiện việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp, đề xuất việc bổ sung, sửa đổi chủ yếu tập trung vào Nghị định số 167/CP và Nghị định 126/CP”.
“Đến nay, theo tôi được biết, Bộ Tài chính đang hoàn tất các bước để trình Chính phủ ban hành. Ngoài các đề xuất, góp ý như trên, cá nhân tôi đề xuất, nên chăng Chính phủ có thể thành lập một Tổ công tác đặc biệt, có chức năng, quyền hạn có thể trực tiếp xuống các Bộ, Ban Ngành, địa phương và doanh nghiệp để xử lý, tháo gỡ từng vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp Nhà nước”., ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Hải – Trưởng phòng Tài chính kế hoạch Tổng cty du lịch Hà Nội cũng biết, Tổng cty du lịch HN được thành lập từ 2004, trên cơ sở tập trung vào các ngành nghề khách sạn, du lịch, lữ hành. Đây là doanh nghiệp thuộc sở hữu của UBND TP Hà Nội nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tất cả lộ trình thực hiện cổ phần hóa đều thực hiện theo quyết định của UBND TP Hà Nội và Thủ tướng chính phủ. Hiện nay đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa, trên cơ sở những nhiệm vụ Tổng cty được phân công cũng phải thực hiện theo quyết định. Sau khi được duyệt các phương án về CPH, thì chủ sở hữu là UBND TP Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng, cũng là đang muốn sửa đổi cơ chế để làm sao thật sát thực tiễn, nhưng vẫn đảm bảo công tác cổ phần hóa của nhà nước.
Cũng theo ông Hải, trong quá trình thực hiện CPH còn nhiều vướng mắc mang tầm vĩ mô như việc xác định tài sản. Các doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định 32, khi thoái vốn thì tính gộp tất cả liên quan đến tài sản, vốn sở hữu, tiền đầu tư,… thế nhưng cổ phần hóa thì lại không quy định điều đó. Về phía UBND TP Hà Nội đang báo cáo Bộ Tài Chính, Chính phủ tính đầy đủ các giá trị tài sản vào công tác thoái vốn hiệu quả sát với giá thị trường.
Nói về tiến độ thực hiện của doanh nghiệp, đại diện Tổng cty du lịch Hà Nội cũng cho biết, đã nhận được phân công triển khai kiểm kê tài sản hầu như đã sẵn sàng và được UBND TP Hà Nội đánh giá công tác thực hiện tại doanh nghiệp vẫn đúng tiến độ.
Tuy nhiên, khi PV đề cập về việc cung cấp chi tiết hơn về các bước đã thực hiện được thì ông Hải từ chối vì cho rằng hiện nay vẫn chỉ ở trong quá trình dự thảo vẫn chưa khẳng định được chuẩn hay là chưa chuẩn. Việc quyết định cổ phần bao nhiêu % doanh nghiệp hoàn toàn do Thủ tướng quyết định, sau đó giao lại Hà Nội lên phương án CPH để báo cáo Thủ tướng.
Nói về vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện CPH, ông Hải khẳng định Tổng cty chỉ là người thực hiện, việc kêu gọi nhà đầu tư mua lại cổ phần doanh nghiệp là chức năng của chủ sở hữu UBND Tp Hà Nội.
Mới đây, Cục Tài chính doanh nghiệp thống kê, trong tháng 9-2020 đã hoàn thành chuyển giao phần vốn nhà nước tại 5 tổng công ty với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 8.185,6 tỉ đồng về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2020 đã thoái được 899 tỉ đồng, thu về 1.845 tỉ đồng. Lũy kế năm từ 2016 đến tháng 9-2020, tổng số thoái vốn đạt 25.669 tỉ đồng, thu về 172.917 tỉ đồng.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, có đến 91 doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa. Trong số đó rất nhiều doanh nghiệp còn rất ỳ ạch như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty lương thực miền Bắc...
Còn nữa...
Hải Đăng
Xem thêm: Cần xác định sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa (Bài 3)