Nên thơ hồ Bán Nguyệt

Đến phường Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên một chiều lộng gió, bước chân ta như tự khắc chậm lại trước mặt hồ mênh mang, nơi làn nước xanh vời vợi hòa cùng sắc trời cổ tích. Hồ Bán Nguyệt, nửa vầng trăng in bóng giữa lòng phố, mang theo bao lớp sóng thời gian, vừa dịu dàng như thơ, vừa sâu lắng như ký ức.

Hồ Bán Nguyệt xanh trong giữa lòng Phố Hiến.

Hồ Bán Nguyệt xanh trong giữa lòng Phố Hiến.

Hồ nằm an nhiên giữa lòng Phố Hiến xưa, nơi từng là thương cảng sầm uất bậc nhất Đàng Ngoài, nơi dấu chân người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Trung Hoa… từng in trên bến bãi. Hưng Yên địa chí xuất bản từ năm 1934 đã ghi lại: “Một phần lòng sông Phú Lương thành hồ Bán Nguyệt (nửa vầng trăng), tới nay hãy còn di tích.”

Tháp Ngọc trên hồ Bán Nguyệt.

Tháp Ngọc trên hồ Bán Nguyệt.

Nhìn mặt nước phẳng lặng, lòng người như dịu lại trong hơi thở cổ xưa. Gió từ triền đê về mang theo mùi hương đồng nội. Xưa kia, giữa lòng hồ từng có tòa “Bình Thi lầu” – nơi các văn nhân tao nhân Hưng Yên quy tụ bình thơ, họa vần. Đó là khoảng đầu thế kỷ XX, khi Tổng đốc Lê Hoan sáng lập Tao Đàn Hưng Yên, hồi sinh tinh thần văn học nơi đất học địa linh. Dù Bình Thi lầu nay chỉ còn trong sử sách, nhưng vẫn gợi nhắc ta về một thời Phố Hiến tài hoa và trầm mặc. Và nay, Dự án cải tạo công viên hồ Bán Nguyệt đã mang đến một biểu tượng mới: Tháp Ngọc Nguyệt hồ. Ngọn tháp ba tầng, bốn mặt, mang dáng dấp cổng tam quan Văn Miếu Xích Đằng, đỉnh tháp là đầu bút cổ như khẳng định truyền thống hiếu học và khoa bảng. Trong lòng tháp, "viên ngọc" sáng lấp lánh ban đêm, tượng trưng cho như ngọn lửa tri thức không bao giờ lụi tàn.

Triển lãm ảnh bên bờ hồ Bán Nguyệt.

Triển lãm ảnh bên bờ hồ Bán Nguyệt.

Chị Mai Hạnh, người dân phường Phố Hiến, xúc động chia sẻ: “Tôi rất thích đi dạo và ngắm hồ Bán Nguyệt. Không gian ấy khiến lòng tôi thanh tịnh, nhẹ nhàng. Từ khi sửa sang lại khuôn viên hồ, dựng Tháp Ngọc giữa đảo hồ, tôi thấy đẹp lắm, cảm giác như được trở về với không gian Phố Hiến xưa.” Phải chăng, mỗi người khi đứng trước hồ đều cảm nhận được điều gì đó vượt lên vẻ đẹp hình thức, đó là vẻ đẹp của sự lắng đọng, của ký ức văn chương, của lịch sử và văn hiến. Hồ Bán Nguyệt hôm nay, không chỉ là một điểm đến của du lịch, không chỉ là một góc công viên xanh mát giữa lòng thành phố trẻ, mà còn là không gian nghệ thuật, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, là cây cầu bắc nhịp hồn xưa cho người trẻ hôm nay bước tới.

Khi mặt trời dần xuống, ánh chiều tà nhuộm đỏ mặt hồ, Tháp Ngọc hiện lên lung linh trong làn nước lăn tăn, ta như thấy đâu đây bóng dáng những nho sĩ áo dài xưa ngồi trầm tư dưới mái Bình Thi lầu, tay cầm quạt, miệng ngâm câu thơ cổ... Đến Phố Hiến, ghé hồ Bán Nguyệt, lắng nghe tiếng gió thì thầm trên ngọn cây, nhìn bóng tháp đổ xuống mặt hồ phẳng lặng, ta chợt hiểu rằng: có những nơi không chỉ đẹp bởi cảnh sắc, mà còn đẹp bởi chiều sâu của tâm hồn và ký ức. Một vầng trăng cổ tích vẫn mãi tỏa sáng giữa lòng người Hưng Yên hôm nay và mai sau.

Hát quan họ trên thuyền ở hồ Bán Nguyệt.

Hát quan họ trên thuyền ở hồ Bán Nguyệt.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nen-tho-ho-ban-nguyet-3183082.html