Nên thống nhất cơ quan quản lý của trường cao đẳng y tế là Ủy ban nhân dân tỉnh

Hầu hết các trường CĐ y tế đều thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, do đó việc có số ít trường vẫn thuộc Sở Y tế thể hiện sự không thống nhất trong quản lý.

Thực tế hiện nay, việc nhiều trường cao đẳng y tế trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là ủy ban nhân dân tỉnh) nhưng vẫn có trường thuộc Sở Y tế khiến nhiều ý kiến băn khoăn về tính thống nhất trong hệ thống các trường cao đẳng y tế trên cả nước.

Không có sự thống nhất về cơ quan quản lý giữa các trường cao đẳng y tế

Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) là một trong những cơ sở đang trực thuộc Sở Y tế. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ chuyên khoa 2 Tô Kỳ Nam – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhưng đến năm 2019 lại chuyển về trực thuộc Sở Y tế Quảng Ngãi.

Theo thầy Nam, việc chuyển trường về trực thuộc Sở Y tế liên quan đến một số quy định như việc củng cố, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của sở y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ cũng như định hướng phát triển mỗi tỉnh chỉ có một trường cao đẳng công lập cấp tỉnh (tức trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương).

Tình trạng bị chuyển từ ủy ban nhân dân tỉnh về Sở Y tế cũng diễn ra ở một số trường cao đẳng y tế tại một số địa phương trên cả nước chứ không chỉ tại riêng tỉnh Quảng Ngãi.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (Ảnh: Báo Quảng Ngãi).

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (Ảnh: Báo Quảng Ngãi).

Thầy Nam cho hay, trước đây trường là đơn vị cấp 1 trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh nên tất yếu có những hoạt động đầu tư được ủy ban chỉ đạo trực tiếp sẽ thuận lợi hơn thay vì phải trình thủ tục văn bản qua thêm một bước ở Sở Y tế.

Trên thực tế, trường cao đẳng y tế mặc dù là đơn vị đào tạo ra nhân lực y tế nhưng có đặc thù là thuộc lĩnh vực giáo dục nên nếu trực thuộc Sở Y tế cũng gây khó khăn cho chính cho Sở trong công tác lãnh đạo, quản lý.

Mặt khác, có thể thấy rằng, việc trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh giúp các trường cao đẳng thuận lợi khi thực hiện các chính sách. Đơn cử, khi địa phương có chính sách đào tạo nhân lực y tế cho tỉnh nếu trường thuộc trực tiếp ủy ban nhân dân tỉnh thì sẽ có sự chỉ đạo sát sao, có sự hỗ trợ chính sách cho người học tốt hơn.

"Tôi cho rằng, cùng là trường cao đẳng y tế thì hệ thống quản lý cũng nên được thống nhất, không nên để diễn ra tình trạng mỗi địa phương mỗi kiểu (trường trực thuộc Sở Y tế, trường lại thuộc ủy ban nhân dân tỉnh)", thầy Nam bày tỏ.

Vì khi khác cấp quản lý tất yếu sẽ dẫn đến các chế độ, chính sách, quản lý, tuyển dụng của các trường cao đẳng y tế cũng sẽ khác nhau. Vậy nên, rất cần thiết có cơ chế, chế độ, chính sách xuyên suốt, đồng bộ trong hệ thống các trường cao đẳng y tế.

Thầy Nam thông tin, theo điều lệ các trường cao đẳng hiện hành, trường cao đẳng công lập là đơn vị trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, theo định hướng phát triển của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, mỗi tỉnh chỉ có 1 trường cao đẳng công lập trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh hay theo quy định của Bộ Y tế lại khác.

Như vậy, việc có nhiều văn bản quy định chồng chéo đã dẫn tới tình trạng mỗi tỉnh mỗi kiểu.

Theo thầy Nam, trước đây, các trường trung cấp, cao đẳng y tế đều thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, từ 1/1/2017, các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ đó cũng phát sinh ra một số vấn đề, trong đó có tình trạng có tỉnh thì trường cao đẳng y tế trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng có tỉnh là trực thuộc Sở Y tế.

Có thể thấy rằng, hiện nay, khi phân loại trường có phân cấp trường cao đẳng hạng 1, hạng 2 nhưng trên thực tế lại xảy ra mâu thuẫn như có trường cao đẳng y tế trực thuộc sở y tế lại là trường cao đẳng hạng 1 nhưng một số trường hạng 2 lại là trường trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm, mặc dù việc trực thuộc Sở Y tế giúp nhà trường thuận lợi về mặt chuyên môn, sự phối hợp trong đào tạo lâm sàng, đào tạo ngắn hạn, cung ứng nhân lực. Tuy nhiên, khi trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khi có chỉ đạo chung về chuyên môn, trường vẫn sinh hoạt chuyên môn cùng Sở Y tế. Ngoài ra, khi cần thực hiện, triển khai các đề án, chiến lược, hoạt động nào, ủy ban nhân dân tỉnh có thể phân công các sở có liên quan trên địa bàn để phối hợp thực hiện với nhà trường. Theo quy định hiện hành, trường cao đẳng y tế là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên về công tác đào tạo nghề còn liên quan đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chứ không phải riêng gì Sở Y tế.

Chính vì vậy, nhìn chung các trường cao đẳng y tế nếu trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh thuận lợi hơn so với trực thuộc Sở Y tế bởi nó phù hợp cho sự phát triển từ việc đầu tư, xây dựng, nhân lực, đến quy mô tuyển sinh, tình hình đầu ra đối với sinh viên của nhà trường.

Trực thuộc Sở y tế sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ, giảng viên

Cùng bàn về thực trạng trên, lãnh đạo của một trường cao đẳng y tế từng thuộc ủy ban nhân dân tỉnh nhưng sau đó lại chuyển về trực thuộc Sở Y tế cho hay, nhà trường gặp nhiều khó khăn từ khi về trực thuộc Sở Y tế.

Trước đây, khi trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, muốn xin bất kỳ chủ trương nào, nhà trường có thể xin thẳng ủy ban nhân dân tỉnh nhưng bây giờ phải xin qua Sở Y tế.

Đáng nói, theo quy định hiện hành, Sở Y tế cũng không được quyền quyết định những đề án, chủ trương đó mà cũng phải trình lên ủy ban nhân dân tỉnh, như vậy phải thêm một bước qua một đơn vị trung gian mới được giải quyết vấn đề. Do đó, khi có vấn đề gì, nhà trường cũng không thể giải trình trực tiếp mà phải giải trình qua đơn vị trung gian là Sở Y tế.

Tuy nhiên, Sở Y tế vốn không phải đơn vị nắm được những hoạt động liên quan đến giáo dục nên nhiều khi trình bày lại đề xuất, kiến nghị hay giải trình của nhà trường với các cấp có liên quan có thể dẫn tới tình trạng không trình bày được đúng ý của nhà trường.

Không những vậy, về bản chất, Sở Y tế cũng không có chức năng quản lý giáo dục, khó có thể nắm được chủ trương, xây dựng, chương trình đào tạo và trách nhiệm trong vấn đề này. Về chỉ tiêu tuyển sinh, mã ngành đào tạo của trường cũng do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) quyết định.

Mặt khác, từ 01/07/2024, nước ta sẽ áp dụng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành.

Tuy nhiên, hiện trường trực thuộc Sở Y tế thì chỉ tương đương với cấp phòng nên vị trí việc làm của cán bộ, giảng viên nhà trường cũng khác với trước kia là đơn vị cấp tỉnh.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc trực thuộc Sở Y tế không chỉ làm chậm tiến độ thực hiện mà còn ảnh hưởng đến cả hoạt động chuyên môn và quyền lợi của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường.

Hiện nay, một số địa phương chuyển trường cao đẳng y tế từ ủy ban nhân dân về trực thuộc Sở Y tế dựa theo Thông tư số 51/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng y tế thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó có nêu rõ, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở y tế bao gồm trường cao đẳng hoặc trung cấp y tế.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo trên, quy định trên chỉ quy định về chức năng và nhiệm vụ của sở y tế, vậy nên, khi có trường nào do sở y tế thành lập thì đơn vị này mới được quyền quản lý trường đó.

Đáng nói, trên thực tế, hầu hết các trường cao đẳng y tế hiện nay đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, sau này giao về cho Bộ Lao động – Thương binh và xã hội quản lý theo quy định.

Hơn nữa, Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã nêu rõ quy định về các sở giáo dục nghề nghiệp, cụ thể, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trường trung cấp; trường cao đẳng; cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất”.

Chính vì vậy, Sở Y tế vốn không có chức năng quản lý trường cao đẳng y tế nên việc một số địa phương căn cứ theo Thông tư số 51/2015/TTLT-BYT-BNV để chuyển trường cao đẳng y tế về trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh là không hợp lý.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay cả nước cũng chỉ còn một số ít trường cao đẳng y tế trực thuộc Sở Y tế còn hầu hết các cơ sở đều đã trực thuộc ủy ban nhân dân. Điều này cũng thể hiện sự không đồng bộ trong hệ thống quản lý trên cả nước.

Thậm chí có địa phương còn không đồng bộ ngay tại chính địa bàn của mình các trường cao đẳng khác đều thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng chỉ duy nhất trường cao đẳng y tế đưa về thuộc Sở Y tế. Việc làm này là rất mâu thuẫn và không đúng với thực tế hoạt động của trường cao đẳng y tế.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nen-thong-nhat-co-quan-quan-ly-cua-truong-cao-dang-y-te-la-uy-ban-nhan-dan-tinh-post243480.gd