Nên thuê pin hay mua kèm pin cùng ôtô điện?

Phương án thuê pin tỏ ra phù hợp với nhóm khách hàng mua xe chạy dịch vụ, nhưng mua xe điện kèm pin cũng có những lợi điểm riêng.

 Mua pin hay thuê pin là vấn đề nhiều người quan tâm khi lựa chọn ôtô điện. Ảnh: Bối Hạ.

Mua pin hay thuê pin là vấn đề nhiều người quan tâm khi lựa chọn ôtô điện. Ảnh: Bối Hạ.

Tại thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại, VinFast là hãng xe duy nhất cung cấp tùy chọn thuê pin cho khách hàng. Lựa chọn này giúp giá xe điện dễ tiếp cận hơn đối với khách hàng, nhưng chủ xe phải chi trả thêm một số khoản phí có liên quan trong suốt quá trình sử dụng. Vậy khi mua xe điện, thuê pin hay mua kèm bộ pin sẽ có lợi hơn?

Thuê pin phù hợp cho người chạy dịch vụ

Dựa theo giá niêm yết do VinFast công bố, lựa chọn mua xe kèm pin sẽ khiến các mẫu xe điện như VF 3, VF 5 Plus và VF 6 tăng thêm 80-90 triệu đồng. Con số này là 120 triệu đồng ở VF e34, từ 149 triệu đến 220 triệu đồng đối với VF 7 và VF 8 trong khi tùy chọn mua xe kèm pin sẽ khiến chủ xe VF 9 phải chi thêm 493-517 triệu đồng tùy phiên bản và loại pin.

Như vậy, phương án thuê pin sẽ giúp chi phí đầu tư ban đầu của ôtô điện thấp hơn khá nhiều. Yếu tố này là một phần lý do khiến thuê pin trở thành lựa chọn phù hợp cho nhóm khách hàng mua xe chạy dịch vụ.

Tuy nhiên, lựa chọn mua xe kèm pin sẽ không giới hạn số km di chuyển mỗi tháng như quy định của các gói thuê pin. Hiện, VinFast chủ yếu cung cấp gói thuê pin theo 2 định mức, một dành cho khách hàng có nhu cầu di chuyển dưới 3.000 km mỗi tháng (dưới 3.500 km đối với VinFast VF 9) và lựa chọn khác dành cho nhóm khách hàng cần sử dụng xe nhiều hơn số km nói trên.

Riêng với VinFast VF 5 Plus, hãng xe điện Việt Nam đã thiết kế riêng đến 3 tùy chọn thuê pin, trong đó bổ sung thêm lựa chọn dành cho nhóm khách hàng có nhu cầu di chuyển dưới 1.500 km.

Theo chia sẻ của anh Đức Phúc, đại diện cơ sở chuyên doanh ôtô cũ Thiên Mộc Auto ở TP Hà Nội, ôtô chạy dịch vụ cần hoạt động tối thiểu 50.000 km mỗi năm để mong hòa vốn, tức trung bình khoảng 4.100 km mỗi tháng. Số liệu này có thể thay đổi tùy từng loại xe và điều kiện vận hành, nhưng là con số đáng để tham khảo.

Theo Charge Map, pin xe điện thông thường sẽ sở hữu tuổi thọ khoảng 8-10 năm, hoặc đo bằng số chu kỳ sạc/xả với trung bình khoảng 1.250 chu kỳ. Trong trường hợp của VF 5 Plus, để đạt đến 1.250 chu kỳ sạc/xả, xe sẽ phải di chuyển khoảng 375.000 km (giả sử có thể hoạt động tối đa 300 km mỗi lần sạc đầy), tức tương đương 7,5 năm nếu vận hành ổn định mỗi năm khoảng 50.000 km.

Dù vậy, việc bắt xe điện phải hoạt động với cường độ cao liên tục được cho là sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng bộ pin. Do đó nhiều khả năng, bộ pin xe điện nói trên sẽ không thể “sống khỏe” đến hết 7,5 năm như những tính toán lý thuyết.

 Pin xe điện VF 5 Plus được bảo hành 7 năm. Ảnh: Bối Hạ.

Pin xe điện VF 5 Plus được bảo hành 7 năm. Ảnh: Bối Hạ.

Trong trường hợp này, thuê pin sẽ là một lựa chọn phù hợp, bởi khách hàng có thể thoải mái “cày cuốc” với VinFast VF 5 Plus mà không cần quan tâm đến sự giảm sút về chất lượng của bộ pin. Nói một cách đơn giản, nếu chọn phương án thuê pin, tài xế có thể sử dụng xe điện đến khi pin hỏng thì mang ra hãng để được đổi bộ pin khác.

Giả sử trường hợp một chiếc VinFast VF 5 Plus được chủ xe chọn làm phương tiện chạy dịch vụ, với quãng đường di chuyển hàng tháng rơi vào khoảng 6.000 km. Theo thông số do VinFast công bố, xe sở hữu mức tiêu thụ năng lượng 115 Wh/km, tức sẽ tiêu tốn khoảng 690 kWh điện cho tổng quãng đường di chuyển này.

Khi tính toán theo đơn giá sạc 3.858 đồng/kWh đang được VinFast áp dụng tại các trụ sạc công cộng, chủ xe VinFast VF 5 Plus nói trên chỉ phải trả khoảng 2,66 triệu đồng chi phí sạc pin hàng tháng. Với phương án thuê pin, chủ xe sẽ phải chi thêm 2,7 triệu đồng phí thuê cho nhu cầu di chuyển trên 3.000 km, tổng cộng 5,36 triệu đồng.

Chi phí vận hành 5,36 triệu đồng mỗi tháng vẫn được cho là khá hợp lý bởi với mức giá 22.510 đồng/lít xăng RON 95-III như hiện tại, chủ xe xăng sẽ chỉ đổ được khoảng 238 lít nhiên liệu.

Giả sử một chiếc xe xăng sở hữu mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 5 lít/100 km, lượng nhiên liệu nói trên sẽ tương đương với quãng đường di chuyển khoảng 4.764 km, nghĩa là vẫn thấp hơn tổng quãng đường 6.000 km mà chiếc VF 5 Plus đạt được ở cùng chi phí vận hành.

Mua pin có lợi cho khách hàng gia đình

Như đã đề cập, thuê pin là một lựa chọn phù hợp cho nhóm khách hàng sử dụng xe chạy dịch vụ hoặc có nhu cầu di chuyển nhiều, bởi không cần quan tâm đến độ hao mòn của pin, đồng thời còn có thể trải nghiệm các loại pin mới theo sự tiến bộ của công nghệ. Điển hình là trường hợp của VF 8 và VF 9 khi với cùng chi phí thuê và đặt cọc pin, khách hàng khi mua xe ở thời điểm hiện tại đã có thể lựa chọn giữa bộ pin SDI hoặc bộ pin CATL.

Dù vậy đối với nhóm khách hàng mua xe phục vụ gia đình, phương án mua xe kèm pin được cho là lựa chọn có phần hợp lý hơn.

Do đặc thù sử dụng cho mục đích cá nhân và gia đình, phạm vi hoạt động trung bình của các xe thuộc nhóm này rơi vào khoảng 50-80 km/ngày, tức tối đa 2.400 km mỗi tháng. Số km nói trên nằm trong định mức cho phép của gói thuê pin thấp nhất mà VinFast áp dụng cho phần lớn xe điện tại thị trường Việt Nam.

Nếu lựa chọn phương án mua xe kèm pin, chủ xe sẽ không phải chi trả thêm từ vài trăm đến vài triệu đồng tiền thuê pin hàng tháng. Thay vào đó, chi phí sử dụng duy nhất chỉ đến từ việc sạc pin, trong trường hợp của VF 5 Plus là khoảng hơn một triệu đồng tại các trụ sạc công cộng VinFast, áp dụng với quãng đường di chuyển 2.400 km/tháng.

 Khi mua xe kèm pin, khách hàng sẽ chỉ phải chi trả phí sạc pin hàng tháng. Ảnh: VinFast.

Khi mua xe kèm pin, khách hàng sẽ chỉ phải chi trả phí sạc pin hàng tháng. Ảnh: VinFast.

Hơn nữa, ôtô phục vụ gia đình sẽ có cả những ngày “nằm bãi” không hoạt động. Nếu phải chi trả tiền thuê pin cho những ngày không sử dụng trong tháng, nhiều khả năng chủ xe sẽ cảm thấy không thật sự thoải mái.

Dù phương án mua xe kèm pin có thể khiến giá mua ban đầu của ôtô điện tăng lên tối đa 90 triệu đồng ở nhóm xe cỡ nhỏ, lựa chọn này có thể mang lại lợi ích cho khách hàng về lâu dài.

Cụ thể, tính toán của Tri thức - Znews cho thấy sau 7 năm sử dụng với cùng quãng đường di chuyển 3.000 km/tháng, phương án mua xe kèm pin sẽ giúp chủ xe VF 5 Plus tiết kiệm gần 70 triệu đồng, còn chủ xe VF 6 và VF e34 sẽ lợi hơn đến 86 triệu đồng so với lựa chọn thuê pin. Tất nhiên, so sánh này chưa bao gồm những khấu hao xảy ra trong quá trình sử dụng, yếu tố được cho là sẽ khiến phương án mua xe kèm pin tỏ ra thiếu hiệu quả hơn so với lựa chọn thuê pin.

Dù vậy, thuê pin hay mua pin mới là phương án tốt hơn sẽ không thể được xác định chỉ dựa trên những con số tính toán. Sự phù hợp vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu bởi nhu cầu của mỗi người đối với ôtô nói chung và xe điện nói riêng là hoàn toàn khác nhau.

Điển hình là trường hợp của anh Văn Tứ, một chủ sở hữu xe điện VF 5 Plus ở TP.HCM. Chia sẻ với Tri thức - Znews, anh cho biết bản thân đã chọn phương án mua xe kèm pin thay vì thuê pin, dù mỗi tháng sử dụng xe khoảng trên dưới 3.000 km.

"Trung bình mỗi ngày mình sử dụng xe khoảng 100 km, trong đó thỉnh thoảng chạy dịch vụ vào các khung giờ sáng sớm hoặc tối muộn, còn lại phục vụ gia đình", anh Văn Tứ chia sẻ, đồng thời cho biết mua xe từ tháng 5/2023 và đến nay, chiếc VF 5 của anh vừa lăn bánh qua mốc 37.000 km.

Trong khi đó, một số chủ xe gia đình khác cũng chọn phương án thuê pin để không phải nặng gánh lo về hao mòn, hư hỏng pin, cũng như để ngỏ cơ hội trải nghiệm các công nghệ pin mới.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nen-thue-pin-hay-mua-kem-pin-cung-oto-dien-post1478406.html