Nền văn hóa đặc sắc của bộ tộc Torajan
Torajan là nhóm dân tộc bản địa ở vùng núi Nam Sulawesi, Indonesia. Dân số của bộ tộc khoảng 100.000 người; phần lớn dân số theo đạo Thiên chúa, số khác theo đạo Hồi hoặc có tín ngưỡng vật linh địa phương có tên gọi là 'aluk'. Trước thế kỷ 20, người Toraja sống trong các ngôi làng hẻo lánh và ít bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Đến những năm 1990, khi du lịch đạt đến đỉnh cao, xã hội Toraja đã thay đổi đáng kể. Ngày nay, ngành du lịch đã tạo ra những thay đổi lớn ở khu vực nơi người Torajan sinh sống và nâng cao niềm tự hào bản sắc văn hóa riêng của bộ tộc Torajan.
Trước đây, nền kinh tế của bộ tộc Torajan dựa vào nông nghiệp, chủ yếu là các ngành trồng lúa nước trên ruộng bậc thang và trồng sắn, ngô; nuôi trâu, lợn và gà. Cà phê là cây trồng mang lại lợi nhuận quan trọng, góp phần giúp cộng đồng người Torajan phát triển kinh tế. Hiện nay, nhiều người Torajan, đặc biệt là những người trẻ tuổi đã tìm hướng đi xuất khẩu lao động, đóng góp lượng kiều hối về cho cộng đồng người Torajan ở Indonesia.
Mỗi ngôi làng trong các cộng đồng người Torajan thường có một ngôi nhà truyền thống tên gọi Tongkonan. Tongkonan là trung tâm của đời sống xã hội Torajan. Ngôi nhà được dựng trên những cọc gỗ, phủ mái che hình vòng cung, các cột được chạm khắc hình vẽ và tô màu đỏ, đen, vàng. Các nghi lễ được tổ chức tại Tongkonan biểu thị đời sống tinh thần của bộ tộc Torajan; do đó, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải tham gia. Về mặt biểu tượng, Tongkonan tượng trưng cho mối liên kết với tổ tiên, họ hàng hiện tại và tương lai của bộ tộc Torajan.
Việc xây dựng Tongkonan là một công việc tốn nhiều công sức và thường được thực hiện với sự giúp đỡ của cả đại gia đình người Torajan. Có ba loại Tongkonan. Đầu tiên là Tongkonan layuk - ngôi nhà có vị trí cao nhất, được sử dụng làm trung tâm chính quyền trong cộng đồng bộ tộc. Thứ hai là Tongkonan pekamberan – ngôi nhà thuộc về các thành viên trong gia đình có một số quyền lực trong truyền thống địa phương. Các ngôi nhà Tongkonan batu là nơi sinh hoạt của các gia đình người Torajan. Ngày nay, kiến trúc theo phong cách Tongkonan vẫn còn rất phổ biến trong cộng đồng bộ tộc Torajan.
Để thể hiện các khái niệm xã hội và tôn giáo, người Torajan có nghệ thuật chạm khắc gỗ trên các tấm hình vuông tên gọi là Pa'ssura. Các họa tiết chạm khắc đều có điểm chung là hình động vật, thực vật tượng trưng cho các ý nghĩa tiềm ẩn trong cuộc sống. Ví dụ, hoạt tiết con trâu có ý nghĩa là lời chúc giàu sang cho gia đình; nút thắt và chiếc hộp tượng trưng cho hy vọng con cháu trong gia đình được hạnh phúc, sống hòa thuận; động vật thủy sinh cho thấy cần phải làm việc nhanh và chăm chỉ, giống như di chuyển trên mặt nước. Tháng 3/2022, Bộ Luật và Nhân quyền Indonesia đã cấp chứng nhận bản quyền sở hữu trí tuệ cho 125 mẫu khắc gỗ của bộ tộc Torajan nhằm bảo vệ văn hóa truyền thống của bộ tộc.
Giống như các nền văn hóa nông nghiệp khác, bộ tộc Toraja nhảy múa và ca hát trong thời gian thu hoạch. Điệu múa có tên gọi Ma'bugi kỷ niệm sự kiện tạ ơn và điệu múa tên gọi Ma'gandangi được biểu diễn trong khi người Torajan đang giã gạo. Đặc biệt, người Torajan có điệu múa mang tên Ma'bua chỉ được biểu diễn 12 năm một lần. Ma'bua là một nghi lễ lớn của bộ tộc Torajan, trong đó, các linh mục đội đầu trâu và nhảy múa quanh một cây thiêng. Một nhạc cụ truyền thống của người Toraja là sáo tre được gọi là Pa'suling. Cây sáo 6 lỗ này được chơi ở nhiều điệu múa, chẳng hạn như điệu nhảy tạ ơn Ma'bondensan. Ngoài ra, người Toraja còn có các nhạc cụ bản địa như kèn Pa'pelle và đàn hạc Pa'karombi. Pa'pelle được chơi trong thời gian thu hoạch và tại các buổi lễ khánh thành nhà.
Trước những năm 1970, khu vực người Torajan sinh sống hầu như không có khách du lịch phương Tây. Đến năm 1984, vùng núi Nam Sulawesi được truyền thông thế giới biết đến và dự đoán là điểm dừng chân thứ hai, sau đảo Bali nổi tiếng của Indonesia. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến núi Nam Sulawesi ngày càng tăng. Đặc biệt, các ngôi làng với công trình văn hóa truyền thống của bộ tộc Torajan thu hút sự chú ý của du khách. Nhờ đó, ngành du lịch đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận người Torajan.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nen-van-hoa-dac-sac-cua-bo-toc-torajan-post470633.html