Nên xã hội hóa đầu tư, khai thác cầu bộ hành(*)

Vừa qua, ông Phạm Sỹ Nhật tại TPHCM đã có ý kiến đề xuất cơ quan chức năng cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu bộ hành Thủ Thiêm kết cấu nhiều tầng theo hình thức đầu tư BOT để kết nối trung tâm TPHCM với khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên dưới là cầu đi bộ, các tầng bên trên cho thuê để hoàn vốn xây dựng.

 Cầu vượt bộ hành nối công viên Hoàng Minh Giám được xem là cầu bộ hành đẹp nhất tại TP.HCM.

Cầu vượt bộ hành nối công viên Hoàng Minh Giám được xem là cầu bộ hành đẹp nhất tại TP.HCM.

Theo ông Nhật, hiện đã có một nhóm nhà đầu tư quan tâm, trong đó có một tập đoàn xây dựng Nhật Bản. Nhà đầu tư sẽ chi trả toàn bộ vốn xây dựng (dự kiến 98 triệu đô la Mỹ) và chi phí vận hành công trình và sẽ thu lợi nhuận từ việc kinh doanh không gian bên trên cầu trong thời gian hoàn vốn. Ý kiến này được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao và đề nghị ông Nhật liên hệ với UBND TPHCM đăng ký dự án theo quy định tại điều 22 và 23 của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Ý tưởng này gợi mở một mô hình xã hội hóa đầu tư cầu bộ hành, khai thác quảng cáo thu hồi vốn. Bởi cầu bộ hành có đặc điểm băng ngang đường nên rất thuận lợi trong khai thác quảng cáo, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, thiết kế - cho thuê vị trí lắp đặt trụ ATM...

TPHCM hiện chỉ có khoảng 22 cầu bộ hành, còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Dễ thấy trên nhiều trục đường có mặt cắt ngang khá lớn, mật độ giao thông cao, nguy hiểm luôn rình rập với nhiều người đi bộ băng qua đường, nên cần có cầu bộ hành. Như các trục đường: Trường Chinh, quốc lộ 22, Ba Tháng Hai, Nguyễn Văn Trỗi, Điện Biên Phủ đoạn trước trường Đại học HUTECH và Hồng Bàng, xa lộ Hà Nội đoạn có các ga metro, đường Lê Văn Việt đoạn trước cơ sở 2 trường Đại học Giao thông Vận tải, đường Quang Trung gần bệnh viện Gò Vấp, quốc lộ 1 đoạn trước chợ đầu mối Thủ Đức, đường Kinh Dương Vương đối diện bến xe miền Tây, đường An Dương Vương gần trường THPT An Lạc và hàng loạt tuyến đường khác.

Trên thực tế, một số cầu bộ hành sau khi xây dựng đưa vào khai thác vẫn chưa thu hút nhiều người đi bộ sử dụng, do bậc cầu thang hơi dốc không thuận tiện cho người lớn tuổi, cầu không có mái che hoặc bố trí cách xa trạm xe buýt (thiếu kết nối hợp lý với hệ thống vận tải hành khách công cộng)... Một phần khác là tâm lý của không ít người dân cứ muốn đi tắt về nhanh, bất chấp an toàn giao thông. Song không vì thế mà cho rằng chưa cần thiết xây thêm cầu bộ hành mà hãy khắc phục những hạn chế để cầu bộ hành ngày càng thu hút đông người sử dụng. Đây còn là giải pháp an toàn giao thông, tạo điều kiện cho người đi bộ, phát triển giao thông công cộng, giảm kẹt xe. Vấn đề đặt ra là trong khi ngân sách dành cho lĩnh vực giao thông còn hạn chế, lại đang ưu tiên cho những công trình cấp thiết khác, thì việc đầu tư cầu bộ hành cần thêm các nguồn vốn xã hội.

TPHCM từng xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh công cộng và thực tế cho thấy việc này đã thành công. Ban đầu chỉ một ngân hàng Sacombank đăng ký bỏ vốn đầu tư nhà vệ sinh “5 sao” đổi lấy quyền quảng cáo thương hiệu và đặt máy ATM tại công trình. Năm 2014, Sacombank đã đầu tư xây dựng 13 nhà vệ sinh công cộng, mở cửa phục vụ miễn phí, trung bình mỗi ngày có 300-500 lượt người sử dụng. Sau đó, hàng loạt nhà đầu tư khác cũng đề xuất được xây dựng nhà vệ sinh “5 sao” đổi quyền quảng cáo, quảng bá thương hiệu... Cách làm này đã góp phần tăng số lượng nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân, nâng cao chất lượng quản lý đô thị, đồng thời đem lại lợi ích cho nhà đầu tư.

Theo tôi, huy động vốn xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để phát triển thêm nhiều dự án cầu bộ hành là rất khả thi, không chỉ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách đầu tư phát triển mà Nhà nước còn thu được thuế. Chính quyền nên giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu và quy hoạch hệ thống cầu bộ hành tại những vị trí cần thiết, và có kế hoạch thu hút vốn, triển khai xây dựng theo một lộ trình hợp lý. Song song đó là xây dựng các tiêu chí và hình thức quản lý, sử dụng, khai thác cầu bộ hành, thời gian thu hồi vốn kết hợp quảng cáo thương mại đối với từng dự án cụ thể cùng những thỏa thuận khác để đưa vào hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

(*) Nhân đọc bài Ý tưởng cầu đi bộ nhiều tầng ở tphcm trên tbktsg Online (/293038/y-tuong-cau-di-bo-nhieu-tang-o-tphcm.html)

Trần Văn Tường, Kỹ sư cầu đường

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294471/nen-xa-hoi-hoa-dau-tu-khai-thac-cau-bo-hanh.html