Neo giữ những điệu chèo

Đam mê những làn chèo dân dã, 'lão nông nghệ sĩ' Nguyễn Văn Lợi ở làng cổ Phùng Nguyên (Lâm Thao, Phú Thọ) đang truyền cảm hứng và tình yêu nghệ thuật cho người dân quê mỗi khi ngơi tay cày cuốc.

Một buổi diễn của chiếu chèo Nguyên Lợi.

Một buổi diễn của chiếu chèo Nguyên Lợi.

Lão nông tỷ phú đam mê chèo

Xuất thân chân lấm tay bùn, ông Nguyễn Văn Lợi đã nhiều năm lăn lộn ruộng vườn ở ngôi làng cổ, giờ có cơ ngơi hơn chục héc ta trang trại, nhưng vẫn rất đặc biệt khi được mệnh danh là “nghệ sĩ nông dân tỷ phú” ở vùng đất Lâm Thao này. Hằng ngày ông vẫn tất bật với chuồng trại, ao chuôm, nhưng thuộc làu đến cả trăm bài chèo. Gắn với tên vợ, mấy năm trước lão lập ra chiếu chèo Nguyên Lợi cho thỏa đam mê ru chèo, tập đàn đến nửa đêm và hào sảng giao lưu cái thứ nghệ thuật dân dã mỗi khi ngơi tay cày cuốc.

Từ cái thuở cả làng vẫn nghe dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Lợi đã bán cả mấy con trâu mua chiếc VEF 206 của Liên Xô chỉ vì mê giọng chèo trên làn sóng điện. Cái chất “cảm” chèo nó khiến lão đung điêng, cuốn hút. “Chèo như thấm vào thịt. Ngày ấy có biết nốt nhạc nào đâu. Nghe đến khuya mà đi ngủ với chèo, có đêm còn mơ thấy mình là nghệ sĩ chèo lên hát ở đình làng”, ông Lợi kể. Rồi mê chèo quá, có lúc say sưa đang cuốc ruộng cũng tranh thủ uốn chân cong tay tập một điệu chèo đu đưa. Mãi rồi ông cũng biết mấy làn điệu cơ bản. Người làng và mấy bạn cũ gần xa cũng nhiều người thích chèo, thế là ông Lợi từ ấp ủ đến quyết định mở một chiếu chèo để mọi người tụ tập giao lưu. Mười mấy người, già có, trung niên có, yêu cái luyến rung của nhịp chèo mà tìm đến với nhau nuôi dưỡng cái chiếu “nghệ thuật xóm”. Xóm cổ từ ấy vui hẳn, tối đến lại văng vẳng tiếng í i luyến láy mượt mà, lúc réo rắt đanh đá, khi đằm thắm dịu dàng sâu xa...

“Toàn là nông dân đấy chứ. Đã ai học lớp hát chèo nào đâu. Hồi ấy cũng chưa có bài chèo sẵn lời trên karaoke, mọi người cứ cảm nhận cái nhịp nội, nhịp ngoại, lưu không, luyến, rung vậy thôi mà tập. Anh em cũng góp tiền đi tìm mua dần nhạc cụ”, ông Lợi tâm sự. Ngày ra làm đồng, tối về làm diễn viên nghiệp dư, người đánh trống, kẻ gõ phách, người chơi đàn bầu, đàn nhị, đàn tam, sáo trúc. Chèo Nguyên Lợi ngân lên từ xóm cổ mà loang ra khắp vùng, nhiều người kéo đến hằng tối cuối tuần xem nghệ sĩ xóm lẩy chèo. Ngôi nhà rộng rãi với bốn bề là ao cá, trang trại của ông Lợi, bà Nguyên đã trở thành điểm giao lưu, gặp gỡ của những ai yêu thích cái nghệ thuật dân gian xưa cũ giữa thời giải trí đang ngập tràn từ cái smartphone trên tay...

Đang trò chuyện, có tiếng xe máy xình xịch rồi đỗ lại đầu sân, ông Lợi giới thiệu luôn là “tay nhạc chủ công Dương Quý Linh”, người chơi đàn bầu trong chiếu chèo, cũng là quân sư hướng dẫn lão Lợi hát chèo nhiều năm qua. Ông Linh nâng trà chậm rãi, kể về cái thuở mê chèo đến quên ăn quên ngủ, có hôm hai thân già say sưa tập luyện từ tối đến tận ba giờ sáng”. Bà Nguyên, vợ ông Lợi đang lúi húi lấy thức ăn cho gà nghe được câu chuyện, nói với ra: “Ông nhà tôi á, hát í ới suốt ngày. Ra vườn hát, cho cá ăn hát, làm cỏ cũng hát, sắp đi ngủ cũng hát. Tôi còn tưởng ông mê quá hóa… dở hơi ấy”.

Cuộc sống khấm khá với cơ ngơi tiền tỷ, trong nhà ông Lợi vẫn bày biện đồ diễn, cờ phướn, trang phục... Ông sắm cả bảng, phấn về để viết lời, gạch nhịp. Bài mới chưa thuộc thì cứ nghe băng hát theo và tự chép lời ra giấy, rồi lão bỏ tiền ra đem đi photo để phát cho mọi người cùng học thuộc. Giấy nháp chất lên cả yến. Cháy bỏng với trái tim yêu chèo, lại có giọng mượt khỏe nhấn nhả nhịp đoạn, ông Lợi đã khiến bao người say theo, thầm vinh danh ông là nghệ sĩ.

Lan tỏa điệu chèo trung du

Ngày đầu mở chiếu, Nguyên Lợi còn đơn sơ khi thiếu tay trống, lúc vắng tay đàn. “Chiếu chèo xóm” không đóng phí, gây quỹ, nhạc cụ và đồ diễn còn thiếu. Cái thuở nhà nông chưa hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh, lão tiết kiệm để sắm từng thứ một. Giờ trang trại bài bản, thu nhập cá, gà, lợn, cây quả rủng rỉnh, chiếu chèo đã đủ cả sân khấu, âm ly, loa đài. Vợ con đều ủng hộ, anh em trong chiếu càng thấy thoải mái hơn. Và rồi chiếu chèo Nguyên Lợi đã bắt đầu những chuyến rong ruổi giao lưu. Từ cái lúc mang dáng dấp chiếu chèo thuở xưa, nay chiếu có đến cả hơn trăm người. Ở làng Phùng Nguyên, đã có những em nhỏ cứ thứ bảy, chủ nhật tới chiếu chèo của ông Lợi học hát.

Chiếu chèo Nguyên Lợi đi giao lưu với Câu lạc bộ (CLB) chèo “Còn duyên” ở Vĩnh Yên, đến phô diễn với CLB Yên Kiện (huyện Đoan Hùng), rồi đi Hà Nội hát với CLB “Hương xuân” ở Cầu Diễn, lên tận Yên Bái với nhóm “Cây trúc xinh”... Ông Lợi còn tìm về Thái Bình học hỏi từ nôi chèo trứ danh làng Khuốc, sang Hải Dương, Hưng Yên tìm tòi kinh nghiệm. Tâm huyết của ông Lợi “chèo” đã từng bước gìn giữ và neo lại hồn chèo giữa bộn bề nhà nông thời hiện đại. Bây giờ Nguyên Lợi hát đám cưới, diễn mừng thọ, tưng bừng ở nhiều hội nghị nữa, thậm chí làn chèo trung du của lão đã lên tận Sa Pa (tỉnh Lào Cai) phô diễn.

Lão nông Nguyễn Văn Lợi dự kiến dịp cuối năm nay, khi nông nhàn, sẽ mở một buổi diễn lớn. “Sẽ có nhiều CLB ở xa, tuy chưa mời nhưng họ đã ướm lời về dự nhiệt tình. Họ sẽ đến từ chiều hôm trước nên chắc tiếp đón cũng... mệt. Họ bảo góp kinh phí nhưng tôi sẽ mở tiệc chiêu đãi hết”, ông Lợi vui cười và chỉ tay ra đàn gà đang vỗ béo.

Ông cũng trăn trở: “Chiếu chèo còn duy trì, phát triển được đến ngày hôm nay là nhờ vào lòng đam mê, hăng say của người diễn. Đa số những chiếu chèo không chuyên phải tự duy trì, bảo tồn. Đất diễn còn hạn hẹp, do đó những nghệ sĩ nghiệp dư như chúng tôi chưa có điều kiện phát huy hết tài năng của mình”. Ông Lợi cũng hiểu rằng trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian, chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo. Và ông cũng biết Bộ VHTTDL đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Thái Bình, triển khai lập Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO đối với nghệ thuật Chèo Đồng bằng sông Hồng. “Nhà nước cũng nên làm cấp bách khi bây giờ nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng đang dần bị lấn át bởi các hình thức giải trí hiện đại”, ông Lợi bày tỏ.

TÙNG DUY - CẨM NHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/neo-giu-nhung-dieu-cheo-5698164.html