Nepal: Biểu tình toàn quốc kêu gọi khôi phục chế độ quân chủ
ng Rastriya Prajatantra (RPP) cánh hữu của Nepal, các nhóm bảo hoàng và các công dân ủng hộ chế độ quân chủ sẽ tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi khôi phục chế độ quân chủ và một nhà nước Hindu.
Người Nepal biểu tình cho việc khôi phục thể chế quân chủ ở Kathmandu vào ngày 30 tháng 11, hô vang các khẩu hiệu như 'Vua, xin hãy trở lại và cứu đất nước.' Ảnh: Getty
RPP sẽ phát động phong trào khôi phục chế độ quân chủ từ thành phố Hetauda ở miền nam vào thứ Sáu (4/12), sau đó là các cuộc biểu tình ở một thành phố phía nam khác, Jhapa và thủ đô Kathmandu. Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 người theo chủ nghĩa bảo hoàng tại cuộc biểu tình ở Kathmandu.
Chế độ quân chủ đã bị bãi bỏ vào năm 2008, và một bộ phận người dân Nepal vẫn ủng hộ sự phục hồi của nó. RPP đang đánh cược vào sự ủng hộ của họ.
Hôm thứ Tư (2/12), Bộ Nội vụ đã gửi một chỉ thị đến 77 huyện ở bảy tỉnh để dập tắt các cuộc biểu tình ủng hộ chế độ quân chủ - bằng vũ lực nếu cần. Bất chấp chỉ thị, RPP vẫn kiên quyết thực hiện các cuộc biểu tình.
Ông Damodar Wagle, chủ tịch của tổ chức thanh niên RPP Bagmati, nói với Nikkie hôm thứ Tư: 'Chúng tôi đang ủng hộ những người bảo hoàng, và phong trào của chúng tôi sẽ tiếp tục bất chấp chỉ thị của bộ nội vụ. Nếu họ sử dụng vũ lực, chúng tôi sẽ trả đũa. '
Đảng đã tổ chức các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn kể từ tháng trước. Các cuộc biểu tình lẻ tẻ ủng hộ chế độ quân chủ trước đây đã được chứng kiến trong 12 năm qua và làn sóng biểu tình hiện tại bắt đầu với quy mô nhỏ vào tháng 6 ở Kathmandu.
Giữa đại dịch COVID-19, hoạt động yếu kém của Đảng cầm quyền đã khiến nhiều nhóm cánh hữu và những người ủng hộ chế độ quân chủ ở Nepal ủng hộ các cuộc biểu tình và yêu cầu Nepal trở thành một quốc gia theo đạo Hindu.
Đảng cầm quyền gần đây không được lòng dân vì bị lôi kéo vào cuộc đấu đá nội bộ và tham nhũng và đã không kiểm soát được đại dịch.
Cựu Thủ tướng Baburam Bhattari và các thành viên của đảng cầm quyền đã gọi các cuộc biểu tình là phi thực tế.
Có những lo ngại rằng hệ tư tưởng Hindutva - một hình thức của chủ nghĩa dân tộc Hindu ở Ấn Độ - có thể tràn sang Nepal. Các nhà quan sát ở Kathmandu cho rằng phong trào ủng hộ chế độ quân chủ có thể mang lại lợi ích cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Đảng theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của ông Bharatiya Janata, vì họ muốn nước láng giềng Nepal cũng trở thành một quốc gia theo đạo Hindu.
'Mục đích của chúng tôi là thiết lập lại chế độ quân chủ và một nhà nước theo đạo Hindu ở Nepal. Chúng tôi sẽ thu thập sự ủng hộ từ các đường phố và cũng thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý dựa trên hiến pháp năm 2015 thông qua chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo', ông Wagle nói.