Nepal quyết dọn sạch rác trên 'nóc nhà thế giới'

Chính phủ Nepal đang thực hiện chiến dịch dọn sạch rác thải do con người xả ra trên đỉnh núi Everest, thu được gần 11 tấn rác, cũng như một số thi thể.

Số rác thải được thu gom từ núi Everest

Số rác thải được thu gom từ núi Everest

11 tấn rác được thu gom

Hôm 5-6, Danduraj Ghimir, người đứng đầu Cơ quan Du lịch Nepal, cho biết, một đội gồm 20 người leo núi Sherpa đã thu gom được 11 tấn rác và tìm thấy 4 thi thể chưa rõ danh tính. “Thật không may, một số rác được thu thập trong bao ở South Col không thể đưa xuống được do thời tiết xấu”, quan chức này thừa nhận.

Rác thải thu gom trên núi do những người leo núi trước đó bỏ lại. Chúng được cho là đã tồn tại hàng thập kỷ, bao gồm phân người, bình oxy rỗng, lều, dây thừng, lon thực phẩm và đồ uống, thang bị hỏng và đồ bọc bằng nhựa. Ông Ghimir cho hay, 5 tấn rác đã được thu gom vào tháng 4 và tháng 5 từ các địa điểm phía trên khu cắm trại, trong khi 6 tấn rác khác từ các khu vực bên dưới.

Khi mới thành lập, “Chiến dịch dọn sạch Everest” đã cam kết loại bỏ 10 tấn rác thải khỏi ngọn núi. Hiện những người tham gia chiến dịch chưa rõ khi nào sẽ thu gom nốt các bao rác thải đã được đóng gói từ trước.

Khi tuyết tan, thi thể của những người leo núi thiệt mạng sau những chuyến thám hiểm của họ đã được phát hiện. Điều phối viên chiến dịch dọn dẹp Nim Dorjee Sherpa nói với Reuters rằng 2 thi thể được tìm thấy trong khu vực Thác băng Khumbu, nằm ở độ cao 5.486m trên sườn núi Nepal của đỉnh Everest. Thác băng Khumbu được coi là một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất của tuyến đường South Col đến đỉnh Everest. Trong khi đó, 2 thi thể còn lại được tìm thấy ở một khu trại.

Số người thiệt mạng gia tăng

Giới chức Nepal hiện chưa thể xác định danh tính các thi thể hoặc thời gian chuyến đi của họ. Ước tính có khoảng 300 thi thể vẫn còn nằm lại trên Everest. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 11 người thiệt mạng trên núi Everest. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã khiến 9 người leo núi tử vong vào tháng trước và số người chết trong năm nay là cao nhất kể từ mùa leo núi 2015 - với 19 trường hợp tử vong.

Mặc dù số người thiệt mạng gia tăng, chính quyền Nepal vẫn cấp phép cho 381 người leo núi, mỗi người sẽ phải bỏ ra 11.000 USD để sở hữu tấm vé chinh phục “nóc nhà thế giới”.

Nhiều người cho rằng, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự thiếu kinh nghiệm của những người leo núi và việc thương mại hóa các cuộc thám hiểm ngày càng gia tăng đã góp phần tạo ra những mối nguy hiểm hơn cho những người muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới này. “Tôi không muốn quá tin vào định mệnh, nhưng khi đến khu vực rất nguy hiểm mà không được kiểm soát, chắc chắn bạn sẽ gặp tai nạn”, Les Stroud, người dẫn chương trình “Survivorman” chia sẻ với CNN.

Rất đông người leo núi đã bị tắc đường, đứng xếp hàng dài đợi lên khu cắm trại - nơi có đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao hơn 8.000m. Hầu hết mọi người chỉ có thể ở một vài phút trên đỉnh núi trong tình hình không có thêm ôxy. Khu vực có những người leo núi bị mắc kẹt được nhiều người gọi là “vùng tử thần”. “Đây là tuyến đường duy nhất đi lên đỉnh núi, việc chậm trễ leo lên đỉnh có thể gây tử vong”, nhà leo núi người Anh Robin Haynes Fissher cảnh báo về tình trạng quá tải trên ngọn núi này vào ngày 19-5, một tuần trước khi anh qua đời.

Hoàng Cường (Theo Sputnik/CNN)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nepal-quyet-don-sach-rac-tren-noc-nha-the-gioi/813409.antd