Nestlé khởi động dự án nông lâm kết hợp tại Việt Nam

Nestlé Việt Nam mới đây đã ký kết hợp tác với Bộ NN-PTNT, đồng thời chính thức khởi động sáng kiến nông lâm kết hợp trồng 2,3 triệu cây xanh tại Tây Nguyên, nhằm hướng tới nền nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp, kết hợp cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT (bên phải) và ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam (bên trái) ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và Bộ NN-PTNT.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT (bên phải) và ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam (bên trái) ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và Bộ NN-PTNT.

Ngày 20/6, tại Đồng Nai, Nestlé Việt Nam và Bộ NN-PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác công tư nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp thông qua chương trình đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV). Hoạt động này nằm trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ và làm việc giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT và ông Mark Schneider, Giám đốc điều hành tập đoàn Nestlé - tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới.

Theo nội dung Bản ghi nhớ, Nestlé Việt Nam sẽ hợp tác với Bộ NN-PTNT trong khuôn khổ Chương trình PSAV nhằm hướng đến việc thúc đẩy và chia sẻ các thực hành nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phát thải thấp, ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi số và thúc đẩy hợp tác đa bên.

Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình ngày 20/06, tập đoàn Nestlé cũng chính thức khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây xanh (cây gỗ, cây ăn trái,…) đến năm 2027.

Dự án nhằm vừa góp phần đem lại giá trị kinh tế, tạo thêm thu nhập cho người nông dân, vừa hỗ trợ cải thiện các điều kiện canh tác cây cà phê, đặc biệt tăng khả năng chống lại côn trùng và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai (hạn hán, mưa bão,..), cải thiện chất lượng đất trồng và đa dạng sinh học.

Dự kiến dự án sẽ giúp hấp thu và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm (2023 - 2027), góp phần giúp chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái trong canh tác cây cà phê tại Tây Nguyên.

Người nông dân tham gia dự án nông lâm kết hợp của Nestlé đã được tập huấn kỹ thuật.

Người nông dân tham gia dự án nông lâm kết hợp của Nestlé đã được tập huấn kỹ thuật.

Ông Mark Schneider - Giám đốc điều hành tập đoàn Nestlé chia sẻ: “Trong chuỗi cung ứng của chúng tôi, nông nghiệp chiếm hơn 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính. Là một trong những nguồn cung cà phê hàng đầu cho Nestlé, Việt Nam là ưu tiên lớn của chúng tôi. Chúng tôi cam kết hỗ trợ người nông dân Việt Nam chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh nhằm cải thiện sinh kế và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua chương trình Nescafé Plan. Chúng tôi cũng đang tập trung thực hiện chương trình trồng rừng tại đây”.

Ông Mark Schneider cho biết Nestlé đang hỗ trợ người nông dân Việt Nam chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, cải thiện sinh kế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Mark Schneider cho biết Nestlé đang hỗ trợ người nông dân Việt Nam chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh, cải thiện sinh kế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, để thực hiện được chiến lược và các cam kết quốc tế này, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

“Tôi đánh giá cao việc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Đại học Tây nguyên triển khai thực hiện dự án Nông Lâm kết hợp tại Việt Nam. Với việc thực hiện dự án, khoảng 2,3 triệu cây xanh sẽ được trồng, góp phần thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Việt Nam. Dự án này cũng cho thấy sự hợp tác hiệu quả của đầu tư theo hình thức công tư trong phát triển nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và bền vững, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bên cạnh các hoạt động sản xuất và đầu tư” – ông Trị chia sẻ.

Tập đoàn Nestlé đang triển khai chương trình trồng rừng tại các nước, nhằm mục đích bảo tồn đất, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thúc đẩy đa dạng sinh học và tăng thu nhập cho người nông dân. Nestlé đặt mục tiêu trồng 200 triệu cây trên toàn cầu đến năm 2030, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Ngày 28/4/2023, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2022, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính...”.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nestle-khoi-dong-du-an-nong-lam-ket-hop-tai-viet-nam-post1544998.tpo