Nết ăn, nếp mặc người Hà Nội
Người Hà Nội thì ăn mặc thế nào? Đó là câu hỏi không ít lần được đặt ra trên truyền thông. Đã có nhiều câu trả lời nhưng hình như đều chưa đủ. Bởi vì người ta mới chỉ chú ý đến y phục bên ngoài mà thôi. Ăn mặc là nết đất, nết người. Tự nó hun đúc qua thời gian và muốn biến cải nó là việc không hề dễ.
Với một thành phố hơn nghìn năm tuổi, lại đã từng là kinh đô của nước Việt suốt chiều dài lịch sử ấy, chỉ trừ gần 200 năm nhà Nguyễn dĩ nhiên Hà Nội cũng phải là kinh đô thời trang.
Nhưng sự thật thì không phải thế!
Hà Nội cũng như cả nước trước thời kỳ thực dân Pháp đô hộ đều có chung một cách ăn mặc. Đàn ông tầng lớp trên có áo the khăn xếp, đàn bà có váy lĩnh áo tứ thân. Tầng lớp dưới đàn ông chỉ quần lá tọa, áo cánh, đàn bà váy đụp và áo cánh chả khác gì đàn ông. Đại khái chỉ là theo nguyên lý “kín trên bền dưới” mà thôi. Thật ngạc nhiên là khi Pháp đô hộ nước ta, Hà Nội lúc ấy không hề là kinh đô nhưng lại là nơi dẫn đầu trong các xu hướng thời trang.
Chiếc áo dài “Le mur” do hai họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ sáng chế ra vào thập kỷ những năm 1930 thế kỷ trước dựa trên chiếc đầm của Pháp và áo dài hội hè mớ ba mớ bảy của đàn bà Bắc bộ rất nhanh chóng trở thành thời trang ở Hà Nội và lan ra cả nước. Tất nhiên là giờ đây áo dài phụ nữ có rất nhiều biến thể. Thế nhưng về nguyên lý hai vạt áo và cách cài khuy cạnh vẫn chưa có gì đổi khác.
“Ăn mặc ở Hà Nội có thể được gọi như một nét văn hóa. Cái văn hóa ăn mặc ấy chưa bao giờ có qui định nào với dân chúng nhưng vẫn là dòng chảy âm thầm bền bỉ. Nếu không thể nói rằng ta tự hào về văn hóa ăn mặc của con người ở đất này thì chí ít nó cũng đã ngăn chặn được khá nhiều trào lưu ăn mặc suồng sã nơi chốn đông người. Thế nhưng muốn gìn giữ tác phong ăn mặc như vậy cũng đòi hỏi công sức của cả xã hội”.
Nhà văn Đỗ Phấn
Cách ăn mặc của người Hà Nội không bao giờ vượt ra khỏi cốt cách điềm đạm kín đáo của họ. Ngoại trừ những cơ quan công sở có quy định về cách ăn mặc, dân chúng thường chọn cho mình những bộ y phục nền nã, kín đáo không phô trương. Đàn ông hiếm khi nhìn thấy mặc những chiếc áo hoa hoét chim cò. Đàn bà cũng hiếm ai ăn mặc hở hang táo bạo. Hẳn là sẽ có người phản bác rằng trong các sàn nhảy hoặc bar rượu thấy rất nhiều đàn bà con gái ăn mặc hở hang mời mọc. Nhưng có lẽ đó là đặc thù công việc ở đấy. Họ chỉ ăn mặc thế trong lúc làm việc mà thôi. Rất ít khi họ mặc nguyên như thế ra đường khi rời khỏi nơi làm việc.
Với cốt cách người Hà Nội như thế, rất hiếm khi thấy ai đó mặc những bộ đồ quá nổi bật trên phố cả về màu sắc và thiết kế. Những chiếc quần legging bó sát hoặc váy quá ngắn cùng với áo hở ngực chị em có thể rất mê nhưng sẽ chỉ mặc vào dịp hội hè gặp gỡ những người trẻ thân thiết. Ra đường mà ăn mặc thế rất dễ bị xem là hạng “buôn phấn bán hoa”. Đàn ông ăn mặc hầm hố xăm trổ đầy mình được hiểu là anh em ở các nghiệp đoàn bến bãi hoặc đòi nợ thuê.
Ăn mặc hình như gắn liền với tác phong. Người Hà Nội cho dù có mặc áo phông hoa hoét và quần jean bạc phếch cũng không bao giờ toát ra vẻ bặm trợn bến bãi như đáng ra nó phải thế. Bởi vì tác phong chậm rãi đĩnh đạc là bản chất của con người ở đất này. Tất nhiên người Hà Nội không phải không kỹ lưỡng trong cách ăn mặc. Hà Nội cũng có những cửa hàng may đo comple tiền tỷ cho mỗi bộ. Thợ may từ Italia sang đo đạc mang về Italia cắt may. Mang bản dựng sang cho khách thử vài lần thật ưng ý rồi mới may chính thức.
Người Hà Nội có chạy theo các mode thời trang hay không?
Tất nhiên với những trào lưu ăn mặc của thế giới thì Hà Nội và vài thành phố lớn là những nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Nhưng để làm bùng phát thành một trào lưu thời trang thì với Hà Nội lại là điều vô cùng khó. Hà Nội chỉ có đôi lần bùng phát những mode thời trang như vậy. Nhưng ngạc nhiên thay nó lại rơi vào những khoảng thời gian bao cấp nghèo khó.
Vào những năm 1972, 1973 thế kỷ trước bùng lên phong trào mặc áo blouson vải vi ni lông ướt màu đen. Gần như toàn bộ thanh niên Hà Nội đều cố gắng kiếm bằng được chiếc áo ấy. Tất nhiên là hàng tự may. Ngày Tết quanh Bờ Hồ là một biển người áo đen trùm kín mông cả nam lẫn nữ. Đợt bùng phát thứ 2 nhằm vào lúc các công nhân xuất khẩu lao động Đông Âu gửi về những chiếc áo lông nhân tạo vào thập kỷ 1980, 1990. Áo lông của Đức được ưa chuộng nhất.
Lần này thì cả nam phụ lão ấu đều mặc làm cho chiếc áo trở nên đắt giá đến bằng một chỉ vàng. Chẳng có cách lý giải nào chính xác hơn vì sao những trào lưu thời trang bùng phát như thế lại có tuổi đời khá ngắn ngủi ở Hà Nội. Đó là cốt cách ăn mặc của con người nơi đây như một bộ luật bất thành văn nhưng hầu hết đều noi theo. Người Hà Nội không cho rằng những thứ mặc trên mình giống người khác là hay ho đẹp đẽ. Nhiều người mua áo về thấy ngoài đường có hơn 3 người mặc nó rồi cũng âm thầm cất vào tủ chờ ngày thu gom đi làm từ thiện.
Ăn mặc ở Hà Nội có thể được gọi như một nét văn hóa. Cái văn hóa ăn mặc ấy chưa bao giờ có qui định nào với dân chúng nhưng vẫn là dòng chảy âm thầm bền bỉ. Nếu không thể nói rằng ta tự hào về văn hóa ăn mặc của con người ở đất này thì chí ít nó cũng đã ngăn chặn được khá nhiều trào lưu ăn mặc suồng sã nơi chốn đông người. Thế nhưng muốn gìn giữ tác phong ăn mặc như vậy cũng đòi hỏi công sức của cả xã hội.
Cũng vì tác phong ăn mặc tề chỉnh như thế nên phụ nữ Hà Nội hầu như không thấy ai mặc nguyên bộ đồ ở nhà nhảy lên xe máy phóng ào ào ngoài đường như các thành phố khác. Thậm chí kể cả ở các vùng nông thôn ven nội cũng không thấy bao giờ. Cho dù chẳng có qui định nào về y phục ngoài đường thì họ vẫn tự giác ghép mình vào cái khuôn khổ rất mơ hồ mà chặt chẽ ấy.
Rất may mắn cho chúng ta khi nét đẹp văn hóa ăn mặc ấy của người Hà Nội vẫn được duy trì cho đến hôm nay. Và những người kế tiếp đều rất có ý thức chỉnh đốn lại cách ăn mặc của mình cho phù hợp với phục trang thành phố.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/net-an-nep-mac-nguoi-ha-noi-post449828.antd