Nét chất phác trong tranh Phạm Khải!
Trưởng thành từ vùng quê miền núi xứ Thanh, họa sĩ Phạm Khải luôn lao động miệt mài để mỗi ngày lại cho ra đời những tác phẩm đẹp, chất phác như chính con người nghệ sĩ.
Dịch dã làm mọi thứ trong đời sống trở nên khó khăn. Như mọi người, các nghệ sĩ cũng phải đối diện với áp lực ấy. Ngày thường, vừa phải mưu sinh, vừa phải gìn giữ được cái “chất riêng” để đưa vào tác phẩm vốn đã là việc không dễ dàng, trong hoàn cảnh hiện nay càng khó hơn gấp nhiều lần.
Đối diện với những khó khăn ấy, vẫn có những họa sĩ như Phạm Khải đều đặn cho ra đời những tác phẩm mới.
Sinh ra và lớn lên ở Quan Hóa, một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, Phạm Khải trở thành một họa sĩ sinh sống và làm việc ở Hà Nội.
Cầu Long Biên trong tranh Phạm Khải.
Anh là một trong số không nhiều họa sĩ trẻ chỉ sống bằng việc bán tranh mình vẽ mà không làm thêm bằng cách vẽ theo đơn đặt hàng hay làm các công việc liên quan đến mỹ thuật khác (như vẽ tranh tường, decor, v.v...). Nói điều này không phải mang hàm ý “chê bai” những họa sĩ sống bằng đơn đặt hàng, mà để thấy một điều rằng, Phạm Khải thật sự nghiêm túc với nghề nghiệp của mình, dành toàn tâm, toàn ý với sáng tác.
Anh sáng tác chủ yếu trên trên chất liệu sơn dầu, acrylic với khổ tranh phổ thông, không lớn. Đề tài trong tranh Phạm Khải cũng không nhiều, có thể thấy được hai mảng chính là tranh phong cảnh và tranh về cầu Long Biên. Nội dung trong tranh anh thì giản dị, không phức tạp, đa nghĩa, chỉ là cảnh vật xung quanh mà bạn nhìn thấy, ghi nhớ và trình diễn qua từng nét cọ.
Có lần, trò chuyện với Khải tại xưởng vẽ mà anh thuê ở làng Bồ Đề, ven sông Hồng, anh kể chuyện mình học tập và làm việc, sinh ra những đứa con ở Hà Nội. Những câu chuyện về đất và người Hà Nội gây cho anh cảm giác gần gũi đặc biệt. Hằng ngày vào phố, về xưởng, mỗi lần đi qua cây cầu Long Biên, anh lại một lần thấy gắn bó với nó hơn. Vì thế, cầu Long Biên trở thành một nhân vật thường trực mà anh say sưa sáng tác.
Họa sĩ Phạm Khải.
Sau đợt bùng dịch đầu tiên của năm ngoái (2020), tôi biết Khải đã đưa vợ con về quê. Cũng dễ hiểu, chi phí sinh hoạt ở một thành phố lớn như Hà Nội quả không mấy dễ chịu với một họa sĩ trẻ mà tên tuổi chưa lớn, thường bán tranh qua các gallery - nơi thường lấy hoa hồng tới 50% cho mỗi tác phẩm được bán ra.
Bẵng đi một thời gian, một ngày, tự nhiên thấy Khải up lên trang facebook cá nhân bức tranh cầu Long Biên, đặt tên “Time 51”. Nghĩa là đã tới bức thứ 51 Khải vẽ về cây cầu này. Hỏi chuyện mới biết, lúc ấy Khải đã vẽ tới bức thứ... 52. Bây giờ có lẽ là tới năm mấy rồi không biết.
Phong cảnh trong tranh Khải hầu hết đều từ những hiện thực của đời sống nhưng đẹp như một ký ức. Như bức tranh “Khe Hin Lạp” được anh sáng tác năm 2018 chẳng hạn. “Hin Lạp” là từ trong tiếng Thái, tạm dịch là “Đá mài”, là một khe thác đẹp ở Phú Thanh, Quan Hóa. Ngày nay, Hin Lạp chỉ còn lại cái tên bởi sau một trận lũ quét, khe thác này đã bị vùi lấp và biến mất. Dấu tích của khe thác này có lẽ bây giờ chỉ còn tìm thấy trong tranh Phạm Khải.
Các bức tranh phong cảnh của họa sĩ Phạm Khải có bố cục chặt chẽ, màu sắc trong sáng, tả thực nhưng lại không nệ thực. Điều đó biểu hiện một sự nghiêm túc và bài bản trong việc học tập và thực hành của một họa sĩ.
Khe thác Hin Lạp. Khổ 80x80cm. Chất liệu sơn dầu. Họa sĩ Phạm Khải. 2018.
Nhưng một bức tranh đẹp và có cảm xúc thì cần nhiều hơn thế. Một điều thú vị trong tranh Khải là, ở nhiều bức tranh phủ gam màu trầm luôn xuất hiện những vệt sáng đẹp. Nó đối lập lại với cảnh sắc có vẻ u hoài trong toàn bộ bức tranh.
Những vệt sáng mỏng manh, được chấm phá một cách có chủ ý, tạo ra một hiệu quả thị giác một cách đặc biệt khi thu hút cái nhìn của người xem tranh vào đó. Một góc cánh đồng, những cánh đồng xanh ngắt thấp thoáng những nếp nhà, những lớp ruộng bậc thang của vùng miền núi Thanh Hóa... những hình ảnh quê hương hiện lên trong tranh Phạm Khải có gì như xưa cũ, thân thuộc. Chính những vệt màu sáng này đã tạo ra sự đối lập trong tranh, tạo ra được cảm giác tươi sáng, xua tan những u hoài và gợi lên những hy vọng, để từ đó thấy rằng, cuộc sống dù vất vả nhưng hy vọng về một tương lai tươi sáng thì không bao giờ bị dập tắt.
Tôi biết, nhiều người nhìn thấy tài năng của Khải. Họ từng có gợi ý cho anh về việc làm sao để phải biết “quảng bá bản thân”, “đi tìm kiếm những nhà sưu tập”, “tìm kiếm cơ hội mới ở những thành phố lớn”... Đáp lại, Khải chỉ cười hiền lành mà không nói gì.
Tác phẩm “Đi cấy”. Họa sĩ Phạm Khải.
Sau nhiều năm biết và quan sát hành trình vẽ của Khải, tôi thấy kỹ thuật trong tranh Khải mỗi ngày một tốt lên, nhất là từ khi trở về quê, tranh của Phạm Khải lại càng sâu lắng, hồn hậu hơn.
Khải vẫn hằng ngày sống và vẽ từ góc nhà sàn của mình. Và theo một cách “cổ điển” nhất của những nghệ sĩ nghiêm túc, đó là: Để tác phẩm tự lên tiếng thay vì đi tìm kiếm nổi tiếng nhờ những “tiểu xảo”.
Có lẽ, dù còn vất vả, nhưng dịch dã cũng là một cú hích tốt để Khải rời xa cái xô bồ của thị thành, dành nhiều thì giờ hơn cho lao động nghệ thuật.
Tôi tin là Khải sẽ còn đi được đường dài trên hành trình vẽ của mình.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/net-chat-phac-trong-tranh-pham-khai-post145924.html