Nét chữ 'rồng bay, phượng múa'
Từ lâu, chơi thư pháp là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Luyện thư pháp không chỉ giúp người viết hiểu ý nghĩa và cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong từng nét chữ 'rồng bay, phượng múa' mà còn tìm thấy sự cân bằng trong nhịp sống hiện đại và gìn giữ nét văn hóa dân tộc.
Miệt mài theo đuổi thư pháp
Trong căn phòng thoảng mùi mực tàu, anh Đinh Hoàng Tân - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (TP.Tân An, tỉnh Long An), đang say sưa với nét chữ mềm mại. Qua bàn tay khéo léo của anh Hoàng Tân, những nét chữ “rồng bay, phượng múa” uyển chuyển, mềm mại dần hiện lên. Dù chưa từng qua trường lớp đào tạo nhưng anh Hoàng Tân lại có niềm đam mê bất tận với nghệ thuật thư pháp.
Nói về cơ duyên đến với thư pháp, anh Hoàng Tân chia sẻ: “Yêu thích vẻ đẹp mộc mạc và tinh tế của nghệ thuật thư pháp từ nhỏ nên năm 2014, tôi bắt đầu thử sức với bộ môn này. Càng tìm hiểu, tôi càng bị cuốn theo dù giai đoạn đầu khá vất vả vì không biết bắt đầu từ đâu. Theo tôi, để theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, ngoài niềm đam mê cần phải có sự kiên nhẫn, chịu khó”.
Ông bà ta thường nói: “Nét chữ nết người”. Thư pháp cũng vậy, mỗi nét chữ là cả một nghệ thuật mang phong cách riêng của người viết. Để cho ra đời một tác phẩm thư pháp đẹp, người viết phải nắm được tiêu chí cơ bản về đường nét và bố cục. Vì thế, anh Hoàng Tân tự mày mò học qua sách vở và tìm hiểu trên mạng. Mỗi ngày, anh thường dành khoảng 1-2 giờ để luyện chữ.
Vào dịp tết, anh Hoàng Tân thường viết thư pháp lên tranh, bao lì xì để tặng bạn bè. Bên cạnh đó, anh còn viết thư pháp trên trái dừa, bưởi để kiếm thêm thu nhập. Từ khoảng rằm tháng Chạp, anh bắt đầu lựa chọn những trái dừa to, tròn, đẹp để sơn thổi, dát vàng, viết chữ thư pháp và bán cho khách. Trong đó, khách chủ yếu chọn các chữ như tài, lộc, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phúc lộc thọ,... kèm theo những nhánh mai, đào, hoa lá để chưng tết. Trung bình mỗi dịp tết, anh chỉ nhận khoảng 50 cặp dừa để trang trí bảo đảm chất lượng.
“Viết thư pháp giúp tôi rèn luyện tính kiên nhẫn, tâm trí nhạy bén hơn, học được cách đánh giá cái đẹp, đặc biệt là vận dụng nhiều vào công việc hàng ngày. Trong các phong trào, hội thi, tôi thường sử dụng nghệ thuật thư pháp để thể hiện trên các bức tranh, báo tường, viết tiêu đề,... Từ đó, góp phần lan tỏa tinh hoa, giá trị nghệ thuật thư pháp đến học sinh. Điều đáng mừng là những năm gần đây, các em tìm đến nghệ thuật thư pháp ngày càng nhiều” - anh Hoàng Tân bộc bạch.
"Thổi hồn" thư pháp vào gỗ
Từ xa xưa, chữ viết được người dân Việt coi trọng và gìn giữ. Cùng với khai bút đầu xuân, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ để thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cầu mong may mắn, bình an, phúc lộc. Vào mỗi dịp tết đến, xuân về, nhiều người đến chùa Long Phước (phường 3, TP.Tân An) để lễ Phật, cầu bình an và xin chữ đầu năm. Đến đây, ngoài xin được chữ, người dân còn có dịp chiêm ngưỡng những nét chữ đẹp, bay bổng, thanh thoát. Thượng tọa Thích Lệ Trí - Trụ trì chùa Long Phước, là một trong những người cho chữ nổi tiếng tại Long An.
Theo Thượng tọa Thích Lệ Trí, nghệ thuật thư pháp có từ xa xưa và được nối tiếp trong đời sống văn hóa của dân tộc. Ngày nay, thư pháp chữ Quốc ngữ đã đi vào cuộc sống. Ngoài viết trên giấy, tặng phẩm mùa xuân, Thượng tọa Thích Lệ Trí còn tạo nên nhiều tác phẩm thư pháp trên các chất liệu như gốm sứ, gỗ. Với tâm huyết “thổi hồn” giá trị con chữ vào những tấm gỗ vô tri, Thượng tọa Thích Lệ Trí khéo léo sáng tạo ra những bức tranh thư pháp bằng gỗ.
“Tranh thư pháp bằng chất liệu gỗ truyền đạt những giá trị tư tưởng, đạo đức để mọi người chiêm nghiệm trong cuộc sống qua nghệ thuật chạm khắc gỗ. Ưu điểm của tranh thư pháp gỗ là bảo quản lâu hơn, dễ hơn chất liệu giấy hoặc gốm sứ. Để tạo ra sản phẩm tranh thư pháp gỗ phải trải qua nhiều công đoạn như có chữ mẫu chuẩn, thiết kế trên phần mềm đồ họa và chạm bằng máy CNC,... Với những bản phức tạp, đòi hỏi tính nghệ thuật cao, cần có thợ chạm chuyên nghiệp hoàn thiện những nét, đường cong để bức tranh sống động hơn” - Thượng tọa Thích Lệ Trí cho biết.
Được biết, trước đây, chùa Long Phước chép kinh bằng thư pháp chữ Việt trên giấy, in trên gốm sứ, khắc trên đá, còn khắc trên gỗ thì thực hiện từ năm 2018. Tháng 11/2022, Thượng tọa Thích Lệ Trí hoàn thành một bản kinh bằng chữ thư pháp khắc trên Trụ kinh Chuyển pháp luân bằng gỗ. Đây là tác phẩm nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thiết kế bản vẽ, chủ trì thực hiện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và chùa Long Phước thực hiện tiêu bản khắc gỗ. Trụ kinh có 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, chữ Pali và tiếng Anh theo chữ Latinh.
Trong không khí ấm áp của mùa xuân, hình ảnh những “ông đồ” vẫn miệt mài cho chữ như một sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp. Hy vọng, việc chơi thư pháp, thưởng lãm thư pháp chữ Quốc ngữ hiện nay không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà tiếp tục lan tỏa giá trị của bộ môn nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc Việt đến thế hệ mai sau./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/net-chu-rong-bay-phuong-mua-a147961.html