Nét đa dạng của đời sống nghệ thuật Việt Nam
'Song hành với nghệ thuật' đề cập đến nhiều chủ đề thuộc các lĩnh vực: Mỹ thuật, nghệ thuật đương đại, nhiếp ảnh đương đại, kiến trúc, điêu khắc…
Song hành với nghệ thuật là cuốn sách gom nhặt những suy tư của tác giả Đào Mai Trang, một người làm báo ở lĩnh vực nghệ thuật thị giác.
Xuất phát từ mong muốn lưu lại những vấn đề, những nhân vật, sự kiện nổi bật của nghệ thuật, tác giả bắt tay thực hiện cuốn sách.
Tác phẩm đề cập đến nhiều chủ đề thuộc các lĩnh vực: Mỹ thuật, nghệ thuật đương đại, nhiếp ảnh đương đại, kiến trúc, điêu khắc…
Nghệ thuật thị giác Việt Nam trong hai thập kỷ
Song hành với nghệ thuật gồm 43 bài viết chọn lọc được nhà báo Đào Mai Trang, người theo dõi đời sống sáng tác mỹ thuật nói riêng, nghệ thuật thị giác nói chung ở Việt Nam từ hơn 20 năm qua.
Do vậy, nội dung sách đề cập tới nhiều vấn đề, các nhân vật nổi bật của nghệ thuật thị giác trong hai thập kỷ qua.
Sách gồm 3 phần chính. Phần 1 gồm 29 bài trò chuyện, phỏng vấn với các nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu về nhiều vấn đề trong đời sống mỹ thuật, nghệ thuật thị giác Việt Nam, thời gian cụ thể được giới hạn từ năm 2013 trở lại đây.
Trong đó, bạn đọc có thể gặp lại những tên tuổi, hình ảnh tác phẩm của nhiều thế hệ nghệ sĩ: Từ những nhà điêu khắc lão thành như Tạ Quang Bạo, đến một số gương mặt đáng chú ý thuộc thế hệ sau ông như Bùi Hải Sơn, Nguyễn Nguyên Hà, Thái Nhật Minh.
Có những nghệ sĩ chỉ chuyên chú với gốm Việt như Nguyễn Trọng Đoan, đến người luôn dành tình yêu nguyên thủy cho gốm dù cũng đi qua nhiều ngã rẽ này khác trong thế giới nghệ thuật, như Nguyễn Bảo Toàn.
Theo từng bước phát triển của nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, cuốn sách này ghi lại những thể nghiệm bền bỉ, lặng lẽ từ thập niên 1970 của Vũ Dân Tân. Thế hệ trẻ ngày này vẫn tiếp bước như Nguyễn Huy An, Nguyễn Phương Linh, Bàng Nhất Linh...
Cuốn sách nhắc đến những không gian nghệ thuật, các tổ chức nghệ thuật đáng chú ý như Sàn Art, Matca, Nghệ thuật trong rừng, Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn và những cá nhân họa sĩ kiên định đi trên con đường riêng của mình như Đoàn Văn Nguyên, Đỗ Minh Tâm, Trần Nhật Thăng.
Ngoài ra còn có một số định nghĩa riêng về tâm hồn Việt Nam của các nhiếp ảnh gia Mỹ Catherine Karnow, Lawrence D'Attilio, nghệ sĩ vải sợi người Hàn Quốc Lee Sung Soon... hay những sáng tạo riêng biệt của Phan Hải Bằng, Vương Văn Thạo...
Phần hai của sách là 6 bài viết thể hiện quan điểm của tác giả về sáng tác của các họa sĩ Lê Thanh Sơn, Vũ Bích Thủy, Đỗ Hiệp, Nguyễn Ngọc Đan, Mai Duy Minh, Bảo Vương.
Phần ba chứa đựng nhiều thông tin và luận điểm về hai chủ đề lớn trong đời sống mỹ thuật Việt Nam lâu nay: Thị trường mỹ thuật với các rắc rối, hệ lụy từ nạn tranh giả - tranh sao chép, nguồn gốc lịch sử và hiện trạng.
Cả ba phần nội dung đều có sự liên nối với nhau, giúp bạn dễ dàng tiếp cận với bối cảnh rộng lớn hơn của đời sống nghệ thuật đất nước nói riêng, đời sống văn hóa nói chung của chúng ta.
Cuốn sách mở ra với nhiều vấn đề
Theo tác giả Đào Mai Trang, giữa bối cảnh đất nước hội nhập thực sự sâu rộng với thế giới, nhiều vấn đề nghệ thuật chưa từng có tiền lệ đã xảy ra, đặc biệt trong việc mua - bán tác phẩm.
Thị trường nghệ thuật có những quy luật vận hành chung. Chúng ta bước vào hội nhập, tuy nhiên, nhiều người hoạt động trong thị trường nghệ thuật chưa có sự chuẩn bị chủ động cho hành trình hòa mình vào thế giới. Từ đó, những vấn đề, rắc rối của thị trường nảy sinh.
Cuốn sách đặt ra vấn đề chuyên nghiệp hóa trong nghệ thuật. Ở đó, cách tư duy cảm tính, nệ tình cần được giới hoạt động nghệ thuật điều chỉnh.
Thách thức hội nhập đồng thời là cơ hội lớn để mỗi một cá nhân và cả cộng đồng nghệ thuật thị giác Việt Nam "tự lột da mình" (lời cố họa sĩ Bửu Chỉ) để cùng tiến bộ, đứng cùng một vị thế bình đẳng với tất cả đối tác trên thế giới.
Tuy vậy, tác giả giữ cái nhìn tích cực về nghệ thuật nước ta. Chị viết: "Dẫu chậm hơn mong muốn của nhiều người làm nghề, mỹ thuật, nghệ thuật thị giác ở Việt Nam, theo thời gian, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng và truyền thông trong nước".
Đào Mai Trang cho biết trước khi cuốn sách ra đời, chị đã nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của những người bạn trong lĩnh vực mỹ thuật với cùng mong muốn cho ra đời một ấn phẩm nghiêm túc để cùng đọc và cùng suy ngẫm.
Đào Mai Trang hiện là biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật - Kiến trúc, tạp chí Văn hóa nghệ thuật. Chị là tác giả một số cuốn sách chuyên khảo cùng lĩnh vực đã được xuất: Một chuyến du ngoạn cùng nghệ thuật Việt Nam (2 tập), đồng tác giả tập 1: Trần Thị Biển (tiếng Anh, Salon Saigon và Trails of Indochina, 2018 - 2019); Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950 - 1954) (NXB Mỹ thuật, 2017); Nghệ thuật và tài năng, một cận cảnh về thế hệ nghệ sĩ 8X của Mỹ thuật Việt Nam (NXB Phụ nữ, 2014)...
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/net-da-dang-cua-doi-song-nghe-thuat-viet-nam-post1136795.html