Nét đặc sắc nổi bật của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975
40 năm sau nhìn lại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta thấy đây là chiến dịch cuối cùng của Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta. Nó là một điển hình, là nét đặc sắc nhất của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong chiến dịch tiến công quy mô lớn, với đặc trưng 'thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng', giành thắng lợi hoàn toàn, triệt để, trong thời gian ngắn.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 gồm ba chiến dịch kế tiếp: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực chất, đây là ba đòn tiến công có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4 - 30-4-1975) là một điển hình của loại hình chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.
Đây là chiến dịch đã tận dụng được và phát huy cao độ thế chiến lược do các chiến dịch trước (Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng) tạo ra để tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo quân địch cả về lực lượng, thế trận và tinh thần. Chiến dịch đã phát huy cao nhất sức mạnh của các binh đoàn, binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở vòng ngoài; đánh thẳng vào trung tâm đầu não, sào huyệt của địch, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Nét đặc sắc của Chiến dịch Hồ Chí Minh là: Đã đánh giá đúng so sánh lực lượng địch - ta, kiên định thực hiện chủ trương của Bộ Chính tri, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy là tập trung lực lượng, chọn thời cơ, tiến công kiên quyết, thần tốc, táo bạo, bất ngờ, giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để.
Về địch, chúng đang ở thế “co cụm” phòng ngự, với lực lượng tập trung tương đương hai quân đoàn, được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại cùng với số lượng khá lớn quân địa phương. Đây còn là “Thủ đô”, có các cơ quan đầu não của ngụy quyền, ngụy quân; chúng sẽ ngoan cố chống cự, mặc dù hoang mang, dao động.
Cụ thể, lực lượng của chúng gồm: Quân đoàn 3 hoàn chỉnh (chỉ có Sư đoàn 18 bị tổn thất do mới bị đánh ở Xuân Lộc); lực lượng Tổng dự bị chiến lược (hai sư đoàn thiếu là: sư đoàn lính dù và thủy quân lục chiến); lực lượng Biệt khu Thủ đô bảo vệ nội thành; bốn sư đoàn dù (18, 5, 25, 22), hai sư đoàn thiếu (dù và thủy quân lục chiến, mỗi sư đoàn còn 2 lữ đoàn); ba liên đoàn biệt động quân, Lữ đoàn 3 xe tăng-thiết giáp; ba sân bay (kể cả sân bay Trà Nóc, Cần Thơ) với 1.360 phi cơ; hải quân còn 1.460 tàu, xuồng…; quân địa phương còn bảy liên đoàn bảo an, vài trăm trung đội dân vệ, 17.000 cảnh sát.
Địch bố phòng thành 3 tuyến: tuyến ngoài cùng và tuyến hai, do bốn sư đoàn đảm nhiệm, bố trí trong các căn cứ trước đây thành các cụm cứ điểm mạnh ngăn chặn hướng tiến công của ta. Trong nội thành, phân thành bốn khu vực phòng thủ, do hai sư đoàn (thiếu) dù và thủy quân lục chiến, ba liên đoàn biệt động quân, các liên đoàn bảo an, các trung đội dân vệ và cảnh sát đảm nhiệm. Tổng quân số của địch ước khoảng 35 vạn (25 vạn quân chiến đấu, 10 vạn quân hậu cần).
Về ta, lúc tập kết đầy đủ trước khi tiến công, bao gồm: Năm quân đoàn binh chủng hợp thành (15 sư đoàn); một lữ đoàn, 10 trung đoàn đặc công và bộ binh; 17 tiểu đoàn bộ binh và biệt động, lực lượng dân quân tự vệ thuộc các tỉnh (thành phố); 35.000 cán bộ địa phương và hàng triệu quần chúng. Tổng quân số của ta: 28 vạn quân chiến đấu cùng 17 vạn quân hậu cần (45 vạn quân có cả biệt động và lực lượng dân quân tự vệ của các tỉnh, thành phố).
So sánh lực lượng trong chiến dịch: Ta hơn địch 1,5 đến hai lần; về lực lượng, ta có ưu thế về xe tăng, xe bọc thép và pháo binh, có pháo cao xạ bảo vệ trên không. Còn về nhân tố tinh thần, ý chí "quyết chiến, quyết thắng" thì ta có ưu thế tuyệt đối so với quân địch. Nếu ta giải quyết tốt về cách đánh thì khả năng tiến công rất lớn, bảo đảm chắc thắng trong thời gian ngắn.
Căn cứ vào quyết tâm và kế hoạch chiến dịch được phê chuẩn, Bộ Tư lệnh chiến dịch tổ chức năm cánh quân tiến công (đột phá, thọc sâu) trên năm hướng vào năm cụm mục tiêu chủ yếu. Cánh quân đông nam do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, đột phá từ hướng đông nam đánh chiếm cụm mục tiêu Bộ Tư lệnh Hải quân, Cảng Hải quân và Thương cảng; sau khi hoàn thành nhiệm vụ bước đầu, tiếp tục thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập (lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975).
Cánh quân hướng đông do Quân đoàn 4 đảm nhiệm, đột phá từ hướng đông theo Đường số 1, được chỉ định đánh chiếm cụm mục tiêu Dinh Tổng thống và tiếp quản thành phố (quá trình tiến công bị địch ngăn chặn nên tiến chậm). Cánh quân phía bắc do Quân đoàn 1 đảm nhiệm, đột phá từ phía bắc, đánh chiếm cụm mục tiêu Bộ Tổng tham mưu địch. Cánh quân phía tây bắc do Quân đoàn 3 đảm nhiệm, đột phá đánh chiếm căn cứ không quân Tân Sơn Nhất - Bộ Tư lệnh Không quân, Bộ Tư lệnh Dù.
Cánh quân tây nam do Đoàn 232 đảm nhận, đột phá từ hướng tây nam, cắt đứt lộ 4, đánh chiếm mục tiêu Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô. Cùng với đó là hướng phối hợp do cánh quân chính nam (gồm 2 trung đoàn độc lập số 88 và 24) từ nam Long An vượt qua Cần Giuộc, Cần Đước, qua cầu chữ Y, đánh chiếm Nha Cảnh sát của địch.
Hiệp đồng chặt chẽ giữa các cánh quân trong tác chiến chiến dịch. Đêm 26-4 (rạng sáng 27-4), các lực lượng chiến dịch thực hành tiến công địch theo nhiệm vụ được phân công. Riêng cánh quân đông nam đề nghị nổ súng sớm hơn, bắt đầu từ 17 giờ ngày 26-4 vì phải tiến xa mới vào được trung tâm Thành phố; Bộ Tư lệnh chiến dịch đã đồng ý.
Theo kế hoạch hiệp đồng, trước 6 giờ 30 ngày 30-4-1975, các cánh quân phải chiếm được các ngoại ô thành phố, các đơn vị pháo chiến dịch ngừng bắn; chỉ có pháo của các lực lượng tiến công trước bắn chi viện theo yêu cầu của bộ binh, xe tăng của từng hướng khi tiến công vào trung tâm thành phố. Từ 6 giờ 30 phút trở đi (cũng là giờ thống nhất tổng công kích vào các mục tiêu đã được phân công), việc đánh chiếm trung tâm thành phố theo kế hoạch hiệp đồng binh chủng và thực hiện sau này cũng sát đúng như vậy.
Phương pháp tác chiến chiến dịch (cách đánh) được xác định: Bỏ hẳn các căn cứ quân sự tuyến ngoài cùng của địch, chỉ để bộ phận nhỏ chủ lực và quân địa phương bao vây kiềm chế; chia cắt đội hình các sư đoàn phòng ngự tuyến ngoài cùng và tuyến hai, sẵn sàng diệt địch, không để chúng rút lui, co cụm về thành phố; diệt một số căn cứ quân sự thật cần thiết trên tuyến hai cản trở đến các mũi nhọn đột phá, thọc sâu; đồng thời, tổ chức lực lượng mạnh, gồm sư đoàn bộ binh mạnh tăng cường công binh, xe tăng, xe bọc thép, xe tải, thọc sâu đánh chiếm các cụm mục tiêu được phân công.
Các cánh quân đã thực hành tiến công dồn dập liên tục bốn ngày, đêm, với tốc độ đột phá 15-20 km/ngày, đêm. Từ 17 giờ ngày 26-4 đến 11 giờ 30-4, đã đánh chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu và các cụm mục tiêu khác, buộc địch phải đầu hàng không điều kiện. Tiếp đó, đối với đồng bằng Sông Cửu Long, lực lượng tại chỗ đã kết hợp với lực lượng nổi dậy giải phóng 17 tỉnh (không phải mở chiến dịch như đã dự kiến). Cùng với đó là việc giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo trên biển Đông.
Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu về nghệ thuật tiến công quân địch bằng chiến dịch hiệp đồng binh chủng nổi bật là: Tính kế hoạch cao trong tổ chức hiệp đồng. Cơ sở của công tác tổ chức hiệp đồng là quyết tâm, kế hoạch tác chiến chiến dịch. Kế hoạch tác chiến hiệp đồng binh chủng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị chiến trường, theo hướng: Đánh lớn, hiệp đồng binh chủng với tốc độ phát triển nhanh trên tất cả các hướng, để tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch có số quân đông và trang bị hiện đại khi thời cơ xuất hiện.
Nội dung chuẩn bị là nghiên cứu kỹ cách đánh; cải tiến vũ khí, trang bị, tăng cường và nâng cao sức cơ động, khả năng bảo đảm hậu cần-kỹ thuật cho các binh đoàn cơ động chiến lược, chiến dịch; tăng cường tiếp tế nhiên liệu, đạn dược, lương thực, thực phẩm vào chiến trường; xây dựng căn cứ địa và hậu phương tại chỗ ở khắp nơi và tích cực bổ sung nguồn vật chất dự trữ nơi địa bàn cơ động.
Chuẩn bị lực lượng mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao, bố trí sẵn theo ý định, kết hợp với cơ động thần tốc để tập trung lực lượng ở trọng điểm. Nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch là khéo kết hợp các lực lượng cơ động chiến lược với lực lượng địa phương tại chỗ, lực lượng bố trí sẵn và lực lượng cơ động từ xa tới. Do lực lượng, binh khí-kỹ thuật của ta có hạn, để chiến dịch tác chiến hiệp đồng quân-binh chủng giành thắng lợi, phải sử dụng hết sức tiết kiệm vũ khí, phương tiện, đạn dược, nhất là các loại vũ khí tiến công như xe tăng, thiết giáp, pháo lớn, xe vận tải…
Để sử dụng lực lượng binh chủng linh hoạt và điều chỉnh cách đánh kịp thời, phải nắm chắc tình hình theo sự phát triển của tình huống chiến dịch. Khi địch đang ổn định, có chuẩn bị, có tổ chức, thì phải tập trung hơn địch ở trọng điểm; đánh có chuẩn bị, hiệp đồng chặt chẽ, chắc thắng. Khi địch sơ hở, bối rối, như đang rút lui, đang điều chỉnh chiến lược hay đang tan rã, thì vấn đề chính lại là thời cơ - không chờ tập trung đủ mới đánh; thực hiện đánh chia cắt, bao vây, đánh sân bay, hải cảng, đánh viện binh, đánh đường rút lui là chính.
Khi đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch thì tập trung lực lượng đến mức cao nhất và đảm bảo chắc thắng. Cùng với đó, phải phát huy hết chỗ mạnh của từng binh chủng, trong từng tình huống một cách thích hợp như: Dùng xe tăng trong tiến công hành tiến, thọc sâu; dùng đặc công đánh chiếm và giữ đầu cầu; dùng pháo phòng không phong tỏa sân bay; dùng không quân uy hiếp tinh thần địch ....
Tổ chức lực lượng chiến dịch hợp lý, khoa học giữa các thành phần binh chủng, giữa lực lượng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu. Các sư đoàn, quân đoàn bộ binh phải được cơ giới hóa toàn bộ hay từng phần mới nâng cao được tốc độ tiến công, có khả năng hiệp đồng chặt chẽ với các binh chủng kỹ thuật và phát huy được sức mạnh đột kích mạnh. Phải có hỏa lực tầm xa; cải tiến các phương tiện chỉ huy, thông tin, trinh sát mới bảo đảm tác chiến hiệp đồng quân-binh chủng tốt.
Phải hết sức coi trọng lực lượng công binh cơ giới làm cầu đường, vượt sông trong thành phần các lực lượng công binh. Ngoài ra, việc lấy trang bị, vũ khí của địch để đánh địch có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tác dụng khôi phục và phát triển sức chiến đấu của binh chủng; giải quyết được những khó khăn về đảm bảo hậu cần, kỹ thuật rất lớn cho các quân chủng, binh chủng, nhất là khi đang cơ động tiến công.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là một điển hình về tác chiến hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; đòn quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, kết thúc chiến tranh. Đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.