Nét đẹp chùa Ngọc Đới - nơi gắn liền với Vua Trần Nhân Tông

Chùa Ngọc Đới (còn có tên gọi khác là chùa Cách), xã Tuy Lộc, Hậu Lộc được xây dựng từ thế kỷ XIII gắn với công đức của Vua Trần Nhân Tông.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ II, nhà vua đi thị sát để động viên tinh thần tướng sĩ, khi qua nơi này Nhân dân tập trung hai bên đường thắp hương cầu nguyện cho nhà vua đánh thắng quân xâm lược, đem lại thanh bình cho đất nước, no ấm cho Nhân dân.

Cảm động trước tình cảm của Nhân dân, nhà vua cho hỏi quan chức địa phương: Quanh vùng có ngôi chùa nào để vua vào dâng hương cầu cho quốc thái dân an nhưng không có. Vua liền lấy đai ngọc giao cho hào trưởng trong làng lấy kinh phí xây dựng cho Nhân dân một ngôi chùa.

Khi ngôi chùa xây dựng xong, vua đặt tên là “Ngọc Đái tự”, thường gọi là chùa Ngọc Đái với ý nghĩa nhắc nhớ về công đức xây dựng chùa của Vua Trần Nhân tông. Tuy nhiên, sau này người dân thường gọi là chùa Ngọc Đới (chùa Cách)

Lịch sử hình thành và phát triển của chùa gắn liền với nhiều phong trào yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc; nơi nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Ngọc Đới đã tích cực đóng góp cho cách mạng như ủng hộ phong trào lúa khao quân, công trái kháng chiến…

Trải qua bao thăng trầm và những lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn lưu giữ được nét cổ với nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa. như những đồ thờ cúng, tượng gỗ, văn bia, chuông, hoành phi, câu đối…

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, chùa Ngọc Đới nổi bật với vẻ đẹp kiến trúc, điêu khắc theo phong cách thời Lý - Trần.

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/net-dep-chua-ngoc-doi-noi-gan-lien-voi-vua-tran-nhan-tong/19853.htm