Nét đẹp làng đan lát Ba Đông
PTĐT - Thôn Ba Đông thuộc xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy nổi danh với tên gọi 'đất trăm nghề' nhờ sự cần mẫn lao động sáng tạo của con người. Người Ba Đông không những giàu kinh nghiệm nghề nông mà còn thông thạo các nghề buôn bán, đánh bắt thủy sản và hơn cả là nghề đan lát truyền thống.
PTĐT - Thôn Ba Đông thuộc xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy nổi danh với tên gọi “đất trăm nghề” nhờ sự cần mẫn lao động sáng tạo của con người. Người Ba Đông không những giàu kinh nghiệm nghề nông mà còn thông thạo các nghề buôn bán, đánh bắt thủy sản và hơn cả là nghề đan lát truyền thống.
Chúng tôi về Ba Đông vào ngày nắng hiếm hoi của những ngày giáp Tết, màu nắng hanh hao “đan” vào màu vàng của những sợi nan tre phơi đến độ, trải khắp các con ngõ đến từng sân phơi của các gia đình. Không biết nghề đan lát Ba Đông có từ bao giờ nhưng hiện vẫn duy trì sức sống bền bỉ. Nhờ nghề đan lát, người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập trong lúc nông nhàn.
Tới thăm gia đình ông Phan Văn Đèn, chúng tôi được đắm mình trong không gian của nghề truyền thống. Mặc dù đang trong thời điểm gieo cấy vụ Xuân, song ông bà vẫn tranh thủ thời gian để chỉ bảo, truyền dạy nghề đan cho cô cháu gái nhỏ của mình. Ông Đèn đưa đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo lùa những sợi nan vào khung, vừa uốn vừa đan, chẳng mấy chốc chiếc chúm tôm đã thành hình. Ông trải lòng với chúng tôi, vợ chồng ông đã làm nghề trên 50 năm, trung bình mỗi ngày có thể đan từ 8-10 sản phẩm tùy loại. Với giá trung bình từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng, trừ chi phí nguyên liệu, mỗi ngày ông cũng thu lãi khoảng 100-150 nghìn đồng. Nghề đan lát vẫn là nghề đem lại thu nhập chính của gia đình ông trong nhiều năm nay.
Nghề đan đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ từ công đoạn chọn nguyên vật liệu cho đến hoàn thiện sản phẩm. Tre, nứa dùng để pha nan, làm cật phải là thân cây thẳng, không già quá, cũng không non quá mới có độ dẻo dai, sản phẩm làm ra mới bền và đẹp. Để sợi nan dẻo dai hơn, sau khi pha nan, nan tre được ngâm qua nước, đem phơi khô. Sau cùng là công đoạn đan và hoàn thiện để tạo ra thành phẩm là những chiếc rổ, rá, hay các loại ngư cụ như chúm tôm, lờ cá… Xuất phát từ nghề truyền thống, làng nghề đan lát Ba Đông được UBND tỉnh công nhận vào năm 2005. Cả làng hiện còn trên 40 hộ duy trì nghề truyền thống. Sản phẩm đan lát không chỉ được bán cho người dân trong và ngoài xã mà còn được thương lái ở các nơi khác đến mua. Mỗi năm làng nghề sản xuất và bán ra thị trường hàng triệu sản phẩm đan lát các loại, doanh thu bình quân đạt trên 2,6 tỷ đồng. Nghề đan lát giúp giải quyết việc làm cho trên 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Xuân Lan - Trưởng làng nghề chia sẻ: Trước kia, đan lát là nghề chính của cả thôn, nghề làm quanh năm, mùa nào thức ấy. Thời điểm giáp hạt thì đan rổ, rá, giần, sàng; đến mùa gặt thì đan thúng, mủng, nong, nia; đến mùa nước lên thì đan nơm, chúm, lờ… Trẻ nhỏ thì học làm khoáy, làm tua; người lớn thì quây nan, bắt miệng, cạp vành… cả thôn lúc nào cũng tất bật, nhộn nhịp. Hiện nay, trước sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm chất liệu mới, song nghề đan lát ở Ba Đông vẫn giữ được nhịp phát triển chậm mà chắc của mình. Các sản phẩm đan lát vẫn giữ được sức hút do có chất lượng tốt, giá thành lại phải chăng. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, những hộ làm nghề đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc phục vụ sản xuất để tiết kiệm sức lao động, nhất là ở những khâu tốn nhiều thời gian, công sức như tuốt, chẻ nan…
Cùng với tiếp tục phát triển sản xuất, những năm gần đây, Ba Đông đã trở thành một trong những điểm du lịch văn hóa truyền thống của huyện Thanh Thủy để du khách tới thăm quan và trải nghiệm với nghề đan lát. Đây cũng là hướng đi mới giúp làng nghề đan lát Ba Đông tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề, tạo thêm thu nhập cho người dân. Đan lát vốn khó để làm giàu nhưng là nghề nuôi dưỡng bao thế hệ, do đó luôn được người Ba Đông duy trì, phát huy như một cách trân trọng nét đẹp truyền thống của cha ông để lại.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202001/net-dep-lang-dan-lat-ba-dong-168784