Nét đẹp lao động đời sống ngư dân qua tranh sơn dầu
Lan tỏa vẻ đẹp lao động, đặc biệt trong đời sống mưu sinh của người dân vùng biển, tranh Ngư dân của họa sĩ Phan Như Lâm sẽ được trưng bày tại triển lãm tranh 'Ánh sáng tình tôi'.
“Tác phẩm Ngư dân" của họa sĩ Phan Như Lâm thể hiện không khí nhộn nhịp khi tàu vừa cập bến. Sự hân hoan mà ngư dân có được khi đón nhận thành quả lao động sau nhiều ngày tháng miệt mài đầy gian khó trước sóng to gió lớn.
Niềm vui đó không chỉ hiện diện ở các ngư dân, mà còn được lan tỏa bởi những người mẹ, người vợ, bởi những đứa con, đứa cháu, bến thuyền, bãi cá đầy ắp, sẵn sàng cung ứng cho thương lái, người dùng.
"Ngày qua ngày, việc chờ cá về vốn là nhịp thở vốn có mà ngư dân vùng biển luôn mong ước, đón chờ, ở cả hiện tại và tương lai”, họa sĩ Trương Phi Đức, nguyên Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM nhận định về tác phẩm.
Nói về bức vẽ đặc biệt này, Phan Như Lâm cho biết, từ năm 2 của chương trình đại học, anh đã thích thú khi được tiếp cận thực tế vẽ ở biển Long Hải. “Người ngư dân chân chất, làn da rám cháy nhờ nắng biển cùng vị mặn muối. Tôi cũng là người lao động tay chân, yêu vẻ đẹp của sự lao động. Tôi cảm thấy rung động trước nét đẹp đơn giản đó”.
Ở triển lãm tranh “Ánh sáng tình tôi” diễn ra vào ngày 28/7/2024 tại Huyen Art House, Q.1, TP.HCM, tác phẩm Ngư dân (vẽ từ 2019-2024) với khổ tranh 150 x 500cm được giới thiệu đến công chúng.
Phan Như Lâm sinh ra ở vùng quê huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, trong một gia đình thuần nông.
“Xem Ánh sáng tình tôi, thấy Phan Như Lâm dành nhiều ánh sáng và sự tụng ca cho các nhân vật nữ, để rồi từ họ, nhận về những ánh sáng cho chính mình.
Phụ nữ trong tranh Phan Như Lâm trong trạng thái điềm nhiên, thụ hưởng cuộc sống, thụ hưởng tình yêu và hạnh phúc.
Nỗi buồn với họ, nếu có, cũng chỉ là nét buồn vương, buồn đài các, kiểu “Tâm tư tơ vướng vàng đôi sợi/ Gối nặng say hồn hương với hoa” (Phan Thanh Phước), vậy thôi.
"Tất nhiên, đây là một ước muốn lãng mạn của Phan Như Lâm, như một cách thi vị hóa đời thực hoặc tình yêu, vì vậy mà, đó cũng là một cách tự chữa lành”, Lý Đợi- giám tuyển của triển lãm, nhận xét.