Nét đẹp Lễ mừng cơm mới của người Thái Thường Xuân

Chuyện xưa kể rằng, trời đất ban tặng cho người Thái những ưu đãi về thiên nhiên, khí hậu, đất đai và lâm sản, cùng một cuộc sống ấm no, bản làng trù phú, những mùa màng bội thu. Để đáp lại những ưu ái của trời đất dành cho người Thái, theo thường lệ, cứ vào đầu tháng 10 âm lịch, sau khi đã thu hoạch xong mùa màng, đồng bào dân tộc Thái Thường Xuân lại hân hoan tổ chức Lễ mừng cơm mới.

Đồng bào Thái Thường Xuân chuẩn bị lễ vật cúng cơm mới.

Theo quan niệm của người Thái, Then là đấng cai quản đất trời, loài người và vạn vật. Để có một mùa vụ bội thu thì sự phù hộ của Then, của trời đất, tổ tiên là rất quan trọng. Vì vậy, sau khi thu hoạch lúa, các gia đình đều chọn ngày tốt làm lễ cúng cơm mới, với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất.

Lễ mừng cơm mới của người Thái Thường Xuân gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ cảm tạ các đấng thần linh, tổ tiên, những người đã có công khai phá, gây dựng bản mường; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ngày càng khấm khá. Phần hội diễn ra vui vẻ, phấn khởi, khẳng định được sự sáng tạo trong lao động, thông qua các trò chơi, trò diễn dân gian. Thông qua phần hội thể hiện được tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Sau một năm lao động vất vả, mọi người được hội tụ để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi cách làm ăn, sinh sống. Qua lễ hội, mọi mặc cảm hàng ngày được xóa đi, thay vào đó tình người gần gũi nhau hơn, đoàn kết hơn, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững.

Trong âm vang của tiếng chày giã gạo, tiếng lao xao chuyện trò của các con cháu, tiếng trống chiêng nổi lên một hồi. Cùng lúc đó, ông mo (thầy cúng, chủ lễ) cũng đi vào cùng con cháu, dân làng chuẩn bị cúng lễ. Lời của ông mo bắt đầu vang lên: “Ơi con trai, con gái bản ta, nhờ ơn thần linh và tổ tiên năm nay bản ta có một vụ mùa bội thu. Chúng ta hãy khỏe đôi chân, nhanh đôi tay chuẩn bị làm lúa mới mời các đấng thần linh, ông bà, tổ tiên về mừng cơm mới nào”.

Thế rồi ông mo tiếp lời: “Các con có biết không, người Thái chúng ta từ khi bắt đầu biết trồng khoai, trồng sắn trên nương thì tổ tiên ta luôn tin rằng có lực lượng siêu nhiên quyết định số phận của họ. Trên trời luôn có Then là đấng cai quản đất trời, loài người và vạn vật. Còn dưới đất có các thần linh, muốn mùa màng tươi tốt phải được sự phù hộ của Then, thần linh và của ông bà tổ tiên. Vì vậy, người Thái ta hàng năm cứ vào hai mùa lúa nương chín vàng ta lại tổ chức Lễ mừng cơm mới để nhớ ơn các đấng thần linh đã phù hộ, nhớ ơn ông bà tổ tiên đã vất vả trông coi suốt cả mùa vụ để con cháu giờ đây mùa màng tươi tốt”...

Sau khi mọi người mang lễ vật vào bên trong và chỉnh trang áo quần ngồi bên ông mo cùng làm lễ cúng dâng mời thần tinh, tổ tiên về mừng cơm mới, thì giọng ông mo (cúng bằng tiếng Thái và được dịch ra tiếng Kinh) cất lên:

Mo tôi thức gia tiên để dậy

Mo tôi gọi thổ công, thần linh đều về

Nghe mo tôi kể việc hôm nay

Hôm nay ngày lành tháng tốt

Con cháu dân làng ai cũng tới

Xắng lễ cơm mới đến mời các ngài

Xắng được lễ mo tôi mời tới

Ở mọi nơi để về họp mặt

Về đây ăn cơm uống rượu con cháu xắng

Lễ cơm mới xin được mời

Mời các ngài ăn uống no say

Gia tiên ăn lễ hôm nay

Thổ công thổ địa về đây ăn cùng

Cháu con mạnh khỏe vui mừng

Bản làng đoàn kết mùa màng bội thu

Nắng mưa đều đặn cho con cháu

Chuột bọ, chim chóc đuổi xa ra

Đừng có đến phá mùa màng con cháu

Lễ cơm mới tôi mời các thần linh thổ địa gia tiên cũng đã ăn xong

Mời các ngài về nơi an nghỉ!

Trong Lễ mừng cơm mới, đặc biệt là trong mâm cơm cúng của người Thái Thường Xuân, người dân ra con suối trong mát của bản mình bắt con cá to khỏe đem về làm lễ cúng tổ tiên; tuyệt đối chỉ cúng cá, không cúng gà mà cũng không cúng trâu. Bởi lẽ theo quan niệm của người Thái, chuyện xưa kể rằng: Từ thuở loài người và con vật đang còn hiểu tiếng nói của nhau. Tại gia đình đôi vợ chồng nghèo nọ có ông bố mới mất. Chủ nhà muốn làm lễ cơm mới để cúng bố nhưng trong nhà chẳng có thứ gì, chỉ có mỗi con gà mẹ đang nuôi một đàn con dưới gầm sàn. Đêm hôm ấy, người chồng bàn với vợ đành phải làm thịt gà mẹ để cúng bố. Nghe được lời bàn bạc của hai vợ chồng, gà mẹ ngậm ngùi nói với các con: “Ngày mai, chủ nhà sẽ làm thịt mẹ. Mẹ không còn sống để nuôi nấng, dạy bảo các con nữa. Mất mẹ, từ nay, anh em sẽ mồ côi nhưng càng phải yêu thương, đùm bọc nhau hơn nữa”. Vô tình, vợ chồng chủ nhà nghe được lời dặn dò của gà mẹ. Cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng, họ quyết định không giết thịt gà để cúng nữa. Từ đó trở đi, trong lễ cơm mới của người Thái, các gia đình không bao giờ cúng thịt gà nữa mà chỉ cúng cá bắt ở sông, ở suối và những sản vật của thiên nhiên ban tặng. Đó cũng là nét đẹp văn hóa mang đậm tính nhân văn của người Thái Thường Xuân.

Sau khi ông mo cúng xong, lễ vật đã dâng, thánh thần, tổ tiên đã chứng giám, thì dân làng bắt đầu tỏa ra vui hội. Lúc này tiếng trống, tiếng chiêng vang ngân núi rừng, trai, gái, già, trẻ không phân biệt nam nữ, lứa tuổi, họ cầm tay nhau bước theo nhịp trống chiêng, cùng nhau múa hát xung quanh cây bông (còn gọi là cây hoa), quanh đống lửa, chum rượu cần, dàn trống chiêng và cùng nhau nhảy điệu cá sa, điệu xòe...

Lúc này ông mo liền đi vòng quanh các trò diễn. Ông mo đến bên những cô gái đang gõ luống. Luống của người Thái được truyền từ đời này sang đời khác. Luống là công cụ để tinh chế lương thực, thực phẩm, ngoài ra nó còn là một loại nhạc cụ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Già trẻ, trai gái ai cũng đều biết chơi nhạc cụ này và nó còn là biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực, giao hòa giữa trời và đất. Nhạc cụ luống của người Thái gồm 12 điệu, được chơi trong những ngày vui, như hôm nay thì càng không thể thiếu điệu luống mừng cơm mới vào hội.

Ông mo đến bên dàn trống chiêng, những âm thanh như tưng bừng vang động cả núi rừng. Những âm thanh bay qua trăm ngọn núi, nghìn con suối, con sông; xua đi cái dữ, cái xấu, cho người già, trẻ nít bản trên, bản dưới mạnh khỏe, cho con trai, con gái sáng con mắt, khỏe đôi tay để làm nương làm rẫy, cho năm nào cũng mùa màng bội thu.

Ông mo lại đi vòng quanh cây bông, đối với người Thái Thường Xuân, múa cây bông được xem là linh hồn trong các lễ hội. Múa cây bông thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn của bà con với người có công trong khai hoang lập bản, chiến đấu bảo vệ dân bản. Những hình hoa văn, màu sắc, con vật trên cây bông đều thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát vọng chinh phục thế giới thiên nhiên của đồng bào Thái.

Lễ mừng cơm mới có ý nghĩa nhằm tôn vinh hạt thóc của trời đất ban cho bản mường, đồng thời cúng tế các vị thần linh như: Cúng trời đất, các thần sông, thần suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng, cúng hồn lúa và tổ tiên để cầu cho mưa thuận gió hòa, giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt, cầu mong sức khỏe cho mọi người, tạ ơn công ơn sinh thành của cha mẹ, mừng mùa màng bội thu... Đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, dòng họ, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản hướng về một cuộc sống đủ đầy, no ấm. Hội mùa không chỉ có nghi thức cúng lễ mà còn là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và cảnh vật. Lễ mừng cơm mới của người Thái Thường Xuân vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa mang tính nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc, và thể hiện được nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào nơi đây. Với ý nghĩa tốt đẹp như vậy, Lễ mừng cơm mới luôn được người Thái Thường Xuân coi trọng và giữ gìn, cứ thế tiếp nối từ đời này sang đời khác.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/net-dep-le-mung-com-moi-cua-nguoi-thai-thuong-xuan/130221.htm