Nét đẹp ngôi nhà cổ
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, vẻ mộc mạc, giản dị của ngôi nhà cổ là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt, là nơi để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum họp với nhau, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Hữu Tạc ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao (Phù Cừ) vẫn được bảo tồn và gìn giữ nguyên vẹn nét mộc mạc của lối kiến trúc xưa. Hiện nay, niên đại của ngôi nhà đã được hơn 110 năm tuổi. Đối với gia đình ông Tạc, căn nhà cổ là tài sản vô giá, niềm tự hào của nhiều thế hệ. Đường dẫn vào ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Tạc là một con ngõ nhỏ bình yên, căn nhà được bao quanh bằng một lớp cây xanh, lặng lẽ nép mình giữa những lớp nhà cao tầng san sát. Dù đã tồn tại hơn 1 thế kỷ nhưng căn nhà vẫn giữ được nét đẹp vốn có. Không cũ mòn và có dấu hiệu xuống cấp như một số ngôi nhà cổ khác, ngôi nhà còn khá chắc chắn, kết cấu nguyên vẹn, sắc nét. Ngôi nhà mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ cuối thời Nguyễn với lối kiến trúc lồng thuyền, nhà có 5 gian, 2 gian buồng cửa cột quân, 3 gian ngoài cửa cột cái, chạm trổ con chồng, đấu sen, lộn thềm, các cột, kèo, đầu trụ được trạm khắc tinh xảo, thể hiện sự tài hoa của người thợ xưa. Bên trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự cổ như: Ban thờ, sập thờ, ấm hương, đài nến và các hoành phi, câu đối… Mái nhà có lớp trên là ngói vảy cá, lớp dưới là ngói chiếu hình chữ thọ, thể hiện sự bền vững lâu dài. Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ lim, gian chính giữa là nơi để thờ tự, các gian còn lại là nơi sinh hoạt của gia đình.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Hữu Tạc ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao (Phù Cừ)
Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà cổ của gia đình ông Tạc còn có giá trị về mặt lịch sử. Ngôi nhà được khởi công năm 1912; trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi làm việc của Huyện đội Phù Cừ. Hằng năm, vào những dịp lễ, tết, ngôi nhà là nơi tụ họp con cháu trở về để tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, ôn lại truyền thống gia đình và tổ chức các hoạt động khuyến học trong dòng họ.
Ông Nguyễn Hữu Tạc cho biết: Tôi luôn xem ngôi nhà là một báu vật mà cha ông đã để lại và không chỉ mang ý nghĩa là mái ấm chở che cho các thế hệ trong gia đình khôn lớn, trưởng thành, mà còn là nơi để giáo dục các con cháu hiểu được những nét tinh tế trong kiến trúc nhà ở, nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của ông, cha. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi lần trở về ngôi nhà như được trở về với nguồn cội, hiểu được phần nào công lao, nỗ lực của người xưa...
Mỗi ngôi nhà cổ đều có nét độc đáo và cách bài trí riêng thể hiện sự tinh tế, phong phú trong cuộc sống của người xưa. Gia đình ông Phùng Thế Mạnh ở thôn Hải Yến, xã Hải Triều (Tiên Lữ) đang sở hữu 1 ngôi nhà hàng trăm năm tuổi. Là người phụ trách trông coi ngôi nhà, ông Mạnh cho biết: Đến nay, niên đại của ngôi nhà đã được 150 năm, nhiều thế hệ gia đình tôi đã ở và gìn giữ ngôi nhà để phần nào giữ được vẻ đẹp nguyên gốc cũng như các vật dụng bên trong ngôi nhà. Gia đình tôi quan niệm rằng, gìn giữ nếp nhà như gìn giữ gia phong. Hiện nay, mỗi thành viên trong gia đình tôi đều đã có cuộc sống riêng, ổn định nhưng nhà thờ họ vẫn là nơi chúng tôi trở về mỗi dịp lễ, Tết để cầu chúc sức khỏe, những điều may mắn đến với các thành viên trong gia đình, giáo dục con cháu biết trân quý và phát huy những gì cha ông đã xây đắp.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phùng Thế Mạnh ở thôn Hải Yến, xã Hải Triều (Tiên Lữ)
Nếp nhà trăm năm tuổi ẩn hiện trong từng chi tiết nhỏ, với thiết kế 5 gian, tường gạch, hệ thống cột, vì kèo, cửa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Gian nhà chính phân biệt với hiên bằng ngưỡng cửa gỗ cao khoảng 40cm. Các buồng thông nhau nhờ một cửa nhỏ. Gian chính của ngôi nhà là bàn thờ gia tiên và được trang trí thêm các bức hoành phi, câu đối... thể hiện phương châm sống của gia đình ông Mạnh qua nhiều thế hệ. Nếp sống sinh hoạt và phép tắc ứng xử luôn được ông Mạnh răn dạy, chỉ bảo con cháu. Có lẽ vì thế, thật dễ hiểu, khi hiện nay trong gia đình ông đang có 3 thế hệ cùng sinh sống hòa thuận trong ngôi nhà cổ được ông cha truyền lại.
Có thể coi những ngôi nhà cổ là một bảo tàng sống chứa đựng rất nhiều câu chuyện ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa làng quê, đồng thời, nhắc nhở thế hệ con cháu trân quý nếp nhà thuần Việt. Trải qua thời gian với bao thăng trầm lịch sử, những ngôi nhà Việt vẫn được các thế hệ gìn giữ cẩn trọng từ những nét chạm khắc, đến những viên ngói đã ngả màu thời gian. Vẻ đẹp cổ kính, hoài niệm đặc trưng của những ngôi nhà cổ vẫn được thế hệ hôm nay nâng niu, trân trọng và phát huy trong cuộc sống hiện đại, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202301/net-dep-ngoi-nha-co-e2011ed/