Nét đẹp Ok Om Bok

Lễ hội Ok Om Bok hay còn gọi cúng trăng diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Lễ hội Ok Om Bok xuất phát từ tục tạ ơn thần nước, cũng là dịp để đồng bào Khmer vui chơi sau những ngày lao động vất vả.

Lễ hội Ok Om Bok được đồng bào Khmer hưởng ứng với nhiều hoạt động sinh hoạt, thể thao, văn hóa và có sự tham gia của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Hòa thượng Danh Đổng - Ủy viên Thường trực Trung ương Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang cho biết, theo quan niệm của đồng bào Khmer, mặt trăng là vị thần bảo vệ mùa màng tươi tốt, mang đến ấm no, hạnh phúc cho mọi người, vì thế đồng bào Khmer tổ chức lễ cúng trăng nhằm tạ ơn thần mặt trăng bảo vệ mùa màng quanh năm, mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Mở màn buổi lễ là tiếng nhạc rộn ràng từ dàn ngũ âm trong không gian rộng, dưới ánh trăng sáng, làm cho buổi lễ trở nên ấm áp, thiêng liêng.

“Lễ hội Ok Om Bok là ngày hội của những người nông dân, góp phần khích lệ người nông dân siêng năng cày cấy, gieo trồng, nỗ lực mang đến mùa màng bội thu”, Hòa thượng Danh Đổng nói.

Sau nghi thức cúng trăng, đọc kinh cầu phúc là nghi thức đút cốm dẹp. Dưới ánh trăng, người cao tuổi trong ban nghi lễ sẽ đút từng miếng cốm cho trẻ em và người dân, kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bão và cuộc sống. Kết thúc nghi thức, mâm cúng được dọn xuống để mọi người thưởng thức các vật lễ đã cúng và xem trình diễn nhạc ngũ âm, múa hát.

Nghi thức hạ thủy ghe ngo của đội ghe ngo chùa Sóc Ven Mới, huyện Gò Quao (Kiên Giang) chuẩn bị cho ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh lần thứ XIV năm 2022 tại huyện Gò Quao.

Nghi thức hạ thủy ghe ngo của đội ghe ngo chùa Sóc Ven Mới, huyện Gò Quao (Kiên Giang) chuẩn bị cho ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh lần thứ XIV năm 2022 tại huyện Gò Quao.

Bà Thị Bé Hai, ngụ xã Định An, huyện Gò Quao (Kiên Giang) cho biết: “Ngoài tham gia cúng trăng tại chùa, năm nào gia đình tôi cũng tổ chức cúng trăng tại nhà. Mâm cúng trăng phải có cốm dẹp để tỏ lòng biết ơn vị thần mặt trăng. Sau đó, gia đình tôi quây quần bên nhau ước nguyện những điều tốt đẹp”.

Theo phong tục cổ truyền của đồng bào Khmer, sau khi lễ cúng trăng sẽ bắt đầu các hoạt động phần hội, trong đó có hoạt động đua ghe ngo. Ghe ngo là sản phẩm văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer, là biểu tượng của sự ấm no, sung túc, là hình ảnh đại diện cho mỗi phum, sóc, xã, huyện, vì thế giải đua ghe ngo diễn ra sôi nổi.

Theo đồng chí Lê Kim Khoa - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Quao, đây là năm thứ 14 ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Khmer tỉnh được tổ chức tại huyện Gò Quao.

Huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh chuẩn bị chu đáo nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ngày hội không chỉ có đồng bào Khmer tham gia mà còn thu hút sự tham gia của các dân tộc; qua đó tạo điều kiện cho các dân tộc, tôn giáo giao lưu, góp phần tăng cường tình đoàn kết, cùng phát triển.

Bài và ảnh: DANH THÀNH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//van-hoa-the-thao/net-dep-ok-om-bok-11349.html