Nét đẹp qua trang phục truyền thống

Sau gần 3 năm rong ruổi khắp các buôn làng trong tỉnh, mới đây, Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương-Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai) cùng các cộng sự đã hoàn tất đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và xuất bản cuốn sách 'Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Gia Lai'.

Cuốn sách “Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Gia Lai” là một trong các sản phẩm của công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương làm chủ nhiệm. Từ những chuyến đi cơ sở, được gặp gỡ và tiếp xúc với những phụ nữ Bahnar, Jrai cặm cụi bên khung dệt, tỉ mỉ sắp xếp từng sợi chỉ để tạo nên tấm thổ cẩm đầy màu sắc với đường nét hoa văn sắc sảo, đẹp mắt, chị nhận thấy mỗi hoa văn đều hết sức giàu tính biểu tượng, thể hiện nhân sinh quan độc đáo của mỗi tộc người. Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “Dựa vào kết quả của công trình nghiên cứu này, tôi và các thành viên chính tiếp tục thực hiện biên soạn, xuất bản cuốn sách: “Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Gia Lai” nhằm giới thiệu những nét khái quát về đời sống văn hóa-xã hội của các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt giới thiệu tỉ mỉ trang phục truyền thống và giá trị trang phục của 2 dân tộc thiểu số tại chỗ là người Bahnar và Jrai. Qua công trình này, chúng tôi muốn góp thêm tiếng nói khẳng định các giá trị vật thể và phi vật thể của trang phục truyền thống các dân tộc, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay gìn giữ, phát huy và biến thổ cẩm Gia Lai trở thành mặt hàng du lịch đặc trưng, giúp bà con phát triển được nghề dệt thủ công truyền thống, tạo thu nhập ổn định”.

Bìa sách “Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Gia Lai”. Ảnh: Phương Vi

Bìa sách “Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Gia Lai”. Ảnh: Phương Vi

Lời nói đầu cuốn sách khái quát: “Trang phục truyền thống là một trong những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, được xã hội quan tâm, trân trọng”. Trong công trình dày dặn 250 trang này, nhóm nghiên cứu đã phản ánh toàn diện các vấn đề liên quan đến trang phục của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Độc giả có thể dễ dàng nắm bắt thêm tri thức độc đáo về quá trình ra đời của trang phục, các bước từ quy trình xử lý nguyên liệu đến công cụ dệt và cách dệt, cách cắt, ráp một bộ trang phục truyền thống (váy, áo, khố) cùng các sản phẩm dệt khác như: tấm choàng, túi, địu… Tất cả các sản phẩm đều làm hoàn toàn thủ công. Nhóm tác giả dành nhiều dung lượng để so sánh, đối chiếu sự giống và khác nhau giữa trang phục cũng như lực lượng nghệ nhân của người Bahnar và Jrai. Không chỉ vậy, cuốn sách cũng dành 1 chương để phản ánh nét đẹp trong trang phục của cộng đồng các dân tộc nhập cư vào tỉnh như: Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao, Mông, Xơ Đăng. Từ các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề ra những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh, trong đó chú trọng vào các giải pháp “bảo tồn động”. Có thể thấy trang phục của các dân tộc vừa có giá trị vật chất, vừa mang giá trị phi vật thể về lịch sử, bản sắc, thẩm mỹ và cả tín ngưỡng, tâm linh. Đây là những nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị nhằm khẳng định sức sống mãnh liệt, bền bỉ của trang phục truyền thống các dân tộc.

Nhóm tác giả hệ thống bảng mẫu hoa văn trên trang phục của dân tộc Bahnar và Jrai được sưu tầm trong quá trình điền dã. (ảnh nhân vật cung cấp)

Nhóm tác giả hệ thống bảng mẫu hoa văn trên trang phục của dân tộc Bahnar và Jrai được sưu tầm trong quá trình điền dã. (ảnh nhân vật cung cấp)

Điểm nhấn quan trọng nhất của cuốn sách có lẽ ở hệ thống các họa tiết, hoa văn trên trang phục mà nhóm tác giả đã dày công sưu tầm, chụp ảnh, ghi chép và vẽ lại trong quá trình điền dã. Tất cả đều được chị em phụ nữ cách điệu từ những vật dụng, hiện tượng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như cây nêu, nhà rông, tổ nhện, bó lúa, cây chuối, người đánh cồng chiêng, múa xoang, giã gạo, hoa mai, con nhện, hạt gạo… Mỗi dân tộc lại sáng tạo nên những đường nét hoa văn trên váy áo khác nhau. Người đọc dễ dàng nhận diện cũng như hiểu được ý nghĩa về mặt biểu tượng, văn hóa, nhân sinh quan của cộng đồng các dân tộc. Ở cuối cuốn sách, nhóm tác giả đã hệ thống cụ thể, khoa học tên gọi và hình ảnh của hoa văn trên trang phục, trong đó tách biệt hoa văn tiêu biểu của người Jrai, Bahnar và hoa văn một số dân tộc khác như Thái, Tày, Dao.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung-Giảng viên cao cấp Trường Đại học Tây Nguyên: Sản phẩm là công trình nghiên cứu chuyên sâu về trang phục truyền thống của cộng đồng thiểu số ở Gia Lai từ góc nhìn nhân học, văn hóa, mô hình hóa, làm rõ một số đặc trưng, giá trị trang phục truyền thống đó; đóng góp tư liệu mới về biến đổi và nguyên nhân biến đổi bộ trang phục truyền thống của cộng đồng thiểu số ở Gia Lai, đưa ra mô hình và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị bộ trang phục truyền thống của các dân tộc tại tỉnh phù hợp với tình hình hiện nay. Qua đó, tác phẩm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn trang phục truyền thống và các bản sắc văn hóa tộc người.

PHƯƠNG VI

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/202203/net-dep-qua-trang-phuc-truyen-thong-5770257/