Nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Pa Kô
Dân tộc Pa Kô ở phía tây Quảng Trị có đời sống văn hóa rất đa dạng và phong phú. Mặc dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng bà con nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Lễ Hoàn ân thổ thần và nghề đánh bắt cá truyền thống bằng bẫy Pờ - ran là những nét đẹp được người Pa Kô gìn giữ và truyền từ đời này sang đời khác. Thông qua nét sinh hoạt độc đáo này, người Pa Kô muốn được gắn kết với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, qua đó thắt chặt hơn tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc mình.
Độc đáo bẫy Pờ-ran
Hằng năm, bắt đầu từ tháng Tư âm lịch trở đi, khi mực nước tại hồ Lìa, xã Lìa, huyện Hướng Hóa xuống thấp cũng là thời điểm người dân nơi đây nhộn nhịp rủ nhau đi đặt bẫy Pờ - ran để bắt tôm, cá. Từ xa xưa, người Pa Kô đã chọn nơi cư trú gần nguồn nước, dòng sông, con suối để thuận lợi cho việc sinh hoạt, khai hoang đất làm ruộng, nương rẫy và săn bắt cá, tôm. Ngày đó, chưa có sự hiện diện của lưới chài nên người Pa Kô đã chế tạo ra bẫy Pờ - ran từ chất liệu tre A La và dây rừng làm dụng cụ đánh bắt tôm, cá. Trước đây, việc dùng Pờ - ran để bắt cá chỉ được phép khi có sự đồng ý của già làng và cá bắt được sẽ dùng trong các lễ cúng bái thần sông, thần rừng, lễ cầu mưa, cầu mùa màng bội thu. Ngày nay, việc sử dụng Pờ - ran không đơn thuần để cải thiện bữa ăn hằng ngày mà còn gìn giữ nghề truyền thống, nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.
Để làm ra chiếc bẫy Pờ - ran, người dân phải vào rừng tìm loại tre A La và chọn đốn những cây to bằng bắp tay người lớn. Một chiếc bẫy Pờ - ran được đan từ 10 - 15 cây tre A La. Người thạo nghề mỗi ngày có thể làm từ 3 - 4 chiếc bẫy Pờ -ran, một chiếc đan khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ. Cái độc đáo của loại bẫy này là chỉ dùng tre và các loại dây rừng chứ không dùng đến thép buộc hay một loại kim khí nào.
Mỗi sản phẩm đan lát của người dân tộc Pa Kô đều mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa, sinh hoạt, sản xuất. “Bẫy Pờ - ran thường được người Pa Kô chúng tôi đan theo hai kích cỡ nhưng cùng một kiểu dáng, loại to dùng cho nhiều nhà sử dụng và loại nhỏ dùng cho số hộ ít hơn. Đối với người Pa Kô chúng tôi, nghề đan bẫy Pờ - ran không chỉ làm ra vật dụng để săn bắt cá, tôm mà còn là nghề đan lát lâu đời của đồng bào mình. Vì thế, việc làm bẫy Pờ - ran được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để thế hệ trẻ mai sau không quên nghề truyền thống của cha ông để lại”, anh Hồ Văn Minh (54 tuổi), thôn A Quan, xã Lìa, huyện Hướng Hóa chia sẻ.
Khi bẫy Pờ - ran được đan xong, một nhóm gồm 3-5 người làm chung, chủ yếu là đàn ông, trai tráng có sức khỏe tốt cùng nhau mang bẫy ra hồ Lìa, chọn vị trí thích hợp nhất để đặt. Nhóm nào đặt ít thì 1-2 bẫy, nhóm đặt nhiều từ 5-7 chiếc bẫy. Sau 4-5 ngày đặt bẫy, người dân tiến hành thu hoạch. Việc thu bẫy Pờ - ran thường được tiến hành vào giữa trưa, lúc trời nắng gắt, cá tôm đang tìm bóng râm để trú ngụ. Trung bình mỗi chiếc bẫy Pờ - ran sẽ thu được từ 15 - 20 con cá lớn, bé chủ yếu là cá lóc, cá mát, cá lấu, cá leo, tôm suối. Việc đặt và thu bẫy đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều người trong nhóm mới mang lại hiệu quả cao. Trong quá trình thu hoạch bẫy Pờ - ran, người dân chỉ bắt cá lớn, còn cá nhỏ được thả về với tự nhiên nhằm tái sinh nguồn thủy sản. Sau khi thu hoạch xong, người dân lại đặt những cành cây vào bẫy Pờ - ran rồi kéo bẫy ra đặt lại ở vị trí cũ, chờ từ 4 - 5 ngày sau mới thu hoạch lại. Từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra việc trộm cắp bẫy, cá tôm hay tranh giành, xâm phạm nơi đặt bẫy của nhau.
Việc dùng bẫy Pờ - ran để đánh bắt cá, tôm không chỉ mang tính phối hợp cộng đồng, giữ gìn nghề truyền thống mà còn thể hiện tình đoàn kết, tương thân tương ái của đồng bào Pa Kô nơi đây. Trong quan niệm tín ngưỡng của người Pa Kô, sông hồ, khe suối là do tạo hóa ban tặng, cá ở hồ này cũng do thiên nhiên ưu ái tặng cho người dân nên việc chung tay giữ gìn là điều hết sức quan trọng. Quan niệm, cách đánh bắt cá bằng phương thức thủ công này đã để lại bài học về cách mà người Pa Kô tồn tại, thích ứng với thiên nhiên và quá trình tái sinh, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Già làng Vỗ Tha (76 tuổi), ở thôn A Quan, xã Lìa, huyện Hướng Hóa cho biết: “Tôi không biết bẫy Pờ - ran có từ khi nào, nhưng từ thời cha ông của tôi đã thạo dùng loại bẫy này. Ngày ấy, mỗi chiếc bẫy Pờ - ran đặt xuống khe suối sau vài ngày là có rất nhiều cá, tôm vào trú ngụ. Dân làng đặt, thu bẫy rồi chia cá, tôm cho nhau ăn không xuể. Ngày nay, dẫu đời sống kinh tế của bà con đã được cải thiện rõ nét nhưng ở thôn A Quan, nghề Pờ - ran vẫn được lưu truyền để răn dạy cho thế hệ con cháu biết giữ gìn nghề truyền thống và bảo vệ môi trường, tái sinh nguồn thủy sản. Theo quy định của bản làng, những hình thức đánh bắt theo kiểu tận diệt như kích điện hoặc nổ mìn được coi là điều cấm kỵ. Người Pa Kô luôn tuân thủ quy định đó. Vì thế cá tôm ở hồ Lìa không bao giờ cạn kiệt”.
Lễ Hoàn ân thổ thần
Theo tiếng Pa Kô, thần thổ cư có tên là Kăr-tăng Kruông hay Kăl-năng Mương. Đây là vị thần bảo vệ, che chở sự sống của con người và có vị trí cao nhất trong việc làm hàng rào canh giữ, bảo vệ an toàn cuộc sống và mọi hoạt động của người dân. Vì lẽ đó, cứ 3 năm 1 lần (lễ nhỏ) và 10 năm 1 lần (lễ lớn) vào khoảng tháng 6 - 8 dương lịch, người Pa Kô lại chọn những ngày đẹp trời, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức lễ tạ ơn vị thần đã che chở, mang lại cuộc sống ấm no, sức khỏe, an toàn, hạnh phúc và tạo sự đoàn kết trong bản làng. Đây cũng là dịp để cầu an cho vạn vật đang sinh sống trên đất đai, núi rừng ở địa phương gặp nhiều điều tốt đẹp hơn.
Vỗ Vai, già làng ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt cho biết, Hoàn ân thổ thần là lễ hội lớn thứ hai của đồng bào Pa Kô (sau lễ hội Ariêu Piing), thường diễn ra 3 ngày 2 đêm, có 2 phần lễ chính đó là lễ Giải uế (traak) và Hoàn ân thổ thần, cầu an (tana klnăng mương). Lễ giải uế được tiến hành làm trước, lễ Hoàn ân thổ thần làm sau. Riêng phần lễ Hoàn ân thường được tổ chức tại miếu Mương - là miếu lớn nhất của đồng bào Pa Kô ở A Liêng - nơi điều hành của các thần thổ địa, thổ cư trong toàn khu vực. Theo quy định, tất cả mọi người dự lễ phải mang lễ phục hoặc áo quần mới. Phần lễ vật hoàn ân thổ thần và cầu an gồm 1 con trâu đực màu đen, to, có sừng đẹp và đều (vật hiến tế); 1 con lợn to; mỗi hộ dân dâng mâm lễ cúng với 1 con gà (nếu không có gà thì thay thế bằng 1 quả trứng) và 2 cặp bánh peng; mỗi họ phải có 1 tấm pa hun (tấm vải dùng để che mặt vật hiến tế trước khi hạ sinh) và huy động cả làng đem theo nnai rpoong (loại thổ cẩm dài vài chục mét liền dải, dùng quấn quanh cây cột lễ với ý nghĩa là tất cả các thành viên trong làng được ràng buộc thành một khối đại đoàn kết). Trước đó, người dân cùng nhau dựng giàn cúng bằng tre tại miếu của làng, dựng 1 cây nêu cột trâu tại nơi cúng, làm hàng rào xung quanh miếu; làm giả các loại tượng hình động vật và gia súc bằng gỗ, bằng tre, bằng cây chuối; làm giả các loại nhạc cụ truyền thống, 11 bộ trang phục và các đồ dùng gia đình; khắc hoặc vẽ tượng thần (thần Cu Tăng (thần quản thú), thần núi, thần đất, thần nước, thần ma quỷ); làm 11 cái bibõ (hình nhân được đan bằng lát); 1 chiếc thuyền giả, 1 giàn thờ cho thần Cu Tăng, 1 giàn thờ cho ma quỷ…Để ở lại trong thời gian diễn ra lễ, mỗi họ dựng chung 1 trại to, mang theo đồ ăn thức uống ngon chia sẻ cho nhau.
Sau khi làm lễ giải uế xua đuổi những gì không tốt đẹp mà người dân trong làng gặp phải xong, hội đồng già làng thông báo cho các thành viên của từng dòng họ chuẩn bị cho lễ Hoàn ân thổ thần và cầu an. Phần lễ này diễn ra vào ngày thứ 2. Nghi thức lễ như sau: Con trâu được cột sẵn ở cây nêu, chủ lễ đứng trước mũi con vật hiến sinh cúng gọi mời thần núi về chứng kiến lễ hội và đến nơi miếu đặt trầu cau, trình bày với thần núi Paling biết trước sự việc sẽ diễn ra trong lễ hội để được đưa trâu vào miếu cúng. Tất cả mọi người tập trung phát quang, dọn dẹp sạch sẽ khu vực miếu. Việc đón các vị thần về chứng kiến lễ diễn ra nghiêm túc. Trước hết, chủ lễ cùng với mâm lễ vật (gồm 1 con gà, bát nước, bát xôi, chai rượu, nồi đồng đựng nước nguội, lược chải đầu, cây kiếm, tấm nnai rpoong) ngồi ngoài cổng miếu gọi mời thần núi Paling (thần núi lớn nhất toàn vùng thuộc 4 xã A Bung, A Vao, A Ngo và Tà Rụt). Tất cả người dân trong làng đứng hai bên đường liên tục đánh cồng chiêng, hò reo vui mừng đón vị thần này. Sau khi mời được thần Paling, chủ lễ tiếp tục cúng mời thần Tăng Kin (thần che chở) vào miếu. Hai vị thần này gặp nhau tại miếu cúng, cùng tới cây nêu đã neo vật hiến sinh. Khi đã mời được các vị thần đến dự lễ, tất cả mọi người trong làng cùng nhau nhảy múa, ca hát suốt 1 ngày 1 đêm.
Những bài hát, điệu nhạc vui nhộn được người Pa Kô sử dụng trong thời gian giao lưu văn hóa, văn nghệ là kalơi (khi đứng múa) và azên (khi an tọa). Sau thời gian nhảy múa, ca hát vui vẻ, sáng hôm sau chủ lễ huy động tất cả hội đồng già làng của từng họ đến tập trung tại cây nêu neo trâu tế thần, mỗi họ mang theo lễ vật đã chuẩn bị sẵn trong a điên đặt xuống vào ngay cạnh cây nêu. Tiếp đó, chính thức làm lễ hạ sinh, báo ơn các vị thần. Sau lễ hạ sinh, toàn dân làng tập trung ăn uống, vui vẻ chuyện trò đến kết thúc lễ. “Hoạt động của lễ Hoàn ân thổ thần khá cầu kỳ. Trước khi tiến hành lễ hội, các già làng phải đến tận ranh giới tứ phương để bốc một nắm đất đem về, sau đó tiến hành nghi thức lễ rang đất chung trong một cái nồi để đảm bảo mọi thứ đều trong sạch mới tổ chức lễ đón các vị thần về dự. Đây là điều kiện rất quan trọng, góp phần làm cho lễ hội thành công”, già làng Vỗ Vai cho biết thêm.
Thông qua lễ Hoàn ân thổ thần, người Pa Kô muốn lưu giữ những hình ảnh, giá trị văn hóa trong đời sống tâm linh cho các thế hệ con cháu cũng như giới thiệu phong tục đặc trưng của dân tộc mình ra với thế giới bên ngoài.