Nét đẹp trong lễ cầu mùa của người Tày, Nùng ở Cao Bằng

Cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch, bà con người Tày, Nùng ở Cao Bằng lại náo nức tổ chức 'Lễ cầu Mùa' mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người trong bản có cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đây là phong tục mang đậm nét văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa đời sống tâm linh và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Trước khi vào mùa vụ mới, Bà Ma Thị Hảo, trưởng xóm Tri Phương, xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng tất bật cùng người dân trong xóm chuẩn bị cho "Lễ cầu mùa". Bà Hảo cho biết để tổ chức buổi lễ, bà con trong xóm sẽ họp bàn, phân công công việc cụ thể như: chọn ngày làm lễ, chuẩn bị lễ vật, tiến hành lễ cầu mùa. Thông thường lễ cầu mùa được bà con nơi đây tổ chức đúng vào phiên chợ nhằm "ngày con gà" của cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 âm lịch, với ý nghĩa tượng trưng cho sự chăm chỉ và luôn no đủ.

Trưởng bản làm lễ cúng tại miếu thổ công của xóm, xin thần linh phù hộ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc lúa trĩu hạt, nặng bông

Trưởng bản làm lễ cúng tại miếu thổ công của xóm, xin thần linh phù hộ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc lúa trĩu hạt, nặng bông

Bà Thảo nói: "Từ lâu xóm Tri Phương có truyền thống tổ chức lễ cầu mùa để cầu cho bà con làm ăn phát đạt mua màng bội thu. Bà con mỗi hộ đóng góp đi mua đồ lễ, thức ăn. Ngày hôm nay mỗi hộ gia đình đến 1 người, cả xóm thì có bốn mươi hộ đóng góp đầy đủ hết".

Vào ngày tổ chức nghi thức cầu mùa, nghi lễ được thực hiện vào buổi chiều tại miếu thổ công của xóm. Lễ cúng thổ công do Trưởng bản thực hiện, mâm lễ gồm có thủ lợn, thịt, xôi và rượu. Sau khi dâng hương và đặt lễ vật lên ban thờ, chủ tế sẽ làm lễ xin thần linh phù hộ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, thóc lúa trĩu hạt, nặng bông...

Chị Phan Thị Ánh, xóm Tri Phương, xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết: Phải có mưa thì mới xuống giống được nên cần thực hiện nghi thức cầu mùa thật trang trọng, đúng phong tục được truyền lại từ bao đời nay.

Lễ cầu mùa không chỉ là buổi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để bà con cùng ngồi với nhau trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Lễ cầu mùa không chỉ là buổi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng mà còn là dịp để bà con cùng ngồi với nhau trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Chị Ánh nói: “Chúng tôi ở đây mỗi năm chỉ cấy một vụ lúa thôi, còn vụ sau lại trồng ngô nên cả năm no đủ hay thiếu thốn đều phụ thuộc vào mùa vụ này. Vì vậy năm nào cũng phải làm lễ cầu mùa, trưởng xóm phải cúng khấn đầy đủ mới được. Cúng thổ công xong thì mọi người trong làng sẽ ngồi nói chuyện với nhau, cùng nhau ăn uống vui vẻ, hỏi han nhau làm ăn thế nào, vụ này trồng giống lúa gì cho năng suất, bàn kế hoạch đổi công đi cấy…”

Sau nghi thức cúng thổ công, Trưởng bản sẽ báo hiệu mọi người cùng dự bữa cơm cầu mùa. Nét truyền thống mà người dân xóm Tri Phương vẫn giữ được cho đến ngày nay chính là khi đến dự liên hoan, ai cũng tự mang theo bát, đũa và cùng nhau dọn dẹp khi buổi lễ kết thúc.

Anh Nông Tiến Dược ở xã Ngọc Động, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng vui vẻ nói: "Bà con trong xóm ai cũng háo hức chờ đến ngày này vì đây là dịp để gặp gỡ, học hỏi nhau làm thế nào để sản xuất vụ mùa hiệu quả, thu được nhiều thóc, đặc biệt là cùng nhau gìn giữ văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình nữa".

Lễ cầu mùa ở Cao Bằng được bà con gìn giữ và trở thành tín ngưỡng dân gian, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của đồng bào Tày, Nùng. Đây không chỉ là dịp để bà con gặp gỡ, quây quần trò chuyện bên mâm cơm ngày hội mà còn là dịp để trao đổi kinh nghiệm phòng tránh các dịch bệnh của cây lúa, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống lúa mới phù hợp với khí hậu vào sản xuất để có vụ mùa đạt năng suất cao nhất.

Nông Diệp - Phan Huế/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/net-dep-trong-le-cau-mua-cua-nguoi-tay-nung-o-cao-bang-post1102541.vov