KIM HUYÊN – KIM CHI
Người Dao Lù Gang ở Công Sơn quan niệm, mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu khi mặt trời còn chưa thức dậy. Vì vậy, đám cưới của người Dao Lù Gang đều được diễn ra vào ban đêm. Ngay từ 3 giờ sáng, khi cả bản làng còn đang chìm trong giấc ngủ, cô dâu đã phải thức dậy chuẩn bị trang phục để tiến hành các nghi lễ trước khi ra cửa
Một bộ trang phục truyền thống của người Dao Lù Gang gồm: quần, áo, dây lưng, dải yếm, mũ đội đầu và các đồ trang sức... Vào ngày cưới, cô dâu sẽ được các bà, các mẹ hỗ trợ mặc trang phục
Các nghi lễ trong đám cưới của người Dao rất độc đáo, mang nhiều nét riêng. Trước khi ra cửa, nhà gái sẽ làm lễ cầu bình an, xua đuổi tà ma để đoàn nhà gái đến nhà trai một cách an toàn
Không giống như đám cưới của những dân tộc khác, trong đám cưới của người Dao Lù Gang, chú rể không đến đón dâu mà sẽ cử một người đại diện và hai thanh niên chưa lập gia đình đến đón dâu. Đi cùng cô dâu có hai phụ dâu, một người đi trước và một người đi sau.
Khi cách nhà trai khoảng 100 m, đoàn nhà gái dừng lại để cô dâu mặc thêm trang phục, đeo các trang sức và chùm khăn đội đầu che kín mặt. Việc này sẽ được các bà do nhà trai giao nhiệm vụ đứng đón đoàn nhà gái thực hiện.
Phần lễ đón dâu được tổ chức long trọng nhất, có đội trống kèn và đông đảo họ hàng hai bên chứng kiến.
Trong khi đợi đến giờ làm lễ, cô dâu và hai phụ dâu sẽ được sắp xếp ngồi đợi ở ngoài cửa và không được tự ý di chuyển.
Trang phục của cô dâu và chú rể trong đám cưới của người Dao Lù Gang đều có rất nhiều lớp. Đặc biệt, theo phong tục của người Dao Lù Gang, chú rể và cô dâu đều phải che kín mặt, không được nhìn mặt nhau cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ lạy tạ tổ tiên, nhằm tránh nhiều điều xấu.
Chú rể và cô dâu bước vào chiếu hoa để thực hiện các nghi lễ. Lúc này, cả cô dâu và chú rể đều được hai người đứng đằng sau hỗ trợ. Hai người này được lựa chọn kỹ càng, phải là những người có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và có uy tín trong bản làng.
Thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ: kết hồn, tơ hồng, bái đường... (Trong ảnh, thầy cúng đang tiến hành lễ kết hồn với ý nghĩa kết hai linh hồn cô dâu chú rể với nhau, để cuộc sống sau này được hòa thuận, không chia lìa).
Một nghi lễ đặc biệt quan trọng trong lễ cưới là nghi lễ bái đường. Theo đó, chú rể sẽ phải thực hiện 24 lần vái trước bàn thờ tổ tiên
Thầy cúng thực hiện các nghi lễ xong, người thân hai nhà mang rượu ra, đong thành chén để trên một cái sàng gạo và thực hiện lễ uống rượu nhập tổ, tạ ơn bà con họ hàng đến giúp. Cùng với đó, cô dâu và chú rể sẽ uống chén rượu “hồi phúc” với thầy cúng để cảm ơn và mong muốn cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn
Trước đây, đám cưới người Dao với nhiều nghi thức có thể kéo dài ba ngày, ba đêm nhưng ngày nay đã được rút gọn trong một ngày. Trong đêm tối, mây mù bao phủ và tĩnh mịch của núi rừng Công Sơn, một mối nhân duyên tốt đẹp đã được kết nên với những lời chúc tốt đẹp của bà con chòm xóm và đặc biệt là những nghi lễ hết sức đặc sắc, mang nhiều ý nghĩa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.