Nét đẹp văn hóa đặc sắc ngày Xuân của đồng bào Tày - Nùng

Mỗi độ Xuân về, đồng bào các dân tộc Tày - Nùng sinh sống ở miền núi phía Bắc đều tổ chức Lễ hội Lồng tồng (tức lễ hội xuống đồng). Đây là lễ hội có từ lâu đời, là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của đồng bào, để bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên đã có công khai hoang, trồng cấy lúa nước, đồng thời, cũng là dịp để nhân dân cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi nhà an vui, hạnh phúc.

Tại Lễ hội Lồng tồng, sau lễ cúng, người dân cho trâu xuống ruộng cày những đường cày đầu tiên trong năm. Ảnh: Thanh Thuận

Tại Lễ hội Lồng tồng, sau lễ cúng, người dân cho trâu xuống ruộng cày những đường cày đầu tiên trong năm. Ảnh: Thanh Thuận

Trong cái rét ngọt và những màn mưa lây phây của năm mới, chúng tôi có mặt tại xã Lý Quốc (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) để tham dự Lễ hội Lồng tồng. Tại một khu đất rộng, bằng phẳng, nằm ở vị trí trung tâm của xã, rất đông người dân đã đổ về đây, niềm vui phơi phới lộ rõ trên từng gương mặt. Dường như cái rét ngọt khiến người đi hội gần lại nhau hơn trong nụ cười và tiếng nói xôn xao. Du khách khắp nơi cũng đến trẩy hội.

Chị Triệu Thị Vân (xóm Bang Trên, xã Lý Quốc) cho biết: “ Trước khi ra cánh đồng làng tổ chức Lễ hội Lồng tồng, người dân của hai bản Bang trên và Bang dưới cùng ra miếu Thổ công để dâng lễ lên Thành hoàng, thể hiện sự biết ơn đối với vị cai quản ruộng đồng, gia súc, gia cầm, mang lại may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống bình an, ấm no cho bà con”.

Đối với đồng bào Tày, Nùng, Lễ hội Lồng tồng là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Lễ hội gắn liền với nền nông nghiệp trồng lúa nước, được tổ chức đầu Xuân để gửi gắm những mong ước của con người về một năm mưa thuận gió hòa, cây cối luôn tốt tươi, đời sống người dân ngày một no ấm. Lễ hội này đã trở thành nét đẹp văn hóa, là điểm hẹn và sự mong đợi của đông đảo bà con mỗi dịp Xuân đến.

Cứ sau Tết Nguyên đán, tùy theo từng địa phương mà Lễ hội Lồng tồngđược tổ chức vào những thời gian khác nhau trong tháng Giêng. Lễ hội thường được tổ chức trên bãi cỏ rộng, hoặc khu đất bằng phẳng ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho việc đi lại, vui chơi của người dân. Ngày tổ chức lễ hội, ngay từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc đã đến rất đông để tham gia lễ hội. Các chàng trai, cô gái Tày - Nùng xúng xính trong những bộ áo chàm đen truyền thống, âm thanh tiếng trống, chiêng giục giã càng làm cho bầu không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Lễ hội Lồng tồng là một lễ hội mang đậm màu sắc dân gian, gồm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức cúng lễ do người chủ lễ (thường là thày tào, hoặc thày mo có uy tín, được dân làng tin tưởng) đọc các bài khấn và tạ ơn các vị thần Nông, thần Núi, thần Suối và Thành hoàng (vị thần bảo hộ cho dân làng)độ trì cho mưa thuận gió hòa, gia cầm sinh sôi, mùa màng tươi tốt, bản làng bình yên, no ấm...

Mâm lễ vật của bản được lựa chọn kĩ lưỡng, gồm những sản vật do bà con tự chăn nuôi, trồng, cấy được như: Thịt gà, thịt lợn, trứng luộc, hai cặp bánh chưng, một cặp bánh chưng Tày dài (giống bánh tét Nam bộ), các loại bánh dày, bánh khảo, chè lam... Trên mỗi mâm lễ đều có hai đôi quả còn được làm bằng vải sắc sặc sỡ cùng hạt giống các loại. Đặc biệt, trên mâm cỗ nhất thiết phải có thủ lợn.

Các mâm lễ của một số gia đình được chọn dâng cúng tại lễ hội được xếp thẳng hàng, người chủ lễ đứng trước mâm lễ của bản khấn tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản. Cùng lúc đó, dân bản thắp hương, rót rượu... Sau khi khấn tạ ơn xong, thày mo tiếp tục khấn cầu mưa, rồi lấy hạt giống từ các mâm lễ vãi ra xung quanh. Dân bản lấy hạt giống ấy trộn với hạt giống nhà mình chọn gieo cấy.

Sau đó, cánh đàn ông sẽ xuống ruộng thực hiện những đường cày đầu tiên trong năm mới, còn phụ nữ thì trổ tài thi cấy. Khi tất cả các nghi thức đã hoàn tất, dân làng cùng nhau phá cỗ, chúc tụng nhau khỏe mạnh, chăn nuôi, trồng trọt tốt, thóc lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân...

Phần lễ kết thúc, cũng là lúc diễn ra phần hội, được mở đầu bằng hội tung còn. Những quả còn gắn tua ngũ sắc được các nam thanh nữ tú thi ném lên vòng tròn trên ngọn cây nêu. Nếu quả còn xuyên thủng vòng tròn có nghĩa là âm - dương đã giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu. Do đó, ở Lễ hội Lồng tồng, việc ném còn trúng vòng tròn cũng là một nghi thức bắt buộc. Người ném trúng vòng tròn sẽ được thưởng một mâm cỗ đầy.

Phần chơi ném còn tại lễ hội. Ảnh: Thanh Thuận

Phần chơi ném còn tại lễ hội. Ảnh: Thanh Thuận

Có điều thú vị nữa là, trong phần tung còn, khi nam nữ bắt được quả còn của nhau đều coi như đã được ông trời se duyên. Vì lẽ đó, Lễ hội Lồng tồng cũng là dịp để trai gái tìm hiểu nhau và bén duyên vợ chồng. Đó cũng là lý do phần ném còn thu hút đông các nam thanh, nữ tú tham gia.

Sau hội tung còn là các trò chơi như đánh yến, đánh quay, bịt mắt bắt vịt... Khi trời tối cũng là lúc không khí lễ hội trở nên hấp dẫn hơn với lửa trại, hát cọi, hát sli, hát lượn thâu đêm của trai gái. Gái, trai sẽ chia làm hai phe hát: Hát sli, lượn là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ, thể hiện tục cầu mùa của người Tày-Nùng. Phần trò chơi được mong đợi nhất trong buổi tối chính là trò nhảy lửa của các chàng trai với những đôi chân trần nhảy trên than hồng bao năm qua vẫn là một bí ẩn của đồng bào...

Nghệ nhân người Tày Hoàng Thị An cho biết: “Lễ hội Lồng tồng của người Tày đã được bảo tồn, lưu truyền từ lâu đời. Hiện nay, lễ hội vẫn được chính quyền địa phương tổ chức vào tháng Giêng hàng năm. Đây là dịp để người dân địa phương, du khách gặp gỡ, giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết, tạo khí thế vui vẻ cho một mùa vụ mới”.

Không chỉ có ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong dịp Tết đến, Xuân về, Lễ hội Lồng tồng còn góp phần tô sắc cho bức tranh văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc thêm phong phú, đa dạng.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/net-dep-van-hoa-dac-sac-ngay-xuan-cua-dong-bao-tay-nung-post437351.html