Tôi 10 năm du lịch 'không nhà, không xe' cùng bạn trai

Năm 2014, tôi và bạn trai bắt đầu hành trình xê dịch. Sau 10 năm, 'gia tài' của chúng tôi là kỷ niệm tại khoảng 55 tỉnh thành Việt Nam và 8 quốc gia trên thế giới. Chuyến đi này đòi hỏi chúng tôi rất nhiều sự thấu hiểu và can đảm.

 Sau 10 năm, chúng tôi đi gần hết Việt Nam và 8 quốc gia trên thế giới. Càng ngày chúng tôi càng thấu hiểu và muốn đồng hành lâu dài cùng nhau.

Sau 10 năm, chúng tôi đi gần hết Việt Nam và 8 quốc gia trên thế giới. Càng ngày chúng tôi càng thấu hiểu và muốn đồng hành lâu dài cùng nhau.

Tôi là Lượng Thị Ánh Nguyệt (30 tuổi) - một người chuyên chấp bút cho câu chuyện của người khác. Cách đây 10 năm, hành trình đạp xe xuyên Việt mang đến cho tôi người bạn đồng hành đặc biệt, đó là Nguyễn Viên Thường (37 tuổi) - một họa sĩ thủy mặc với mái tóc dài như diễn viên phim TVB. Chúng tôi hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Năm 2014, tôi và bạn trai bắt đầu chở nhau đi khắp Việt Nam. Đến năm 2017, tôi quyết định nghỉ việc văn phòng, trở thành người du mục số (digital nomad). Mỗi năm, chúng tôi chạm chân đến một quốc gia, khám phá nét đẹp thiên nhiên và hòa vào cuộc sống đầy cảm hứng của người dân bản địa. Tính đến năm nay, chúng tôi ghi thêm 8 quốc gia vào gia tài du lịch.

Chuyển sang làm công việc không có lương cố định mỗi tháng là thử thách lớn với người sống an toàn như tôi. May mắn, tôi và bạn trai có cùng đam mê xê dịch, chí hướng cuộc sống và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.

Gặp gỡ

Quay ngược thời gian về 10 năm trước, khi tôi ở độ tuổi 20. Vào mùa hè, tôi đăng ký tham gia các câu lạc bộ đạp xe xuyên Việt, nhưng may mắn chưa mỉm cười. Đến phút chót, tôi đậu vào một câu lạc bộ miền Bắc và được chọn làm đội trưởng. Duyên số giữa tôi và bạn trai bắt đầu từ đây.

Nhờ làm đội trưởng, tôi được phép đọc qua form (biểu mẫu) đăng ký của 5 thành viên trong câu lạc bộ. Lý do tham gia đạp xe xuyên Việt của bạn trai khiến tôi ấn tượng mạnh.

Hành trình đạp xe năm 20 tuổi mang đến cho tôi một người bạn đồng hành bền vững.

Hành trình đạp xe năm 20 tuổi mang đến cho tôi một người bạn đồng hành bền vững.

Cuối tháng 6/2014, câu lạc bộ bắt tàu hỏa ra Hà Nội luyện tập thể lực. Lần đầu gặp gỡ, đập vào mắt tôi là một người có vẻ ngoài cao và ốm, mái tóc dài ngang lưng trông rất thư sinh. Thoạt đầu, tôi còn nghĩ bạn trai thuộc cộng đồng LBGT.

Trước đây, tôi đặt tiêu chuẩn bạn trai phải có vài điểm chung về sở thích, sẵn lòng cùng tôi chu du khắp nơi, nhưng mãi không tìm được nên đành thuận theo ý trời. Chính tôi cũng không ngờ hành trình đạp xe xuyên Việt đã mang 2 tâm hồn xê dịch xích lại gần nhau.

Quãng đường đạp xe dài 2.400 km, khởi hành từ Bắc vào Nam. Trong 33 ngày, tôi và bạn trai cùng vượt qua những con đèo đầy thách thức. Có ngày thong thả băng qua cung đường biển tuyệt đẹp, có ngày đạp xe đến kiệt sức nhưng vẫn động viên nhau bằng ánh mắt và nụ cười. Những điều tưởng chừng nhỏ bé này giúp tình cảm của chúng tôi tiến triển nhanh hơn.

Đến chặng Thanh Hóa - Nghệ An, anh bày tỏ tình cảm. Tôi chính thức có thêm một người bạn đồng hành, cùng làm dày quyển nhật ký du lịch.

Đồng hành

Giai đoạn 2014-2016, tôi vẫn còn ngồi bàn giấy với mức lương không quá nặng túi, còn anh chỉ là họa sĩ vô danh. Trên chiếc xe Sirius cà tàng, tôi và bạn trai đi dọc 55 tỉnh thành của Việt Nam, chạy 300-400 km mỗi ngày chỉ để xem Buôn Mê Thuột "tròn méo" thế nào, Huế trầm mặc ra sao. Cuối tuần, chúng tôi không đi Tiền Giang cũng đến Đồng Nai, Vũng Tàu.

Thay vì thuê khách sạn, tôi và bạn trai chọn ngủ ở quán cà phê võng ven đường và tự tìm niềm vui tại các điểm đến. Không cần nơi lưu trú tiện nghi hay trải nghiệm sang trọng bởi được đồng hành cùng nhau trên mọi cung đường đã là món quà đắt giá.

 Đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ, tôi lại thấy quê hương mình đẹp một cách kỳ lạ.

Đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ, tôi lại thấy quê hương mình đẹp một cách kỳ lạ.

Đi qua nhiều nơi, nhưng ấn tượng trong mắt chúng tôi lại là Khánh Hòa - quê hương của tôi. Trước đây, tôi thấy quê mình quá đỗi bình thường, chỉ có núi và biển. Từ khi tham gia hành trình đạp xe, ngắm nhìn những vùng đất qua nhiều lăng kính, tôi nhận ra quê mình rất đẹp, đến ánh hoàng hôn cũng lấp lánh. Đó là động lực để tôi lập ra chương trình "Mùa hè lấp lánh", mời bạn bè tứ phương về Khánh Hòa, giới thiệu vẻ đẹp nơi tôi sinh ra và trải nghiệm các hoạt động bản địa.

Đi cùng nhau một hành trình dài khi vừa mới yêu, tôi và bạn trai đều can đảm. Chúng tôi trái tính trái nết, chưa thật sự hiểu nhau. Anh thích tra Google Maps, tôi thích hỏi người địa phương, khi lạc đường lại nổ ra những cuộc tranh luận. Anh muốn chở tôi, còn tôi lại thích cầm lái vì cá tính mạnh mẽ. Điều này làm mối quan hệ có chút cứng nhắc.

Trong một lần từ Bình Phước về TP.HCM vào giữa khuya, tôi và bạn trai băng qua đoạn đường dài 90 km. Bầu trời tối đen như mực, xung quanh không có điện, không bóng người, thứ duy nhất dẫn đường chúng tôi là đèn pha của xe máy. Cả hai đều run rẩy, nhưng vẫn cố trấn an nhau bằng những câu chuyện hài hước.

Về đến nhà, chúng tôi mới tâm sự về nỗi sợ hãi vừa trải qua. Trong 2 năm đi khắp Việt Nam, những trải nghiệm "dạy" cho chúng tôi cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, cách mở lòng chia sẻ và dung hòa với đối phương.

Pakistan là quốc gia gỡ bỏ định kiến của chúng tôi về một số vùng đất.

Pakistan là quốc gia gỡ bỏ định kiến của chúng tôi về một số vùng đất.

Năm 2017, tôi rời ghế văn phòng, bước chân vào cuộc sống "không nhà, không xe" như tôi hằng mơ ước. Công việc của anh cũng khởi sắc hơn, chúng tôi lên kế hoạch du lịch nước ngoài khi đủ tiềm lực tài chính và thời gian.

Tính đến năm nay, tôi và bạn trai chạm chân đến 8 quốc gia, gồm Campuchia, Mông Cổ, Pakistan, Trung Quốc, Malaysia, Kygryzstan, Kazakhstan và Uzbekistan. Trong đó, Pakistan là quốc gia khiến cả hai mở rộng tầm nhìn.

Chúng tôi đi với tâm thế 3 phần cởi mở, 7 phần phòng bị. Trong đầu ngập tràn tin tức về hồi giáo cực đoan, mùi thuốc súng và những cuộc tranh chấp không hồi kết. Thú thật, định kiến được hình thành nhiều năm khó lòng phá vỡ. Thế nhưng, Pakistan chào đón chúng tôi bằng không khí hân hoan của thánh lễ rửa tội lỗi Ramadan.

Người dân thân thiện và câu cửa miệng luôn là "You’re my guest" (bạn là khách của chúng tôi). Đời sống có thể thiếu thốn về vật chất nhưng giàu có về tình cảm. Họ mời chúng tôi vào nhà, mang thức ăn ra tiếp đãi. Đơn giản là vốc hạt hạnh nhân hay những quả táo mùa hè đào lên từ vại đất cũ, nhưng với họ lại rất quý giá.

Cảnh sắc Pakistan dịu lành, nhiều dãy núi tuyết bao quanh. Vùng chúng tôi đến có thung lũng hoa mơ, mận, đào và hồ cá. Dù hoang sơ, người dân vẫn có cách sinh tồn, khó khăn được họ đổi bằng những tràng cười sảng khoái.

Đi kèm với niềm vui là không ít khó khăn. Đặt chân đến mỗi quốc gia, tôi và bạn trai chủ yếu dùng ngôn ngữ cơ thể, việc diễn đạt không còn trọn vẹn. Chúng tôi làm nghề tự do, việc visa cũng khá gian truân. Trên chuyến xe buýt dài 12 tiếng qua Kygryzstan, Kazakhstan và Uzbekistan, chúng tôi gặp trục trặc về thủ tục, phải chờ đến đổ bệnh mới được phép thông hành. Với chúng tôi, khó khăn này xem như một trải nghiệm đặc biệt, mang lại bài học về sự cảm thông và che chở.

Biết đủ

Càng đi nhiều, tôi và bạn trai càng "nghèo túng". Không phải bởi du lịch tốn kém, vé máy bay đắt đỏ hay những trải nghiệm ngoài tầm với. Tự quán chiếu vào đời sống của những người bản địa từng gặp, chúng tôi chưa đủ "giàu".

Cá nhân tôi là tuýp người tham công tiếc việc, không bao giờ biết đủ. Quan niệm này đập tan khi chúng tôi đến Mông Cổ. Người dân nơi đây vẫn giữ lối sống du mục của cha ông để lại từ trăm nghìn năm trước. Cứ vài tháng, những chiếc lều ger lại được dịch chuyển vào rừng sâu theo dấu chân của đàn tuần lộc.

Người Mông Cổ lặp lại các hoạt động quen thuộc mỗi ngày, nhưng họ vẫn vui vì được tận hưởng thiên nhiên nơi mình sống và sum vầy cùng con cái.

Người Mông Cổ lặp lại các hoạt động quen thuộc mỗi ngày, nhưng họ vẫn vui vì được tận hưởng thiên nhiên nơi mình sống và sum vầy cùng con cái.

Mỗi ngày, họ chơi bóng chuyền, hái lá trà nấu cùng sữa và làm bánh mì theo cách thô sơ, sau đó chậm rãi thưởng thức bữa ăn cùng con cái. Từng này hoạt động lặp lại nhiều năm nhiều tháng vẫn không chán. Khi chúng tôi ngỏ ý mua sừng tuần lộc chế tác, họ mang ra họp chợ và giữ số tiền chúng tôi trả như vật kỷ niệm. Với họ, việc tận hưởng cuộc sống, thếch đãi niềm vui vượt qua nhu cầu kiếm tiền.

Nhiều người hỏi: "Không nhà, không xe, không kết hôn, liệu có cảm thấy an tâm?". Câu trả lời là "có". Chúng tôi ở nhà trọ nhỏ, chạy xe máy cũ kĩ và dành dụm tiền để dắt nhau đi du lịch, miễn là vui. Chúng tôi không ràng buộc bản thân phải sống lang bạt cả đời, cứ thuận theo tự nhiên.

Đồng hành 10 năm, cả hai đều bớt đi cái tôi. Anh điềm tĩnh, dần cởi mở, tôi cư xử mềm mại và nữ tính hơn. Chúng tôi không cần nói cũng hiểu, nhưng chọn dừng lại ở mức tri kỷ. Sự bầu bạn tốt nhất là anh ở đây và tôi cũng ở đây, âm thầm đồng hành qua mọi cung đường du lịch và khích lệ nhau trong cuộc sống. Chúng tôi đều quan niệm rằng sống hạnh phúc, sống hết ngày đã được tính là bình tâm, đủ đầy.

Trúc Hồ (ghi)

Ảnh: Nguyệt Digi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-10-nam-du-lich-khong-nha-khong-xe-cung-ban-trai-post1484897.html