Nét đẹp văn hóa Trung thu xưa và nay

Ngay cả trong thời đại xã hội số, nét đẹp văn hóa Trung thu vẫn được gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị.

Nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chú trọng tổ chức vui Tết Trung thu truyền thống cho thiếu nhi. Ảnh: ĐTN

Nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chú trọng tổ chức vui Tết Trung thu truyền thống cho thiếu nhi. Ảnh: ĐTN

Thiêng liêng, đậm nét văn hóa và lòng người hào hứng. Tết Trung thu xưa và nay luôn mang lại sự háo hức, phấn chấn. Từ nông thôn đến thị thành, nam - phụ, lão - ấu vui thú với sự bận rộn chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, rồi hoan hỷ phá cỗ dưới ánh trăng trong lành. Ông, bà, cha, mẹ động viên con, cháu học hành chăm ngoan, biết hiếu kính, gìn giữ gia đạo.

Nhiều trẻ ngộ nghĩnh hỏi người lớn: Trăng của ngày xưa có to, tròn và sáng hơn ngày nay không? Biết nói như thế nào vì người lớn hay sống bằng ký ức. Ví như việc trồng cấy cũng nhìn trăng mà đoán định kết quả sản xuất của một năm: “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”; rồi: “Tỏ trăng mười bốn được tằm, đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”.

Bằng kinh nghiệm, thấy ánh trăng Trung thu trong sáng thì lòng người phấn chấn, tin rằng có một năm bình yên, mùa màng tươi tốt. Cũng vì thế mà trong lúc trông trăng rằm giữa độ Thu, thấy có đám mây đen kéo qua vùi trăng vào mảng màu xám, tối, đó là một sự kinh hoàng. Các cụ bảo “gấu ăn trăng”, liền hò nhau mang thúng, mẹt, mâm… ra gõ đuổi "gấu" để ánh trăng trong sáng trở lại.

Đó là chuyện của ngày xưa. Nay “ánh điện thay sao trời”, nhiều người, phần lớn trẻ nhỏ không biết ánh trăng Thu trong sáng giữa trời vì mê mải với ánh đèn Trung thu cỡ lớn. Với các cụ giàu kinh nghiệm cũng không phải “trông trời, trông đất, trông mây” để tính việc trồng cấy, bởi con người đã làm chủ khoa học, làm chủ thiên nhiên và mỗi ngày đã có chương trình dự báo thời tiết trên Đài Truyền hình Việt Nam, trên các phần mềm ứng dụng số.

Mâm cỗ Trung thu truyền thống được "làm mới" để thu hút trẻ nhỏ. Ảnh: ĐTN

Mâm cỗ Trung thu truyền thống được "làm mới" để thu hút trẻ nhỏ. Ảnh: ĐTN

Thực tế minh chứng: Xã hội càng hiện đại, đời sống nhân dân càng no đủ thì nét đẹp văn hóa Trung thu càng được tôn vinh. Minh chứng ở tỉnh Tuyên Quang có Lễ hội thành Tuyên. Ở Thái Nguyên, Trung thu năm 2023, các địa phương cấp huyện bắt đầu tổ chức đêm hội trăng rằm. Trước đây, hoạt động này chỉ dừng ở cấp xã, phường.

Với tinh thần mang lại niềm vui cho con trẻ, Tết Trung thu được các địa phương tổ chức theo đúng phong tục truyền thống. Không thương mại hóa và đảm bảo an toàn, tiết kiệm qua các hoạt động thi làm đèn Trung thu, thi trưng bày mâm quả và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Một văn hóa độc đáo dễ nhận diện là mâm cỗ Trung thu xưa và nay đều là… cỗ chay. Phụ nữ không chỉ “khoe” mình có đôi bàn tay khéo léo thông qua việc cắt tỉa con vật bằng các loại hoa quả và làm bánh, mà còn dạy cho con gái về “nữ công gia chánh”. Đàn ông làm đèn ông sao, đầu sư tử, trống bỏi, cũng đồng thời dạy cho trẻ em nam kỹ năng thích ứng với cuộc sống... Vì bận rộn nên nhiều bố mẹ không tự tay làm, mà đặt “síp đồ” Trung thu. Đó cũng là một nét văn hóa trong thời xã hội công nghệ.

Đêm hôm rằm, nhiều xóm, tổ dân phố cũng nhân đó tổ chức gặp mặt các cháu thiếu niên, nhi đồng để tổng kết kỳ sinh hoạt hè. Hội Khuyến học tặng quà, trao học bổng, động viên các cháu tự tin bước vào năm học mới. Các anh chị đoàn viên, thanh niên tổ chức cho thiếu nhi vui Tết Trung thu, kể tích truyện chị Hằng Nga, chú Cuội, múa sư tử, giải đố có thưởng và đưa các em nhỏ “rồng rắn lên mây” rước đèn qua một số tuyến đường...

Màn múa lân sư rồng - một trò hội quen thuộc trong dịp Tết Trung thu.

Màn múa lân sư rồng - một trò hội quen thuộc trong dịp Tết Trung thu.

Xưa, các gia đình quây quần bên mâm cỗ giữa sân nhà. Vừa phá cỗ, vừa trông trăng và kể chuyện cổ tích. Nay, không phải gia đình nào cũng có điều kiện trải chiếu giữa sân nhà để trông trăng, phá cỗ. Nhất là ở các khu dân cư tập trung, ở “nhà ống”, quen với sử dụng dịch vụ nên họ chọn cách đoàn tụ vui vẻ quanh bàn ăn trong nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Ngắm trăng trên màn hình, chia sẻ cỗ Trung thu với bạn bè qua mạng xã hội và nói chuyện Trung thu của nhiều năm trước. Đó cũng là một cách hưởng thụ hạnh phúc có văn hóa.

Trên dòng chảy thời gian, Tết Trung thu như một bến đậu vô hình níu lại bao câu chuyện mang nét đẹp văn hóa tinh thần. Hoặc như một cuốn nhật ký của mẹ tạo hóa lặng lẽ chép dày lên những lễ hội Trung thu. Những dòng nhật ký được xoay quanh chủ đề về ẩm thực và đồ chơi dành cho con trẻ. Song đó là sự minh chứng cho một đất nước đang trên đà phát triển, hội nhập.

Đã trải hàng ngàn đời trên dòng chảy sử xanh, Trung thu vẫn sáng ánh trăng rằm, tròn vành vạnh một nét đẹp trẻ trung thương mến. Cho dù đèn điện thay ánh sao trời, thì Tết Trung thu vẫn háo hức từ lòng người, luôn là dịp để con cháu thể hiện sự hiếu kính với ông bà, cha mẹ; đồng thời nhắc nhớ các bậc sinh thành dù bận rộn đến mấy cũng không thể xao nhãng trách nhiệm với con trẻ...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202309/net-dep-van-hoa-trung-thu-xua-va-nay-b604d40/