Nét đẹp vĩnh cửu

Mùa xuân. Mùa khởi đầu của một năm. Mùa cây lá lên xanh, nẩy lộc, đâm chồi. Mùa ngàn hoa khoe màu và hương sắc.

Mùa của tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc và thắp sáng những ước mơ, khát vọng của con người... mà nghệ thuật trong dòng chảy của cuộc sống, bao giờ cũng là một nét đẹp vĩnh cửu của mùa xuân... Và năm nay, đất nước Việt Nam đã bước vào Tết Nguyên đán cổ truyền Canh Tý 2020...

Vòm trời xiếc mùa xuân...

Chợt nhớ lại theo dòng thời gian, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, các làng quê Việt Nam lại tưng bừng đón chào năm mới, vui ngày mở hội gieo cấy tháng Giêng. Với các trò chơi dân gian như: đấu vật, chơi ô ăn quan, chọi gà, cờ lúa ngô, cờ tu hú, thả diều, đánh quay, chơi chuyền, mèo đuổi chuột, đánh đu, rồng rắn lên mây, cờ người, pháo đất, chọi gà, thổi cơm thi, đua thuyền, nu na nu nống, bịt mắt bắt dê, chọi trâu, xỉa cá mè, dung dăng dung dẻ, ném phi tiêu, múa rối cạn, rối nước... với các gánh hát tuồng, gánh hát chèo rực rỡ trong trang phục biểu diễn và những tiếng đàn, nhịp sênh, phách và tiếng hát, lời ca ngọt ngào mê đắm lòng người... Nhưng có một loại hình nghệ thuật không thể thiếu được trong những ngày hội xuân đó, chính là những gánh xiếc rong, với các tiết mục hấp dẫn, cuốn hút, nhất là với lũ trẻ, như nhào lộn, đi dây thép, uốn dẻo, phi dao găm, ảo thuật, uống rượu phun lửa... rồi khỉ, chó diễn bập bênh, đi xe đạp cùng anh hề... Trải qua không biết bao nhiêu năm tháng, thời gian, những gánh xiếc rong ngày xưa ấy, đã hình thành nên những đoàn xiếc lớn, chuyên nghiệp, mà điển hình nhất là Đoàn xiếc Tạ Duy Hiển nổi tiếng khắp cả trong Nam, ngoài Bắc; và đó cũng chính là nhưng viên gạch đầu tiên xây nền móng cho nghệ thuật xiếc Việt Nam... Nghệ nhân Tạ Duy Hiển (1889 - 1967) là một nhà dạy thú, ông được xem là người sang lập ngành xiếc Việt Nam hiện đại, và đã được Nhà nước truy tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt I, năm 1984...

“Chợ hoa Tết” - tranh của danh họa Bùi Xuân Phái.

“Chợ hoa Tết” - tranh của danh họa Bùi Xuân Phái.

Nói đến nghệ thuật xiếc là nói đến sự khéo léo tuyệt vời và lòng dũng cảm. Nói đến xiếc là nói đến sự hấp dẫn kỳ lạ đầy biến ảo. Nói đến xiếc là nói đến sức mạnh, niềm tin và lòng điềm tĩnh một cách lạ lùng. Nói đến xiếc là cả sự ly kỳ, có khi rùng rợn đầy nguy hiểm, có lúc đánh đổi cả tính mạng của người nghệ sĩ. Nói đến xiếc là nói đến những tiếng cười hài hước đầy sướng vui, sảng khoái sâu lắng, chua cay và cả những ước mơ, khát vọng cháy bỏng luôn bay tới của con người. Xiếc là cái đẹp hoàn chỉnh mang tính thẩm mỹ cao, mà từ khi loài người sáng tạo ra nó đến nay, vượt qua mọi thời gian, mọi không gian cũng như qua nhiều giai đoạn lịch sử, luôn được con người say mê và không ngừng giữ gìn, phát triển, mà trong đó, một loại hình nghệ thuật gắn bó với xiếc và góp phần hoàn chỉnh cái đẹp của nó là nghệ thuật tạo hình. Với đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc của thiết kế mỹ thuật, phục trang và đạo cụ, ánh sáng góp phần tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh của nghệ thuật xiếc.

Khác với các loại hình nghệ thuật sân khấu như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca, kịch nói và múa rối... xiếc không phải là một vở diễn suốt trên dưới hai tiếng đồng hồ với kịch bản, đạo diễn, với các nhân vật của dân gian, truyền thống, lịch sử, cận đại hay đương đại. Tiết mục xiếc là sự sáng tạo và biểu diễn riêng biệt của mỗi nghệ sĩ. Vì vậy, sân khấu xiếc không có màn, lớp, chương, hồi, không có phông phi, cánh gà, trang trí từng cảnh và cái quan trọng nhất là nghệ thuật xiếc không phải diễn trong không gian của sân khấu hộp kín ba mặt mà là sân khấu tròn, cả bốn hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) đều có khán giả ngồi từ thấp lên cao. Ở giữa sân khấu tròn với đường kính cả chục mét ấy là một tấm thảm, và trên vòm cao hàng chục mét của rạp bạt với ánh sáng muôn màu rực rỡ... người nghệ sĩ xiếc đã sáng tạo nên những tiết mục ngợi ca lòng dũng cảm và vẻ đẹp bất tử của con người...

Vâng. Một mùa xuân đã về. Chúng ta tin rằng, các nghệ sĩ xiếc với tiết mục “đu bay” cuốn hút, sẽ lại bay lên cao hơn nữa, trên vòm trời xiếc mùa xuân đất Việt...

100 mùa xuân - Danh họa Bùi Xuân Phái

Vào mùa xuân Canh Tý 2020, Danh họa Bùi Xuân Phái vừa tròn 100 năm sinh (1920-2020). Qua đời ngày 24/6/1988, năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Cũng vào dịp Đại lễ Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội 2010; Hội đồng Nhân dân thành phố đã quyết định đặt tên phố Bùi Xuân Phái tại khu đô thị mới Mỹ Đình; để vinh danh ông - một nghệ sĩ tài hoa với tình yêu Hà Nội, đã gắn bó cả sự nghiệp sáng tạo hội họa của mình với Thủ đô yêu quý...

Có những buổi tối giao thời từ cuối mùa đông nắng vàng óng ả đang chuyển dần sang đầu năm mới với mùa xuân ấm áp, thả bộ thong dong qua một góc phố cổ của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bất chợt, nghe một tiếng đàn piano từ một ô cửa sổ xa lạ sáng đèn, khẽ khàng dừng lại và ngước nhìn, chợt thấy vài ba bức tranh treo thấp thoáng... ta bỗng thấy thanh thản đến lạ lùng, bởi không khí của mùa xuân như làm cho mình trong sạch hơn lên, đánh thức dậy không biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ đã đi qua của một thời trai trẻ... Và rồi, tự nhiên tưởng nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái - nhớ căn nhà số 87 phố Thuốc Bắc - mà đầu những năm 70 của thế kỷ trước; mấy anh em nghệ sĩ trẻ chúng tôi vẫn thường quây quần tụ hội, tri âm, tri kỷ với ông để vẽ, để học hỏi về nghề mà những lời trò chuyện tâm tình cởi mở của Bùi Xuân Phái luôn làm cháy bùng lên cảm giác hoài niệm về tuổi thơ. Về những bông cúc vàng rực mùa thu. Những dạt dào sóng biển trắng xóa của mùa hè. Những dãy cây cơm nguội chọc trời cao im xé. Những cây bàng khẳng khiu thay lá đỏ vào đông và mùa hoa sữa tỏa ngát hương đêm. Những nhành hoa lan, hoa đào, hoa mai đón nàng xuân đến qua sông Hồng tràn về 5 cửa ô; cũng như gọi dậy trong ta những mơ ước, khát vọng tốt đẹp của con người... từ những bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ những góc phố cổ Hà Nội mùa xuân.

Chợt nhớ trước Tết cổ truyền năm 1996 - 8 năm sau khi Bùi Xuân Phái qua đời - tại TP. Hồ Chí Minh, đúng vào khoảng chuyển giữa hai mùa, nghe mùa mưa khép lại và mở mùa khô gay gắt nắng. Một chiều chợt mưa chợt tạnh như thế, ngồi góc đường Lê Quý Đôn cùng dăm bảy anh em văn nghệ, trong nhiều câu chuyện xoay quanh Sài Gòn, Hà Nội; bất chợt, có người nhắc đến họa sĩ Bùi Xuân Phái. Và rồi, những kỷ niệm đã qua lại hiện về trong ký ức, về những buổi “trà dư tửu hậu” vui xuân với anh em nghệ sĩ trẻ. Những lúc đó, Bùi Xuân Phái tâm sự về nghề, về hội họa, về các chất liệu bột màu, sơn dầu, chì than, phấn màu... về ký họa chân dung, phong cảnh, tĩnh vật... về thiết kế mỹ thuật sân khấu, về nghệ thuật trang trí chèo dân gian và minh họa sách báo... Nhưng bao giờ ông cũng hay nói về vẻ đẹp của phố cổ Hà thành, nơi ông đã gắn bó máu thịt suốt cả một đời cầm bút vẽ. Bởi thế, anh em trong giới mỹ thuật và công chúng yêu hội họa Việt Nam, vẫn hay dùng cụm từ Phái - Phố hay Phố - Phái khi nói về ông...

Năm nay, bước vào mùa xuân thứ 100 kỷ niệm năm sinh Danh họa Bùi Xuân Phái, với riêng tôi, nghĩ về một số bức tranh về mùa xuân của ông, ngoài bảng màu ghi ghi, nâu nâu, xám xám trầm buồn và những vạch sáng trắng; tôi còn rất đam mê dăm ba nét chấm phá và những đốm màu da cam, những khoảng màu xanh non, xanh lục rất đỗi tài hoa; đã làm nên một ấn tượng lớn về Bùi Xuân Phái! Và trong lòng mỗi người Hà Nội, khi đi xa và bất chợt nhớ về quê hương, những sắc màu phố cổ mùa xuân của ông, luôn mang về những hoài niệm thật là đẹp đẽ...

Nói đến nghệ thuật xiếc là nói đến sự khéo léo tuyệt vời và lòng dũng cảm. Nói đến xiếc là nói đến sự hấp dẫn kỳ lạ đầy biến ảo. Nói đến xiếc là nói đến sức mạnh, niềm tin và lòng điềm tĩnh một cách lạ lùng. Nói đến xiếc là cả sự ly kỳ, có khi rùng rợn đầy nguy hiểm, có lúc đánh đổi cả tính mạng của người nghệ sĩ. Nói đến xiếc là nói đến những tiếng cười hài hước đầy sướng vui, sảng khoái sâu lắng, chua cay và cả những ước mơ, khát vọng cháy bỏng luôn bay tới của con người.

NSND. Lê Huy Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/net-dep-vinh-cuu-n167865.html