Nét độc đáo gốm Thanh Hà
Chục năm trở lại đây gốm Thanh Hà vươn lên phát triển mạnh mẽ, là một điểm sáng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế nhất là từ khi UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới.
Làng gốm Thanh Hà nằm nép bên bờ sông Thu Bồn hiền hòa, cách trung tâm khu phố cổ Hội An chừng 5km, đến đây bạn sẽ được tắm mình thỏa thuê trong xứ sở gốm. Ngôi làng gốm này có lịch sử 500 năm và trải qua bao thăng trầm của thời gian, tưởng như có lúc không thể cầm cự, có nguy cơ thất truyền khi mà đời sống công nghiệp hiện đại và những chế tác vật dụng gia đình được nhập ngoại tinh xảo, lấp lánh. Thế nhưng điều kì diệu đã xảy ra, chục năm trở lại đây gốm Thanh Hà vươn lên phát triển mạnh mẽ, là một điểm sáng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế nhất là từ khi UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới.
Có lẽ, do đặc thù địa lý đất phù sa bồi đắp, cộng với nền nông nghiệp lúa nước lâu đời mà Việt Nam đã có nhiều làng nghề thủ công truyền thống trải dài nhiều thế kỷ trong đó có gốm. Gốm Hương Canh tỉnh Vĩnh Phúc, gốm Phước Tích của cố đô Huế, gốm Phù Lãng - Bắc Ninh, gốm Bầu Trúc - Ninh Thuận, gốm Lư Cấm ở thành phố biển Nha Trang, gốm Vĩnh Long bền bỉ ở đồng bằng sông Cửu Long, và gốm Thanh Hà tại mảnh đất Hội An.
Người dân Thanh Hà đời nọ truyền đời kia, tự hào về nguồn cội của mình: vào đầu thế kỷ thứ 16, các tộc họ đầu tiên đến Thanh Hà là người Thanh Hóa Nam tiến khai hoang bằng đường thủy, thuyền của họ đã gặp bão nên ghé lại Cồn Động (một trong 13 ấp của xã Thanh Hà) khuất gió để neo thuyền. Vùng đất này sông nước hữu tình, thủy bộ hai đường đều tiện lợi nên các tộc họ không đi tiếp nữa mà cắm cọc nơi đây làm quê hương. Thanh Hà có nghĩa là sông nước của người xứ Thanh?!
Trang Thanh Hà tên gọi Nam Diêu (nghĩa là cái lò ở phía Nam), là cái rốn trung tâm của làng gốm. Họ, những người cư dân Nam Diêu với sự sáng tạo đã tận dụng thiên nhiên ưu đãi, dòng sông bồi đắp quy tụ nên một loại đất sét đặc biệt để người dân nơi đây dùng đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện lấy đất vo tròn chuốt mịn nặn vuốt làm thành hũ vại, chum, nồi... Cứ thế, làm gốm thủ công là cách mưu sinh từ bao đời dù phải đánh vật với nắng nôi củi lửa.
Thanh Hà hình thành 13 ấp, trong đó ấp Bàu Ốc là đất có nhiều nước quý, tinh khiết, ấp Bàu Súng có nhiều hoa súng, ấp Trảng Kèo với nhiều trảng cát, ấp Bộc Thủy là nước vây tứ bề... Trải qua bao thời gian với biến động thăng trầm, người Thanh Hà vẫn bám nghề, bám đất. Những đứa trẻ từ khi sinh ra đã quen thuộc hình ảnh ông bà cha mẹ bên những tảng đất sét, ánh lửa bập bùng của lò nung. Ông Lê Bản, cháu nội một lái buôn gốm giàu có miêu tả khung cảnh bè củi về rợp sông Thu Bồn ngày trước. Thợ vùng Trung Phước (Nông Sơn) đẵn củi, rồi dùng trâu chuyển đến bờ sông Cái, kết bè thả trôi về. Những bè rộng từ 2-3m kết lại với nhau thành trăm khối củi. Những loại gỗ như dến, dẻ, trường, trám… trước đây dùng để đốt lò nhưng do lệnh cấm khai thác rừng, hiện nay Thanh Hà chỉ dùng củi bằng gỗ cây phi lao. Mỗi đợt nung lò cần từ 5 -10 mét khối củi.
Bước cuối cùng để phôi thành phẩm biến thành sản phẩm gốm sành. Sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm liên quan đến nhiều yếu tố: cách vào lò, un lửa, loại củi chụm, thiết kế lò, trình độ của người thợ lò và các khâu kỹ thuật lò, làm sân đá. Giờ phút nhóm lò lúc nào cũng thiêng liêng trọng đại với người thợ gốm. Người thợ cả sẽ thắp ba nén nhang và thành kính cầu mong trời đất và thần lửa giúp. Việc làm chủ ngọn lửa theo nguyên tắc nâng dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất và khi gốm chín lại hạ nhiệt độ từ từ chính là bí quyết thành công của khâu đốt lò. Quá trình nung diễn ra trong 5 ngày với gốm và 7 ngày với sành.
Điểm đặc biệt do cấu tạo đất sét ở đây nên gốm Thanh Hà mang đặc trưng rất riêng, không kiêu sa cầu kì như gốm Bát Tràng, không cứng chắc và có độ bóng như gốm Hương Canh, gốm Thanh Hà rất dung dị, bình dân mang màu nâu đỏ như màu gạch. Những sản phẩm của gốm nơi đây mang đậm tính truyền thống từ những con giống hiền lành gần gũi như heo đất, chó đất, mèo đất, lợn đất, trâu đất, gà đất, rùa đất, cú mèo đất, hay đến những hình cô gái ngộ nghĩnh làm quà tặng của lứa tuổi học trò. Đến với khu công viên gốm hay làng gốm Thanh Hà ta như được trở về miền kí ức tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, hay chí ít ta quên đi bao bộn bề của cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngoài kia để được bồng bềnh thư giãn, được sống chậm.
Làng gốm Thanh Hà có 8 người được phong tặng nghệ nhân. Nghệ nhân Nguyễn Thị Được có thâm niên cao nhất làng, là một nghệ nhân có công giữ lửa nghề gốm của Thanh Hà. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm. Gia phả Nguyễn Văn của bà có nhiều thợ giỏi còn được tuyển vào triều đình Huế để làm gốm. Được ươm mầm từ trong trứng nước, sau này ngay cả khi ở tuổi xưa nay hiếm bà vẫn không thôi truyền nghề cho con cháu. Tiếc thay, vì tuổi cao sức yếu bà đã mất cách đây 2 năm. Trong làng giờ còn những nghệ nhân tuổi đã ngoài 80 nhưng những người thợ già da mồi tóc trắng, lưng còng ấy vẫn đau đáu với nghề, còn hơi thở là còn nặn, còn chuốt, còn nung...
Ở làng gốm Thanh Hà đã bao đời cha truyền con nối, những đứa trẻ lớn lên được hít cái mùi đặc trưng của gốm lúc còn trong phôi, lúc vừa mới ra lò. Mắt chúng được nhìn, được cầm trên tay những sản phẩm con giống hiền ngộ nghĩnh như con trâu, con lợn, con gà, con khỉ, con rùa... hay lọ hoa, chum, vại, niêu đất, đĩa sành đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Chính thế, mà dưới những mái nhà của làng gốm đã bao đời cha truyền con nối, mạch nguồn âm ỉ chảy mãi đến nay đã 500 năm.
Những nghệ nhân tuổi đã cao, lúc nào cũng đau đáu khôn nguôi với nghề gốm. Mái đầu bạc trắng, răng lợi móm mém còn chút sức lực nào là dồn cả tâm huyết vào cho lớp trẻ kế cận học nghề. Nghề gốm đòi hỏi tính kiên trì nhưng cũng cần phải hiểu biết, rồi cộng thêm sự khéo léo, tài hoa trong sáng tạo mới tạo ra sản phẩm mang tâm tình của người thợ gốm.
Nghệ nhân Lê Quốc Tuấn là người tiên phong trong lĩnh vực gốm mỹ nghệ của làng, anh kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Được mệnh danh là người giữ lửa cho quê hương, những sản phẩm do anh làm ra đã đoạt được nhiều giải thưởng. Nhiều năm nay lượng khách du lịch đổ về làng gốm Thanh Hà ngày một đông, không chỉ có khách trong nước mà ngay cả khách quốc tế cũng tò mò tìm đến làng gốm, cũng muốn được những người thợ lành nghề của Thanh Hà chỉ dẫn để tự tay làm ra những sản phẩm gốm. Nghệ nhân Lê Quốc Tuấn vui vẻ nói: "Cơm áo thì không cần lo nữa rồi. Cái lo là phải có sản phẩm mới, làng nghề phải bước đi, một nhịp bước hiện đại mà không bỏ quên truyền thống".
Cha anh Tuấn là nghệ nhân Lê Trọng, ông Trọng khi mới 10 tuổi đã phải vọc đất, làm đất, mặt mày nám cháy, tay chân u nần. Ông cụ kể: "Hồi chiến tranh, tản cư, màn trời chiếu đất, khổ lại thêm khổ. Tản cư về, làng bắt đầu xây dựng lại. Nghề gốm lúc này hồi sinh, mẻ lò vừa ra đã sẵn ghe bầu mang đi tiêu thụ. Nhà nhà làm gốm, người người làm gốm, ai nấy đều náo nức - Vị nghệ nhân già quả quyết - Nắng đã lên sau một tuần mưa dầm dề. Hết mưa rồi lại nắng thôi. Tôi tin là Thanh Hà sẽ sống, nghề gốm phải sống. Cha ông cũng đã nhiều phen điêu đứng cơ khổ hơn nhưng Thanh Hà và làng gốm vẫn lưu tồn đến hôm nay".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/net-doc-dao-gom-thanh-ha-i662117/