Nét mới ở miền tây Trà Bồng

Tròn 4 năm sau ngày sáp nhập vào huyện Trà Bồng, về lại Tây Trà chúng tôi bắt gặp những điều tốt đẹp như mầm xanh, lộc biếc vươn lên trên vùng đất khó.

Ruộng bậc thang của người Cor, ở xã Sơn Trà (Trà Bồng).

Ruộng bậc thang của người Cor, ở xã Sơn Trà (Trà Bồng).

Tây Trà trước đây là một huyện của Quảng Ngãi, được thành lập vào ngày 1/12/2003 trên cơ sở một phần diện tích và dân số của huyện Trà Bồng. Sau 17 năm, vào ngày 1/2/2020 Tây Trà lại sáp nhập vào huyện Trà Bồng và nhiều người quen gọi nơi đây là "miền tây Trà Bồng".

Nụ cười trên non

Tiết giêng hai, về với miền tây Trà Bồng thật thú vị. Khi xe vừa qua đèo Eo Chim là bắt gặp cảnh người dân hối hả phơi đót. Ngoài vệ đường, trên sườn đồi... chỗ nào có ánh nắng chiếu đến là nơi ấy có đót. Trạm thu mua đót được đặt ở các ngã ba, ngã tư tiếp giáp với những cánh rừng. Từng đoàn người vác đót từ trên núi về, cân bán, hàng - tiền trao tay. Tiếng nói cười giòn giã cả một góc trời.

Chị Hồ Thị Thôi, ở thôn Hà, xã Sơn Trà (Trà Bồng) chia sẻ, năm nay, giá đót cao hơn vụ trước. Mỗi kílôgam đót có giá 4.500 đồng. Nhà mình 2 người đi hái từ sáng đến trưa thu được khoảng 90kg đót, bán được khoảng 400 nghìn đồng. Tiền này mình để mua gạo ăn và lo cho 2 con đi học nội trú dưới xã Trà Phong. Các gia đình trong thôn Hà nhà nào cũng cho con đi học. Sáng đầu tuần cả làng chở con xuống trường, rồi cuối tuần lại rủ nhau đi đón các con về nhà. Thấy bọn trẻ chăm học, cha mẹ cũng có động lực làm ăn để có tiền lo cho con mình.

Thu mua đót ở miền tây Trà Bồng.

Thu mua đót ở miền tây Trà Bồng.

Chúng tôi đến xã Trà Phong vào đúng giờ tan học. Trên các ngả đường ở trung tâm xã Trà Phong, các em học sinh trong trang phục truyền thống của đồng bào Cor, đi thành hàng một, bên phải, ríu rít chuyện trò. Cô học trò Hồ Thị Nga, học lớp 2, Trường Tiểu học Trà Phong phấn khởi nói, trước cổng trường, thầy, cô giáo có treo khẩu hiệu “đi một hàng, bên phải”. Ngày nào đến lớp, chúng cháu cũng nhìn thấy hàng chữ này. Khi tan học, ra khỏi trường là chúng cháu tự nguyện làm theo. Đi học vừa vui, vừa biết điều hay nên cháu thích đi học. Nhà cháu ở gần trường, chỉ cần đi bộ đến lớp. Tan học là cháu đi thẳng về nhà như lời cô giáo dạy trên lớp.

Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà.

Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà.

Xã Trà Phong là trung tâm thương mại phục vụ cho cả vùng gồm 6 xã miền tây Trà Bồng với đầy đủ các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các cửa hàng kinh doanh như một khu chợ thu nhỏ, mở cửa từ sáng sớm đến tận đêm khuya, phục vụ rau xanh, hoa quả, thực phẩm, quần áo, giày dép, nông cụ... Dọc theo cung đường qua khu vực trụ sở huyện Tây Trà cũ, các hàng quán, nhà cửa của người dân được xây dựng khang trang.

Ông Lâm, một người ở đồng bằng lên đây lập nghiệp từ ngày thành lập huyện Tây Trà (cũ) bảo, hồi trước gia đình tôi bán cà phê nhưng ế ẩm. Vợ tôi đi học uốn tóc rồi về mở tiệm. Việc kinh doanh của vợ gặp nhiều thuận lợi. Hôm cận tết Nguyên đán Giáp Thìn, tiệm phải thuê thêm thợ, làm xuyên đêm. Ngày thường thì chủ yếu cắt tóc cho các cháu học sinh.

Phát triển sự nghiệp giáo dục

Trở lại Trà Phong lần này, chúng tôi đến thăm Trường THPT Tây Trà, ngôi trường mà năm 2011, tôi đã về viết bài nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Khi ấy, các thầy, cô giáo của trường ngoài truyền dạy kiến thức, còn phải quan tâm chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho học sinh để các em yên tâm bám lớp. Công việc “ngăn dòng bỏ học” vào thời điểm ấy là nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai Ban giám hiệu và các thầy, cô giáo nhà trường. Còn hôm nay, việc học tập, sinh hoạt nội trú của học sinh đã trở thành nền nếp. Chuyện học sinh bỏ học giữa chừng đã không còn phổ biến như trước. Chất lượng học tập mỗi ngày được nâng lên. Qua các năm học, sĩ số được duy trì ổn định ở mức 500 học sinh. Trường THPT Tây Trà đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục huyện Trà Bồng. Gặp lại các thầy, cô giáo mà tôi đã biết từ 13 năm trước, họ vẫn bám trụ, tâm huyết, tận tụy với công tác giảng dạy ở nơi này.

"Xã Trà Phong ngày trước là trung tâm huyện lỵ Tây Trà, nay trở thành trung tâm giáo dục của miền tây Trà Bồng. Con em của 6 xã trong khu vực đều tập trung về đây học tập. Ở Trà Phong, hiện có đủ các cấp học, từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT, với gần 3.000 học sinh. Hiện nay, huyện đang tích cực động viên con em các trường học điểm lẻ về các điểm trường chính ở Trà Phong để học. Mục đích là để các em có điều kiện, môi trường học tập tốt hơn, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện".

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng
ĐINH THỊ THU HƯƠNG

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương phấn khởi nói, mỗi thầy cô, học sinh đều rất nỗ lực. Có những ngôi trường, thầy trò đã vượt lên, đạt thành tích cao trong học tập. Điển hình là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà, năm học 2022 - 2023 có 7 em trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh đều đoạt giải, trong đó 1 em đoạt giải Nhất, 2 em đoạt giải Nhì, 2 em đoạt giải Ba và 2 em đoạt giải Khuyến khích. Đây cũng là ngôi trường các em học sinh lớp 9 khi thi vào 10 đều đạt kết quả tốt và hầu hết đều đủ điều kiện nhập học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Riêng về nền nếp học tập, nhờ những chính sách cho học sinh bán trú được triển khai rộng rãi, con em đồng bào người Cor ở miền tây Trà Bồng được quan tâm chăm lo; tình trạng bỏ học hầu như đã không còn. Các em có điều kiện học tập trung, cùng sinh hoạt tập thể nên việc giáo dục kỹ năng, truyền thụ kiến thức rất thuận lợi.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà trong giờ ra chơi.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà trong giờ ra chơi.

Trước khi chia tay miền tây Trà Bồng, chúng tôi ghé thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà. Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà cho biết, các thầy, cô giáo khi đến vùng đất này, ngay từ ngày đầu đã đặt hết tâm huyết với nghề. Sự tiến bộ của học sinh như những quả ngọt bù đắp cho những gian lao, vất vả của cả thầy và trò”.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202403/net-moi-o-mien-tay-tra-bong-22a0fa7/