Nét mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Năm 2019 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã ban hành 136 quyết định cử trợ giúp viên, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, Trung tâm còn duy trì thường xuyên công tác tiếp dân tại trụ sở Trung tâm và các chi nhánh để đảm bảo 100% người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu được trợ giúp kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, qua đó đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.
Đồng chí Nguyễn Hoài Thanh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức phong phú qua Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, Cổng Thông tin điện tử của Sở Tư pháp; lắp đặt các bảng thông tin, hộp thư trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giam, tạm giữ; phát hành sổ sách, biểu mẫu, tờ rơi có nội dung về trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, Trung tâm tập trung hướng dẫn, tư vấn pháp luật, giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền, lợi ích cho các đối tượng được trợ giúp, nổi bật là việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Trước đây, hoạt động trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực này còn đạt thấp so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao, nguyên nhân là số người nghèo, người có công… liên quan đến vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh ít. Do vậy, Trung tâm đã đề xuất cấp trên mở rộng thêm một số đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh như: người chưa thành niên, người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người khuyết tật; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV... Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cụ thể cho từng Trợ giúp viên pháp lý, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong từng giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để rà soát, xác định đối tượng được trợ giúp pháp lý, ra quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp; tạo điều kiện cho các trợ giúp viên, cộng tác viên là luật sư tham gia trong quá trình tố tụng. Qua đó, hiệu quả trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng được nâng lên rõ rệt. Nhiều vụ việc do trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng đã giúp bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, hạn chế được oan sai trong các vụ án hình sự. Nhiều vụ việc được chuyển khung hình phạt hoặc chuyển sang tội danh có hình phạt nhẹ hơn. Đặc biệt, đã có nhiều vụ việc người thực hiện trợ giúp pháp lý được Tòa án tuyên không phạm tội hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ ở vụ án Nguyễn Văn T phạm tội cố ý gây thương tích. Theo cáo trạng, Nguyễn Văn T, sinh năm 2002, ở đội 2, xóm Tiến Thành, xã Giao Châu (Giao Thủy) cùng đồng bọn dùng hung khí gây thương tích cho Trịnh Tuấn S, sinh năm 2001, ở xóm Đông, xã Xuân Tân (Xuân Trường). Hậu quả S bị thương tích với tỷ lệ 55%. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Trường đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn T về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3 điều 134 Bộ luật Hình sự. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tiếp nhận và thụ lý đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của Nguyễn Văn T. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án và qua quá trình làm việc với T xét thấy bị can khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, có vai trò đồng phạm không đáng kể trong vụ án nên trợ giúp viên đã hướng dẫn T viết đơn xin miễn trách nhiệm hình sự gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Xuân Trường). Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Xuân Trường) đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can Nguyễn Văn T.
Năm 2019 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã ban hành 136 quyết định cử trợ giúp viên, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, Trung tâm còn duy trì thường xuyên công tác tiếp dân tại trụ sở Trung tâm và các chi nhánh để đảm bảo 100% người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu được trợ giúp kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi. Bên cạnh đó, Trung tâm chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tổ chức 40 buổi trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; thực hiện tư vấn pháp luật 842 việc cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có yêu cầu.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý, đặc biệt là truyền thông về quyền của người được trợ giúp pháp lý, tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý, các quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đặc biệt chú trọng hoạt động tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật. Tăng cường trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, đảm bảo 100% các vụ việc yêu cầu đều có trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người khuyết tật và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở. Cùng với đó, sẽ tập trung củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy của trung tâm và các chi nhánh trợ giúp pháp lý; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý tại địa phương./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng