Nét riêng của họa sĩ Nguyễn Hải Thanh

'Bức tranh là đứa con tinh thần của người họa sĩ, được chăm sóc, trau truốt kỹ từng nét cọ. Mỗi bức tranh hoàn thành giống như họa sĩ vừa kết bạn được với một người tri kỷ. Bởi thế, vẽ tranh không chỉ là niềm đam mê mà còn là cách giúp mình thư giãn tinh thần' - họa sĩ Nguyễn Hải Thanh chia sẻ.

“Chơi” cùng những gam màu lạnh

Chúng tôi đến thăm họa sĩ Nguyễn Hải Thanh vào một buổi sáng ngày cuối tuần. Ngôi nhà của họa sĩ trên đường Ngô Đức Kế, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài. “Vừa bước vào đây đã biết là nhà của họa sĩ rồi”, tôi nói đùa với anh bạn đi cùng. Trong không gian mở của phòng khách nối liền phòng ăn, những bức tranh do họa sĩ Nguyễn Hải Thanh sáng tác treo ngay ngắn trên các bức tường. Mấy bình hoa cắm những cành quả hồng chín đỏ như mang cả mùa thu miền Bắc vào ngôi nhà…

Trong giới mỹ thuật Bình Phước, Nguyễn Hải Thanh định hình phong cách bằng những gam màu lạnh. Điều đó thật dễ dàng nhận ra khi thưởng thức tranh của anh. Mặt nước trong buổi chiều tà, cánh rừng hoa mận trắng ngày xuân, người thiếu nữ bên khung cửa sổ, thậm chí một góc sân với đàn bồ câu thảnh thơi kiếm mồi cũng phảng phất màu lam, tím. Những màu trầm, lạnh qua cọ vẽ của người họa sĩ này biến hóa kỳ ảo, gợi cảm giác thanh tĩnh, nhẹ nhàng, buồn nhưng không u uất, bế tắc.

Họa sĩ Nguyễn Hải Thanh hoàn thiện một bức tranh về đề tài thiếu nữ

Họa sĩ Nguyễn Hải Thanh hoàn thiện một bức tranh về đề tài thiếu nữ

Tay thoăn thoắt cọ vẽ phác họa trên nền vải toan trắng tinh, họa sĩ Nguyễn Hải Thanh kể, anh sinh ra ở Thanh Hóa. Anh đam mê mỹ thuật bắt đầu từ những ngày đi học ở nhà thiếu nhi. Tốt nghiệp cấp 3, anh thi vào Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa, rồi học lên Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương. Ra trường đi làm, anh tiếp tục học lên đại học và du học Thái Lan chuyên ngành Visual art - nghệ thuật thị giác.

Không chỉ được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ những người thầy quốc tế, anh còn được các thầy định hướng việc tạo dựng phong cách cá nhân trong làm nghệ thuật. “Tôi rất tâm đắc về điều này” - họa sĩ Nguyễn Hải Thanh chia sẻ. Bởi người họa sĩ nếu không có nét riêng khiến công chúng ấn tượng và ghi nhớ thì mãi mãi sẽ chỉ là một cái bóng nhạt nhòa của ai đó. Và chàng họa sĩ trẻ Nguyễn Hải Thanh khi ấy quyết định theo đuổi những gam màu lạnh.

Series tranh thiếu nữ buồn

Một điều thú vị ở họa sĩ Nguyễn Hải Thanh là trong suốt chặng đường 30 năm gắn bó với hội họa, anh đã dành 2/3 thời gian để theo đuổi đề tài thiếu nữ. Ý tưởng vẽ về thiếu nữ theo một concept bắt đầu hình thành trong khoảng thời gian anh du học Thái Lan.

Bức tranh đầu tiên của series ra mắt năm 2004, tính đến nay, họa sĩ Nguyễn Hải Thanh đã sáng tác 27 tác phẩm về đề tài này. Nhân vật trong tranh lúc là thiếu nữ giữa hồ sen, thiếu nữ suy tư trước cửa nhà, thiếu nữ bên hoa huệ, cũng có khi thiếu nữ đang gội đầu hay cô sơn nữ vùng cao xuống chợ... Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam được anh cảm nhận qua nhiều góc độ: định kiến xã hội, âm thầm trong công việc hằng ngày, chăm sóc chồng con, ước mơ và khát vọng…

Họa sĩ Nguyễn Hải Thanh (trái) tham gia Triển lãm Mê Kông tại Thái Lan năm 2014

Họa sĩ Nguyễn Hải Thanh (trái) tham gia Triển lãm Mê Kông tại Thái Lan năm 2014

Họa sĩ Nguyễn Hải Thanh cho hay: “Vẽ thiếu nữ buồn thì mình sử dụng chủ yếu hai màu lam và tím, đó là màu ly tâm, tượng trưng cho sự u buồn. Mặt khác, người ta hay quan niệm màu tím là màu thủy chung. Vì thế, thiếu nữ trong tranh của mình tuy buồn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp thủy chung, sang trọng như những viên ngọc quý”.

Ở nhiều tác phẩm thiếu nữ, Nguyễn Hải Thanh còn họa hình ảnh chiếc lồng chim là hình tượng về sự bó buộc người phụ nữ với những quan niệm lỗi thời, lạc hậu. Độ rung cảm của màu sắc cùng bối cảnh bức tranh gợi cho người xem một nỗi buồn miên man, sâu thẳm. Điều này lại khá phù hợp với thị hiếu của nhiều người chơi tranh, do đó các tác phẩm trong series thiếu nữ này rất được công chúng yêu hội họa đón nhận.

Nuôi nguồn cảm hứng từ những chuyến đi thực tế

Năm 1997, khi tỉnh tái lập, họa sĩ Nguyễn Hải Thanh chuyển công tác về Bình Phước, giảng dạy chuyên sâu về mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm (cũ). Hiện anh là giáo viên dạy Mỹ thuật Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài). Công việc bắt nguồn từ niềm đam mê, vì thế anh đặt ra quy tắc phải vẽ liên tục để lấy cảm hứng cho bản thân, đồng thời thúc đẩy học trò siêng năng luyện tập như mình. Ngoài giảng dạy, anh sắp xếp thời gian cho các chuyến đi thực tế để nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác. Một chiếc lá rơi, một góc sân nhà… qua con mắt nghệ thuật của người họa sĩ cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận.

Tác phẩm trong series tranh về đề tài thiếu nữ của họa sĩ Nguyễn Hải Thanh

Tác phẩm trong series tranh về đề tài thiếu nữ của họa sĩ Nguyễn Hải Thanh

Đi nhiều, “cảm” nhiều cái hay, cái đẹp, đó cũng là lý do vì sao bên cạnh mảng đề tài thiếu nữ, anh rất thích vẽ phong cảnh Bình Phước. Những vườn điều, dòng sông, bãi bồi, con nước, những cảnh yên bình thân thuộc ở làng quê… khiến anh say mê, khao khát truyền tải tất cả vẻ đẹp đó vào tranh.

Họa sĩ Nguyễn Hải Thanh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện sinh hoạt tại Chi hội Mỹ thuật tỉnh Bình Phước. Những năm qua, anh thường xuyên có tác phẩm tham gia các triển lãm mỹ thuật trong nước, triển lãm Mê Kông và đoạt giải thưởng cao.

Một người bạn lâu năm của họa sĩ Nguyễn Hải Thanh, nhà điêu khắc Nguyễn Đức Duy cho hay, thành công nhất của Nguyễn Hải Thanh là đã truyền tải được ý đồ của người họa sĩ vào tranh, khiến công chúng thưởng lãm đồng điệu và “cảm” được cái hồn trong tác phẩm.

Khoảng 3 năm trở lại đây, nền mỹ thuật Bình Phước đã có sự khởi sắc. Những họa sĩ trẻ bắt đầu có tiếng nói và khẳng định được thương hiệu của mình. Lời khuyên của họa sĩ Nguyễn Hải Thanh dành cho các bạn trẻ có niềm đam mê hội họa muốn theo nghề là phải chịu khó đi thực tế để nuôi dưỡng đam mê và nguồn cảm hứng sáng tác. Bên cạnh đó, hăng say làm việc, tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các dòng tranh để học hỏi các thế hệ đi trước, đồng thời kế thừa tinh hoa, văn hóa dân tộc để đưa vào tác phẩm.

Ngọc Huyền - Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/137749/net-rieng-cua-hoa-si-nguyen-hai-thanh