Nét riêng Hà Nội

Hà Nội là nơi chứa đựng những nét văn hóa đậm chất thanh lịch, tao nhã trong giao tiếp và cuộc sống của người dân.

Vẻ đẹp Hồ Gươm.

Vẻ đẹp Hồ Gươm.

Tôi tự hào rằng, không có nơi nào trên mảnh đất này mà chỉ ở thủ đô Hà Nội mới có được 36 phố phường tấp nập, nhộn nhịp, với 5 cửa ô đã đi vào lịch sử của dân tộc. Mỗi góc phố, mỗi con đường đều chất chứa trong đó những ý nghĩa riêng, rất đời thường và dễ nhớ. Người ta đặt tên theo nghề làm ăn của bà con hàng phố đó cho dễ nhớ. Chỉ là thế thôi nhưng người ta cảm giác như ôm trọn cả Hà Nội khi đọc những dòng cảm xúc viết về phố phường Hà Nội, như cảm nhận được tiếng nói của phố, của người Hà Nội.

Nếu ai đã có dịp được đọc các tác phẩm "Đường vào Hà Nội" của nhà văn Băng Sơn rồi "Hà Nội thanh lịch" của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, thì sẽ thấy hết được các giá trị đằng sau sự cổ kính đó. Ngoài việc cho ta thấy sự sầm uất của một trung tâm kinh tế, cảnh quan đô thị được ngăn cách thực chất bằng rất nhiều các cửa ô nhưng chúng ta thường biết tới 5 cửa ô thì đây, còn là một biểu tượng về những khía cạnh văn hóa phi vật thể.

Đó là nơi hội tụ, kết tinh tinh túy của mọi miền hay nói cách khác đó là nơi chứa đựng những nét văn hóa đậm chất thanh lịch, tao nhã trong giao tiếp, cuộc sống của người dân Tràng An - Hà Nội. Nét đẹp của Hà Nội còn ở chính con người. Người con gái Hà Nội mang những nét đẹp chung của con gái Việt nhưng là cái đẹp không lẫn vào đâu được.

Vẻ đẹp của người con gái Hà Nội không chỉ ở bên ngoài mà đẹp từ trong từng lời ăn, tiếng nói, từng cử chỉ, hành động. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà con gái Hà Nội trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ say sưa với đề tài Hà Nội, với nỗi lòng đau đáu muốn làm gì đó cho Thủ đô khi luôn mang trong mình tình yêu Hà Nội tha thiết.

Như vậy, con gái Hà Nội cũng là đại diện một phần cho cung cách, ứng xử của người Tràng An xưa. Người ta bao giờ cũng có một thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt mà không thô bạo, niềm nở mà không suồng sã. Khi khách đến nhà, người chủ dù bận việc cũng phải đứng dậy mời chào. Nếu đang mặc quần áo ngắn, quần cộc thì phải “xin lỗi” khách, mà mặc quần áo dài nghiêm chỉnh rồi mới tiếp khách.

Khi ăn uống, người Hà Nội bao giờ cũng giữ nền nếp “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và luôn luôn thận trọng, ý tứ khi trong mâm có người già cao tuổi hay khách mời... Nói ra những điều như trên, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, tuy thực tế đang có những nét văn hóa du nhập, lai tạp nhưng cái gốc của văn hóa Hà Nội vẫn mang đậm nét thanh lịch, tao nhã, lịch sự. Điều đó đã được minh chứng qua hàng ngàn năm qua và qua những câu ca, tiếng hát, lời thơ vẫn vang vọng mỗi ngày.

TRẦN BẰNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/net-rieng-ha-noi-5694101.html