Nét văn hóa chợ phiên Mường Nhé
ĐBP - Ðến với chợ Mường Nhé - phiên chợ nơi cực Tây của Tổ quốc, tôi chưa bao giờ nghĩ đến một khung cảnh ấm áp và gần gũi đến vậy. Nơi bà con vùng cao coi chợ là ngôi nhà thứ hai, vừa buôn bán vừa trao nhau tình cảm yêu thương. Tại đây, mọi mặt hàng nông sản đều được chính tay bà con nuôi, trồng, rất sạch sẽ và tươi ngon.
Người dân đang trao đổi mua bán các mặt hàng nông sản tại chợ Mường Nhé.
Chợ Mường Nhé nằm ngay trung tâm huyện Mường Nhé nên rất dễ tìm. Phiên chợ diễn ra vào ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, còn ngày bình thường chợ chỉ buôn bán hàng tiêu dùng phổ thông. Ðúng ngày chợ phiên, bà con từ khắp các xã, bản đổ về đây. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong bộ váy áo sặc sỡ, người địu con che ô, người đeo những chiếc gùi lu cở đựng đầy các mặt hàng nông sản đa dạng và phong phú. Họ về chợ phiên như đến một điểm hẹn. Chợ Mường Nhé có những nét riêng không cầu kỳ, không xa hoa, khang trang như các chợ ở khu vực thành phố lớn. Bà con các dân tộc vùng cao mang đến chợ những mặt hàng truyền thống "cây nhà lá vườn" giản dị và mộc mạc, tạo nên sắc màu chợ phiên độc đáo. Những mặt hàng nông sản tươi ngon ở chợ được bày bán đơn giản, chỉ cần trải một chiếc bạt và bày hàng, mọi người tự đến xem hàng và mua, bán. Người dân ở đây vừa buôn bán vừa thêu thùa may vá, nói chuyện và trao đổi rất rôm rả. Ði từ đầu chợ đến cuối chợ, có rất nhiều những mặt hàng đặc sản của núi rừng, như: Ổi rừng, na rừng, rau dại, măng tre, gạo, cá suối, rượu nếp, rượu ngô… Hay những gian hàng bày bán trang phục dân tộc, như: Váy Mông, áo cóm, khăn piêu…
Không phải ai đến chợ phiên cũng mang hàng hóa để buôn bán. Có những người mang nông sản, hàng hóa đến trao đổi đôi khi cũng chỉ là một ít mận, mấy bắp hoa chuối rừng, vài chai mật ong, đôi lợn cắp nách hoặc mấy con gà “chạy bộ”; các loại lá thuốc, thảo dược… Có người đi cả ngày đường đến chợ chỉ để mua đôi dép, cân muối hoặc một vài nhu yếu phẩm cần thiết khác, hay đơn giản chỉ để ăn một bát phở. Bán được hàng hay không gần như không mấy quan trọng, chủ yếu là giao lưu, trò chuyện. Cũng không hiếm những người đến chợ vì mục đích đi chơi hay gặp lại bạn bè, người thân như để gặp gỡ và trao đổi, học hỏi cách làm ăn. Cụ bà Lò Thị Tập, nhà ở bản Mường Nhé cho biết: “Năm nay tôi 75 tuổi, sống ở đây lâu rồi, thi thoảng trồng được mớ rau, thu được ít gạo nếp cốm hay đàn gà ở nhà đẻ được quả trứng, tôi lại mang ra chợ. Chợ ở đây mọi người như trong một gia đình vậy, cứ có gì ngon là lại cho nhau, bà cho tôi ít trứng, tôi lại cho bà ít rau, vui lắm!”.
Ở chợ phiên Mường Nhé, người bán người mua tấp nập, rất vui vẻ, không hề có sự bon chen hay cạnh tranh giá cả như ở các chợ khác. Mặc dù kẻ mua, người bán rất đông, nhưng họ luôn thể hiện sự vui tươi, mộc mạc… Có lẽ, cách cư xử đã trở thành thói quen trong mua bán của những cư dân vùng cao nơi đây. Mọi người cười nói với nhau, trao đổi bằng thứ tiếng của chính dân tộc mình. Nông sản ở đây tươi, ngon nên nhiều cán bộ công tác, du khách đến đây tham quan mua về làm quà. Anh Trần Văn Huy, cán bộ Ðồn Biên phòng Nậm Kè (huyện Mường Nhé) chia sẻ: “Tôi lên Mường Nhé công tác đã nhiều năm, quê tôi ở Hưng Yên, mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi đều ra chợ Mường Nhé mua nông sản mang về quê làm quà. Vì nông sản trên này tươi ngon và sạch nên mọi người trong gia đình tôi thích lắm! Mỗi lần mua, tôi thường mua rất nhiều, mang về để mọi người tích trữ sử dụng dần”.
Bên cạnh việc thông thương hàng hóa, chợ Mường Nhé còn là nơi gặp gỡ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Ðây cũng là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú...) trên địa bàn. Mỗi phiên chợ đều được bà con các dân tộc xem như ngày hội. Ðến chợ, mọi người còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ qua các trang phục dân tộc. Nơi đây được xem như bức tranh sống động nhất về trang phục đặc sắc của các dân tộc, bởi sự đa dạng, sặc sỡ của những chiếc váy xòe người Mông, những bộ khăn áo ngũ sắc truyền thống của người Dao.
Nếu ai đã từng đặt chân đến Mường Nhé, chắc hẳn sẽ cảm nhận được nét đẹp truyền thống trong mỗi buổi chợ; trong đó, không thể thiếu các sản vật độc đáo được hái từ núi rừng và sắc màu rực rỡ của váy áo, cùng với ngôn ngữ trao đổi đa dạng... giúp phiên chợ trở thành một bản tổng hòa về văn hóa, vô cùng sinh động, hấp dẫn.