Nét văn hóa đặc sắc của bản làng Thái Hải

Ăn chung nồi cơm, tiêu chung túi tiền, cùng nuôi dạy con cái và làm du lịch cộng đồng-đó là những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Đến Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (hay còn gọi là bản làng Thái Hải), nhiều du khách không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy những ống tre đựng tiền được đặt ở giữa sân bản làng. Có người đã tò mò hỏi: “Để cả đống tiền chềnh ềnh thế này mà không sợ bị mất cắp à?”. Lý giải về sự độc đáo này, Phó giám đốc Lý Thị Chiên nói: “Người Tày ở Thái Hải sống với nhau như một gia đình. Tiền được đặt trong ống tre là khoản tiết kiệm của người dân dùng để giải quyết việc chung của bản làng. Ngoài ra, đây cũng là một quỹ người dân đóng góp để giúp đỡ những con em trong bản làng có nhu cầu học đại học hay du học. Trong bản làng, trưởng làng sẽ là người có quyết định quan trọng trong mọi việc”.

 Một góc bản làng Thái Hải.

Một góc bản làng Thái Hải.

Nhắc đến trưởng bản làng Thái Hải là nói đến bà Nguyễn Thị Thanh Hải. Bà chính là người đã giữ gìn và xây dựng bản làng Thái Hải trở thành khu du lịch cộng đồng. Những năm đầu thế kỷ 21, đồng bào dân tộc Tày ở nhiều nơi có xu hướng thay thế nhà sàn truyền thống bằng nhà xây gạch, xi măng. Nhiều nhà sàn được thu mua về xuôi để phục vụ cho các hoạt động thương mại, số khác bị phá bỏ làm củi. Xót xa trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hải đã có ý tưởng và tâm huyết giữ gìn lại những ngôi nhà sàn truyền thống của vùng đất quê hương. Từ năm 2003, bà Hải đã chắt chiu tiền, mua lại những ngôi nhà đó và phục dựng nguyên bản tại vùng đồi xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức. Hiện tại, bản làng Thái Hải vẫn giữ được 30 ngôi nhà sàn nguyên bản từ An toàn khu Định Hóa có tuổi đời gần thế kỷ, được phục dựng lại. Ông Hà Văn Kiu, người dân sinh sống trong bản làng Thái Hải cho biết: “Gia đình tôi sống tại bản làng Thái Hải đã được 4 đời rồi. Công việc của chúng tôi hằng ngày là trồng rau, hái chè, bán các sản phẩm và tiếp đón các đoàn khách. Tất cả số tiền thu được đều được nộp vào quỹ chung của bản làng và mọi người trong bản làng đều sinh sống như những người thân trong gia đình”.

Ngoài việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, bản làng Thái Hải còn phục vụ đồng thời gần 2.000 khách ẩm thực và 200 khách lưu trú. Ngoài việc được thưởng thức những sản vật được nuôi trồng ngay tại bản làng, du khách còn được trải nghiệm không gian văn hóa của bà con dân tộc Tày đã sống tại đây 4 thế hệ. Điều đặc biệt, người dân trong bản làng sống theo tinh thần “ăn chung nồi cơm, tiêu chung túi tiền”. Con em trong bản làng không chỉ được người dân cùng chung tay nuôi lớn mà còn được mọi người hỗ trợ tiền học hành. Người dân trong bản làng sống với nhau như một gia đình, cùng nhau làm du lịch và cùng hưởng những thành quả mình đạt được. “Bên cạnh việc cùng nhau phát triển kinh tế qua làm du lịch cộng đồng, bản làng Thái Hải rất quan tâm đến chuyện học tập của thế hệ trẻ. Bản làng Thái Hải hiện có hai cháu học tập tại Australia, 4 cháu học ở Singapore và nhiều cháu đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong nước”, thuyết minh viên Lý Thị Chiên nói.

Bài và ảnh: HOA LƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/net-van-hoa-dac-sac-cua-ban-lang-thai-hai-649514