Nét văn hóa đặc sắc giữa trời Nam
Trong khi hầu hết các dân tộc Việt Nam đều tổ chức ăn Tết Nguyên đán vào ngày đầu tiên của năm âm lịch, thế nhưng đối với người Khmer Nam bộ lại bắt đầu năm mới vào tháng 'Chét'.
Phong tục này, đã và đang góp phần cho bức tranh văn hóa của các dân tộc Việt Nam thêm đa sắc.
Đón Tết vào tháng 4 dương lịch
Đồng bào Khmer Nam bộ là dân tộc theo đạo Phật, coi ngôi chùa như một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, do vậy, ngoài một số nghi lễ được tổ chức tại nhà, phần lớn bà con đều tập trung tại chùa để thực hiện các nghi lễ và cùng nhau sinh hoạt vui chơi giải trí tại đó. Vì thế, trước thời điểm của những ngày Tết khoảng từ một tháng đến một tuần, tại hầu hết các ngôi chùa Khmer, cũng như tại từng gia đình, người Khmer tiến hành dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, ngăn nắp.
Đôi khi họ còn tu bổ lại một số công trình kiến trúc trong chùa cho thật khang trang, nhất là các ngôi tháp thờ hài cốt của người thân, họ hàng để làm sao đón mừng năm mới thật có ý nghĩa... Đối với từng gia đình trong phum sóc, ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, bà con còn chuẩn bị các loại bánh trái như: Bánh tét, bánh ít, bánh gừng, hoa quả, nhang đèn để đem vào chùa dâng cúng Chư Phật, Chư Tăng, thánh thần...
Lý giải về việc ăn tết vào tháng 4, nhiều ghi chép cho rằng, do trước đây người Khmer chỉ cày cấy một vụ nên tháng 12 mọi người vẫn còn tất bật với ruộng đồng. Tháng 4, gặt hái xong, thóc lúa đã đầy bồ, bà con có thể thảnh thơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt nhọc. Hơn nữa, do tháng 4 ở Nam Bộ cũng là lúc thời tiết chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa làm cho cây cối xanh tươi, thiên nhiên như trỗi dậy một sức sống mới, thế nên người Khmer chọn thời điểm này cho sự khởi đầu của một năm mới.
“Theo phong tục, người Khmer thường tổ chức ăn Tết trong 3 ngày, song có những năm nhuận thì bà con tổ chức 4 ngày. Ngày đầu tiên của năm mới gọi là “Th'ngay-maha-shang-kran” hoặc “Chôl-shang-kran-thmây”; ngày thứ hai gọi là ngày “Ví-ré Won-both” (năm nhuận thì Won-both 2 ngày); còn ngày cuối gọi là ngày “Ví-ré Lơng-săk””, ông Thạch Lự, 62 tuổi, ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.
Cũng theo ông Lự thì việc đón giao thừa của người Khmer có phần khác đôi chút so với người Kinh, người Hoa hoặc một số dân tộc khác. Nghĩa là giờ giao thừa của tết Chol Chnam Thmay không cố định vào lúc 0 giờ tiếp giáp giữa năm cũ và năm mới, mà luôn thay đổi hàng năm tùy vào quyển “Đại lịch” đã được các nhà thiên văn biên soạn. Tức là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới sẽ được ấn định vào những thời điểm khác nhau theo từng năm. Có năm nó được ấn định vào lúc 13 giờ của ngày đầu tiên, có năm thì rơi vào ban đêm, có năm thì lại vào khoảng 9 hoặc 10 giờ sáng của ngày thứ hai... Có thể nói đây là nét riêng, phản ánh rất rõ về sắc thái văn hóa Khmer.
Theo truyền thống, gần đến thời khắc giao thừa, mọi nhà, kể cả tại các chùa sẽ bày lễ vật hoa quả, nhang đèn đặt trên bàn ở ngay trước sân nhà để làm lễ tiễn Tevôđa cũ về trời, rước Tevôđa mới giáng trần. Người Khmer tin rằng, Tevôđa chính là vị Chư Thiên ngự ở tầng trời, được thần Prés-anh (Ngọc Hoàng) sai xuống trần gian để chăm lo cho dân chúng và muôn loài trong một năm, hết năm lại đưa các vị khác xuống thay thế.
Đậm đà bản sắc
Ngày đầu tiên của tết Chol Chnam Thmay, hay còn được gọi là ngày “Th’ngay Maha-shang-kran”, mọi người thường ăn mặc sạch đẹp, mang theo nhang đèn cùng một số lễ vật cần thiết khác đi đến chùa để làm lễ rước quyển Đại Lịch “Maha-shang-kran” mới. Tại đây, dưới sự điều khiển của một vị Acha, mọi người sẽ đứng xếp theo hàng rồi đi vòng quanh Chánh Điện 3 vòng theo chiều kim đồng hồ để làm lễ chào mừng năm mới và cũng để xem năm mới này tốt hay xấu, thuận lợi khó khăn như thế nào...
Về nghi thức rước Maha-shang-kran, có truyền thuyết kể rằng, xưa kia, chàng trai Thomabal Koma thông minh tài giỏi đã chiến thắng trong một cuộc đấu lý với Kabal Maha Prum - vị thần có bốn gương mặt, chuyên xuống trần gian thuyết pháp dạy đời. Thua cuộc, thần đã tự chặt đầu mình, đưa cho 7 cô công chúa là con gái của mình và căn dặn hãy để đầu thần trên một khay vàng, rồi đem đi quàng tại hang thủy tinh Thomamialy nơi núi Kay-las thuộc dãy Hymalaya, không được quăng đầu Ngài xuống biển hay lên núi rừng, hoặc vào không trung. Bởi chiếc đầu Ngài khi rơi vào những không gian đó sẽ thiêu rụi mọi thứ, đúng hơn là sự đau khổ và cái chết sẽ không tránh khỏi.
Từ đó về sau, mỗi năm, đúng vào ngày thần tự sát, bảy cô công chúa giáng trần, vào hang bưng khay đầu lâu của cha đến núi Kay-las gội rửa, rồi đi vòng quanh chân núi 3 lần theo hướng mặt trời mọc, trước khi đem đặt lại vị trí cũ. Đây cũng là biểu tượng cho sự sinh sôi, phát triển. Mỗi năm một cô công chúa sẽ bưng khay đầu lâu một lần, nên tùy theo số mạng của công chúa Tiên nữ nào bưng mà người ta sẽ biết được năm đó tốt hay xấu.
Sang đến ngày thứ hai, không khí tết mới thật sự sôi động. Nhiều hoạt động diễn ra trong khắp các phum sóc cũng như tại các ngôi chùa. Ngay từ sáng sớm, mọi người đã kéo nhau vào chùa, trước hết họ thắp hương, lễ Phật, sau đó dâng cơm cho các vị sư… Riêng các chàng trai, cô gái thì tổ chức các trò chơi dân gian, rồi cùng nhau chia nhóm vui chơi cho đến chiều tối.
Thu hút được đông đảo người dân nhất phải kể đến các chùa như chùa Sereyvongsa (Hòa Bình Mới) huyện Hòa Bình, chùa Komphisako (Xiêm cán) thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ở đó, đồng bào thường tổ chức các trò chơi dân gian trong suốt 3 ngày. Bên cạnh các trò chơi truyền thống như Chôl-chhung (Ném còn), kéo co, đẩy cây, Lek-kon-sêng (Bịt mắt bắt dê)… họ còn đưa vào thi đấu một số môn thể thao khác như bóng đá mini, bóng chuyền và nhiều trò chơi mang tính hiện đại mà ta thường bắt gặp tại các cuộc sinh hoạt của tuổi trẻ đoàn viên thanh niên.
Ngày thứ ba của tết Chol Chnam Thmay còn được gọi là ngày lễ “Tắm tượng Phật, tắm sư sãi”. Giống những ngày trước đó, sau khi dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư, mọi người đem nước ướp vật có hương thơm cùng nhau đem đến bên bàn thờ Phật để làm lễ tắm tượng Phật, kế tiếp là tắm cho các vị sư cao niên. Xong lễ tại chùa, người ta mời các vị sư đến các ngôi tháp đựng hài cốt hoặc tới các ngôi mộ lẻ làm lễ cầu siêu, gọi là “Băng Skôl” cho vong linh những người đã khuất.
Tuy nhiên nhiều chùa còn tổ chức lễ cầu siêu chung cho tất cả những người đã khuất một lần tại ngôi Sala hay tại ngôi tháp tập thể. Cuối cùng họ về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ tại nhà, xong thì tắm cho ông bà cha mẹ để tạ lỗi, xin được tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót trong năm cũ, rồi đem bánh trái, tiền, quà dâng cho ông bà, cha mẹ. Đến đêm họ tiếp tục cúng bái Têvôđa mới hoặc có những gia đình còn mời các vị sư đến tụng kinh chúc phúc để năm mới phát tài phát lộc. Đồng thời họ tổ chức vui chơi cho đến khuya mới chấm dứt.
Âm nhạc lên ngôi
Cũng như phong tục của nhiều dân tộc khác, âm nhạc là thứ không thể thiếu trong suốt những ngày tết Chol Chnam Thmay. Theo nghệ nhân Thạch Duyên, Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, thì từ xa xưa, âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người Khmer. Trong tất cả các lễ hội, Tết, lễ nghi (tôn giáo, tín ngưỡng), lễ cưới… đều không thể thiếu âm nhạc, lời ca, điệu múa. Với người Khmer, âm nhạc là linh hồn, là “Ðuôn p’ro lưn”. Khi nghe nhịp điệu tiết tấu của âm nhạc vang lên là trong lòng họ vang lên những lời ca thơ mộng, họ cất cao tiếng hát và hòa quyện cùng những điệu múa dân gian sôi động…
Nói đến âm nhạc là phải nói đến dàn nhạc và những nhạc cụ cấu thành nên dàn nhạc đó. Nhạc cụ truyền thống của đồng bào người Khmer có rất nhiều loại và được kết cấu thành nhiều dàn nhạc khác nhau như: dàn nhạc Khmer (Plêng Khmer), dàn nhạc Dù kê (Plêng lakhon Bassak), dàn nhạc Ro bam, dàn nhạc ngũ âm (Plêng Pưn pet), dàn nhạc lễ cưới (Plêng ka), dàn nhạc Mahôri, dàn nhạc A-Reat, dàn nhạc Khlon Khech, dàn nhạc trống Chhay Dzăm, dàn nhạc trống lớn (Plêng Skô Thum)… Tùy theo cuộc lễ mà người Khmer lựa chọn sử dụng dàn nhạc với các nhạc cụ khác nhau để biểu diễn...
Theo thời gian, các nghi thức, lễ tiết trong những ngày lễ, tết của người Khmer Nam bộ đã có một số thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Nhưng phần lớn những phong tục đẹp, chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được lưu giữ và truyền lại. Chính vì thế mà tết Chol Chnam Thmay, một nét văn hóa hết sức đặc sắc giữa trời Nam mới không bị phôi pha.
Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/net-van-hoa-dac-sac-giua-troi-nam-329108.html