Nét văn hóa tâm linh trong Lễ Đám Chay của người Vân Kiều
Đồng bào dân tộc Vân Kiều cư trú rải dọc ở vùng núi 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tập trung đông nhất ở 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Qua tiến trình phát triển, nhiều nét văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục luôn được người dân giữ gìn, phát huy qua từng thế hệ. Điển hình là Lễ Đám Chay, một nét văn hóa truyền thống độc đáo lâu đời, được lưu giữ trọn vẹn cho đến ngày hôm nay.
Ông A Vỗ Phúc, năm nay 84 tuổi, ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là người rất am hiểu về Lễ Đám Chay của đồng bào mình. Theo lời ông Phúc, đồng bào Vân Kiều duy trì tập tục gia đình có người thân qua đời từ 3 năm trở lên sẽ làm lễ rước linh hồn người đã khuất về sum họp cùng ông bà, tổ tiên, con cháu, gọi là Lễ Đám Chay. Người Vân Kiều quan niệm có chết lành và chết dữ. Chết lành là những người chết do tuổi già hoặc bị ốm đau bệnh tật, còn chết dữ là những trường hợp chết bất đắc kỳ tử, bị thú dữ vồ, cây đè, nước cuốn, sản phụ chết cả mẹ lẫn con, tự vẫn... Vì vậy, khi tổ chức việc tang ma cũng có sự phân biệt trong nghi lễ cúng bái. Tuy nhiên, khi làm Lễ Đám Chay thì chết lành hay chết dữ không còn mang ý nghĩa như trong đám tang của người đã khuất.
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Vân Kiều, mỗi con người đều có hai phần: Phần xác và phần hồn. Phần xác là toàn bộ thân thể con người, nơi để linh hồn trú ngụ, song con người sống và hoạt động, đi lại, làm việc được là nhờ có linh hồn; khi con người chết đi, linh hồn biến thành ma. Vì thế, khi mất đi chỉ mất phần thể xác, người đó vẫn sống trong ký ức của người thân hay cộng đồng dân bản. Chính vì vậy, Lễ Đám Chay nhằm thể hiện sự thương tiếc của người sống với người đã khuất nhằm răn dạy con cháu nhớ về công ơn, nguồn cội tốt đẹp của dân tộc.
Lễ Đám Chay thường kéo dài trong 3 ngày, 2 đêm. Để tổ chức lễ này phải có sự chuẩn bị trước thật kỹ càng, đặc biệt việc làm chòi miếu tế và đồ cúng tế. Trước khi làm lễ, người đứng đầu dòng họ phải họp con cháu lại, bàn việc chọn ngày tốt để tiến hành làm lễ. Ngày đầu tiên, từ sáng sớm, tất cả các thành viên trong họ tụ họp đông đủ về địa điểm làm Lễ Đám Chay mang theo đầy đủ các vật phẩm dùng làm lễ cúng tế và lễ này được gọi là lễ “Gọi hồn”. Mọi người sắp xếp chòi cúng, đặt những chiếc hòm nhỏ làm bằng gỗ cây rừng, tượng trưng cho linh hồn người đã khuất theo đúng vị trí, thứ tự trong dòng họ.
Lễ vật dâng lên linh hồn người đã khuất gồm các vật dụng cá nhân thường ngày, lương thực, thực phẩm do chính con người làm ra như gùi, A đư dùng để đi nương rẫy, gạo, rượu, các loại thịt và một con lợn có đầy đủ các bộ phận để đặt lên mâm chính. Khi việc chuẩn bị đã xong, đến giờ tốt thì thầy cúng tiến hành làm lễ “gọi hồn”, ai chết trước thì được xướng trước, ai chết sau thì gọi sau bằng những lời đơn sơ “Hồn ơi! Ơi hồn về đi... Hồn về nhà sẽ được ăn no, mặc ấm; hồn đi lang thang sẽ bị đói khát, lạnh lẽo... hồn ơi! Ơi hồn về đi... Ông bà, cha mẹ, anh em ngày đêm đang chờ hồn về...”.
Tờ mờ sáng ngày thứ 3, cả họ tiếp tục làm lễ cúng, khấn vái để tiễn đưa linh hồn đã khuất về lại với núi rừng, gọi là đưa ma về rừng mà tiếng Vân Kiều gọi là “Tả ra mớp”. Khi nghi lễ thực hiện xong thì các thanh niên trong làng tiến hành khiêng chòi miếu và những cái hòm nhỏ làm bằng gỗ, bên trong bỏ một miếng sắt hoặc nhôm hay những thứ kim loại khác tượng trưng cho thân người nhưng không có đầu để đem đến địa điểm đã chọn trước đó. Đến nơi, sau khi hoàn tất thủ tục lễ tế, mọi người cùng trở về nơi diễn ra lễ ban đầu và dùng hết số lượng trâu, bò, lợn, gà... đã cúng rồi vui vẻ chia tay ra về. Ông A Vỗ Phúc cho biết: “Mỗi lần tổ chức Lễ Đám Chay, dù là lễ to hay nhỏ thì mọi nghi lễ, thủ tục đều phải luôn theo đúng nghi thức, phong tục tập quán mà cha ông ngày xưa truyền lại chứ tuyệt đối không được bỏ đi bất kỳ một khâu hay một lễ cúng nào”.
Lễ Đám Chay mang đậm bản sắc riêng, giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều và đã trở thành biểu tượng của sự kết nối cộng đồng. Trong lễ Đám Chay, bất kể ai, người trong bản hay các vùng khác đến đều được chủ nhà xem là khách quý và đón tiếp hết sức chu đáo, nồng hậu.
Những ngày diễn ra Lễ Đám Chay, mọi người không ai lên rẫy, họ tạm gác công việc của gia đình mình để quây quầy bên nhau, uống rượu, cùng với gia chủ ôn lại những kỷ niệm gắn với người đã khuất trong nỗi niềm tiếc thương sâu nặng. Rồi sẻ chia cùng nhau câu chuyện gia đình, về vạt nương, tấm rẫy cho hạt lúa, củ sắn mùa vụ và cùng động viên nhau phấn đấu học tập, lao động sản xuất. Cũng từ những Lễ Đám Chay như thế mà nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương được bà con đưa ra tuyên truyền và thấm vào suy nghĩ của mỗi người. Nhiều phong tục, tập quán, quan niệm lạc hậu được người già, trưởng họ bàn bạc, thống nhất loại bỏ ra khỏi cuộc sống của cộng đồng, đồng thời, tình cảm giữa những người trong gia đình, dòng tộc và bản làng luôn không ngừng được củng cố, vun đắp, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc cùng làm ăn, sinh sống trên địa bàn.