Nếu bạn liên tục phỏng vấn thất bại

Những cử chỉ, tác phong nhỏ cũng có thể 'tố cáo' tâm lý mất bình tĩnh, tự tin ở bạn trong buổi phỏng vấn tuyển dụng.

 Đôi khi, bạn "trượt" vòng phỏng vấn không phải do năng lực và kinh nghiệm yếu kém. Ảnh minh họa: Alexander Suhorukov/Pexels.

Đôi khi, bạn "trượt" vòng phỏng vấn không phải do năng lực và kinh nghiệm yếu kém. Ảnh minh họa: Alexander Suhorukov/Pexels.

"Phần lớn hồ sơ ứng viên gửi đến công ty đều đạt tiêu chuẩn tuyển dụng", Natalie Fisher, nhà tư vấn hướng nghiệp người Mỹ, chia sẻ trên CNBC Make It.

Tuy nhiên, đến khi phỏng vấn, nhiều người trong số họ lại không có được màn thể hiện tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Chưa cần bàn đến năng lực chuyên môn, nhiều biểu hiện trong giao tiếp có thể khiến ứng viên trở nên yếu thế so với đối thủ cùng thời điểm.

Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý về tác phong trong một buổi trao đổi công việc. Nếu bạn rơi vào tình huống phỏng vấn nhiều nhưng không nhận được lời mời làm việc nào, đây có thể là lời khuyên hữu ích.

 Sự lúng túng, đánh giá thấp chính mình sẽ làm xấu hình ảnh của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Sự lúng túng, đánh giá thấp chính mình sẽ làm xấu hình ảnh của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Quá khiêm tốn

Khi mất việc làm và gặp khó khăn trong việc chi trả hàng loạt chi phí, bạn thường có xu hướng tỏ ra cần một công việc hơn là công ty cần bạn.

Tuy vậy, khi gặp gỡ nhà tuyển dụng, bạn không nên tỏ rõ tâm lý này.

Ngoài ra, khi được hỏi về mức độ đóng góp cho công việc, bạn cần khẳng định mong muốn, năng lực của mình với sự tự tin.

Thái độ lúng túng, dè dặt hoặc tỏ ra quá khiêm tốn có thể khiến bạn bị đánh giá thấp so với khả năng thực sự.

Ví dụ, bạn không nên nói: "Tôi bị công ty cũ sa thải. Tôi có nhiều tố chất để làm tốt công việc mà công ty bạn tuyển dụng".

Thay vào đó, bạn nên nói: "Việc bị cắt giảm việc làm vừa qua cho tôi thời gian để suy nghĩ và tìm kiếm một môi trường làm việc phù hợp hơn. Tôi mong muốn có thể tạo ra sức ảnh hưởng thực sự tại công ty của bạn. Đây chính xác là những gì tôi đã có kinh nghiệm và hoàn thành trong suốt 5 năm qua".

 Bạn không nên giới thiệu lại những thông tin cơ bản đã viết trong CV. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.

Bạn không nên giới thiệu lại những thông tin cơ bản đã viết trong CV. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.

Cung cấp thông tin không chi tiết

Trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ không muốn nghe bạn lặp lại những thông tin cơ bản đã được liệt kê trong hồ sơ.

Thay vào đó, bạn cần trình bày rõ về những điều chưa thể hiện trên giấy tờ, ví dụ như định hướng sự nghiệp hoặc những thành tựu bạn từng đạt được.

Đó có thể là những dấu mốc lớn hay những việc làm nhỏ nhưng có thể đóng góp phát triển văn hóa công ty. Từ những chia sẻ này, nhà tuyển dụng sẽ biết rằng liệu bạn có thực sự phù hợp với môi trường của họ hay không.

 Cách bạn nhận lỗi và nêu ra phương pháp khắc phục hậu quả mới là điều được đánh giá cao. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Cách bạn nhận lỗi và nêu ra phương pháp khắc phục hậu quả mới là điều được đánh giá cao. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Cố gắng che giấu khuyết điểm

Nhiều người có xu hướng lảng tránh khi bị nhắc về điểm yếu và thiếu sót của mình.

Nhưng tốt hơn hết, bạn nên minh bạch về những sai lầm mà mình từng mắc phải, đồng thời chia sẻ cách đã làm để sửa chữa, khắc phục điều đó.

Ngoài ra, hãy thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn cũng là người sẵn sàng thay đổi để phù hợp với một vị trí mới.

Chính tư duy phát triển và không bào chữa cho lỗi lầm sẽ giúp bạn chinh phục được đối phương.

Hoàng Vân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/neu-ban-lien-tuc-phong-van-that-bai-post1398399.html