Nếu bị luận tội, Tổng thống Trump có 'tự tha tội' cho mình được không?
Tổng thống Trump đã dùng quyền của mình để ân xá cho một số nhân vật, còn giờ đây, khi đứng trước nguy cơ bị luận tội sau vụ hỗn loạn ở Điện Capitol, liệu ông có khả năng, về mặt luật pháp, để tự ân xá cho chính mình, và thế là mọi chuyện lại ổn thỏa?
Với sức ép đang tăng lên từ mọi phía: Phó Tổng thống Mike Pence không loại trừ khả năng áp dụng Tu chính án thứ 25 để truất quyền Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thúc đẩy việc luận tội, thì Tổng thống Trump có thể phải nghĩ đến việc... tự ân xá cho chính mình.
Nhiều nguồn tin nói rằng, từ những ngày đầu nhiệm kỳ, thì quyền lực mà Tổng thống Trump tỏ ra thích thú nhất chính là quyền ân xá. Nó gần như tuyệt đối, và ông chẳng phải hỏi ý kiến ai cả.
Cho nên, câu hỏi này đã quay lại trong vài ngày gần đây. Các kênh tin tức lớn nhất, bao gồm ABC và Thời báo New York, đều đã khẳng định rằng, Tổng thống Trump có nói với các cố vấn về việc tự ân xá. Vậy ông có thể không?
Mặc dù một số học giả cho rằng quyền ân xá là tuyệt đối, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng một Tổng thống không thể tự ân xá cho mình.
Giáo sư Luật của ĐH Harvard là Cass Sunstein nói rằng, khái niệm ân xá bắt đầu từ ý tưởng về lòng thương xót hoặc ân huệ theo luật pháp Anh, cho nên, thật vô nghĩa nếu bày tỏ lòng thương xót hoặc ban ân huệ cho chính mình. Nhiều học giả khác cũng cho rằng, về mặt ngôn ngữ thì việc này có nghĩa là bạn trao lợi ích cho ai đó, chứ không phải cho chính bạn.
Nhưng lý lẽ thuyết phục nhất chống lại việc tự ân xá, theo Brian Kalt, giáo sư Luật của ĐH bang Michigan, là: Sự cho phép việc tự ân xá “sẽ vi phạm nguyên tắc rằng không ai có thể là Quan tòa (để tự phán xét) trong vụ việc của chính mình”.
Đó cũng là ý kiến pháp lý chính thức được nêu ra bởi Bộ Tư Pháp vào năm 1974.
Nhưng tất nhiên, Tổng thống Trump từ lâu đã luôn là người hay phá vỡ những thông lệ lâu năm. Và tự ân xá có thể không phải là ngoại lệ.
Tính cho đến giờ, chưa một Tổng thống Mỹ nào tự ân xá cho chính mình và cũng không ai ủng hộ việc tự ân xá đó. Kenneth Gormley, hiệu trưởng ĐH Duquesne ở Pittsburgh, cũng là tác giả cuốn Các Tổng thống và Hiến pháp, nói: “Nếu việc đó xảy ra (Tổng thống tự ân xá), thì một Tổng thống trước khi rời Nhà Trắng sẽ có thể, ví dụ, bán các bí mật quan trọng nhất của quốc gia, mật mã hạt nhân, để lấy hàng tỷ đôla, rồi tự ân xá trước khi rời nhiệm sở”.
Đây cũng là quan điểm của Elizabeth Bennion, giáo sư Khoa học Chính trị của ĐH Indiana. Bà nói: “Không ai đứng trên luật pháp cả”. Bà Bennion tin rằng, trong trường hợp có việc tự ân xá và bị phản đối, thì Tòa án Tối cao sẽ vào cuộc và khả năng lớn là sẽ chống lại việc tự ân xá đó. Bởi việc tự ân xá sẽ tạo tiền lệ xấu.
Ngoài ra, ông Gormley cũng nói, sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Joe Biden sẽ nắm giữ cơ quan hành pháp theo Hiến pháp, và ông cũng có thể sẽ “hủy ân xá” đối với ông Trump. Tất nhiên, nếu ông Trump muốn phản đối thì cũng có thể đem vụ việc ra Tòa án.
Hoặc Bộ Tư Pháp cũng có thể đưa ra một ý kiến pháp lý mới, tuyên bố rằng việc tự ân xá đó là vượt quá quyền hạn theo Hiến pháp của Tổng thống.
Vậy là, về căn bản, Tổng thống có quyền ân xá rất rộng, nhưng không phải là hoàn toàn vô hạn đâu.