Nếu bị tấn công mạng, quản lý bay ứng phó cách nào?
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng QG - Cục An toàn thông tin hỗ trợ TCT Quản lý bay VN nhiều giải pháp ứng phó với cuộc tấn công mạng.
Vô tình mắc bẫy hacker
Tình huống giả định, một nhóm hacker vừa được thuê lập kế hoạch phá hoại hệ thống của Công ty Quản lý bay miền Bắc. Do hệ thống này được cách ly với internet nên mọi quá trình rà soát từ bên ngoài đều không mang lại kết quả.
Sau khi rà soát từ bên ngoài không có kết quả, nhóm này đã tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội và phát hiện trong Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội có một nhân viên có thể là chìa khóa cho một cuộc tấn công vào hệ thống này.
Biết được nhân viên này đang gặp khó khăn, nợ nần về tài chính, do đó nhóm hacker đã tiến hành mua chuộc, giao cho anh này một nhiệm vụ đơn giản là cắm 1 thiết bị giống một chiếc ổ USB vào phía sau của một máy tính ở phòng điều hành bay nhân lúc máy tính đó chưa khóa màn hình và lặng lẽ rút ra khi có yêu cầu.
Thiết bị USB đó thật ra là một thiết bị chuyên dụng để tấn công mạng, có khả năng thực hiện thao tác chuột/bàn phím để thực thi mã độc và kết nối từ xa qua mạng di động 4G. Khi ổ USB được cắm vào, hacker ở một nơi khác có thể bắt đầu thực hiện nghiên cứu, tấn công vào hệ thống giám sát, điều hành bay ngay như đang ngồi trực tiếp trong mạng nội bộ và vượt mặt các phần mềm chống virus và bảo vệ mạng của đơn vị. Hacker kết hợp với mã độc để duy trì sự hiện diện lâu dài, kiểm soát và gửi dữ liệu ra bên ngoài, ẩn nấp và thực hiện nhiệm vụ tấn công sang các mục tiêu khác.
Nhận thấy việc làm gián đoạn hoạt động của hệ thống giám sát và điều hành bay có thể gây tổn thất rất lớn đối với Công ty Quản lý bay miền Bắc, ngày 18/10/2019, nhóm này đã quyết định tấn công làm gián đoạn hoạt động của hệ thống giám sát và điều hành bay.
Sau khi hacker tấn công, hệ thống của Công ty Quản lý bay miền Bắc bắt đầu có những dấu hiệu bất thường. Ngay khi phát hiện có sự cố xảy ra trên màn hình giám sát, Kíp trưởng không lưu gọi điện thông báo kíp viên để kiểm tra hệ thống và thông báo trên toàn hệ thống; đồng thời yêu cầu các kíp viên sử dụng hệ thống dự phòng để điều hành bay. Trong thời gian này, các lực lượng quản trị mạng được huy động để điều tra và khắc phục sự cố.
Đó là những tình huống diễn tập vừa được TCT Quản lý bay VN (VATM) tổ chức cuối tuần qua. Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo VATM cho hay, 50 cán bộ, nhân viên kỹ thuật quản trị mạng, phụ trách công nghệ thông tin đến từ Công ty Quản lý bay miền Bắc, Công ty Quản lý bay miền Trung, Công ty Quản lý bay miền Nam, Trung tâm Quản lý luồng không lưu và Trung tâm Thông báo tin tức Hàng không đã tham gia tình huống diễn tập được đánh giá là điển hình.
Các chuyên gia đầu ngành của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Cục An toàn thông tin cũng cùng tham gia hỗ trợ việc thiết lập, duy trì hoạt động của hệ thống trang thiết bị; Kiểm tra, đánh giá kỹ năng xử lý tình huống. “Cuộc diễn tập lần này nhằm trang bị cho cán bộ kỹ thuật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và sự nhanh nhạy, ứng phó xử lý tình huống khi xảy ra tấn công mạng, nguy cơ, mối đe dọa về an toàn đối với các hệ thống thông tin, góp phần tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người sử dụng về an toàn thông tin”, lãnh đạo VATM cho hay.
Không được mất kiểm soát hệ thống dù chỉ một giây
“
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ TT&TT ghi nhận 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Cũng theo số liệu của Bộ TT&TT, trong tổng số 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, có 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 635 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware) và 1.556 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing).
”
Cho rằng đảm bảo an toàn hoạt động bay là nhiệm vụ sống còn, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng khẳng định, an toàn hệ thống điều hành bay không chỉ để đảm bảo an toàn tính mạng hành khách mà còn mang tính chính trị, an ninh chủ quyền đất nước.
“Những cuộc diễn tập là rất quan trọng để tập rượt, đánh giá khả năng đảm bảo an toàn mạng, đảm bảo hệ thống điều hành luôn được an toàn tuyệt đối, không mất quyền điều hành dù chỉ 1 giây. Thông qua diễn tập nâng cao được nhận thức, coi việc đảm bảo an toàn hệ thống là công việc hàng ngày của quản lý bay nói riêng và của ngành hàng không nói chung, đánh giá được khả năng, điểm yếu, điểm hạn chế cần khắc phục từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện”, ông Thắng nói.
Ông Hoàng Minh Tiến, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, công tác bảo đảm thông tin là công việc thường xuyên, liên tục. Thực tế, các cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống trên thế giới đều là các cuộc tấn công có chủ đích và ngày càng tinh vi hơn. Mặc dù các hệ thống thông tin quan trọng được áp dụng rất nhiều các giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, trong đó có giải pháp cô lập, tách các hệ thống này ra khỏi internet. Tuy nhiên, vẫn bị tấn công mạng gây ra những sự cố nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, năng lực kỹ thuật của nhân lực phụ trách chưa thực sự cao.
“Hệ thống thông tin của hàng không nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành, của đất nước, mang đến những hậu quả khôn lường”, ông Tiến nói và cho rằng, tuyệt đối không được chủ quan. Việc diễn tập ứng phó với các tình huống là vô cùng quan trọng để rèn luyện kỹ năng, độ nhạy bén, linh hoạt cũng như để có kinh nghiệm ứng phó với các sự cố nếu có.